Tạm quên thành công

15.6093

Cuộc sống của 3 năm đại học đã khiến tôi mạnh mẽ, cứng cáp hơn rất nhiều với đam mê của mình.

Cách đây hơn 3 năm, khi đang còn là một học sinh cuối cấp, tôi có nhiều đam mê và mơ ước lắm. Đó là trở thành một kỹ sư công nghệ thông tin theo như chuyên ngành mà tôi đăng ký thi đại học, đó là được thực hiện ước mơ từ hồi bé xíu  trở thành một nhà báo viết về cuộc sống qua mọi thứ mà mình cảm nhận. Nhưng rồi, đúng lúc những đam mê, những dự định trong tôi đang khao khát nhất thì tôi bị kéo đôi chân xuống mặt đất bởi tôi thi rớt đại học. Việc có lẽ sẽ chẳng lớn lao với quá nhiều người bởi không phải đại học là con đường duy nhất, nhưng với tôi thực sự nó là cú sốc đầu tiên mà cuộc sống mang lại. Đó là điều đầu tiên tôi cảm nhận được về cuộc sống nhiều gai góc và là điều tác động lớn tới những đam mê, những ấp ủ của tôi.

Trượt đại học, tôi mặc định nghe theo sự sắp xếp sau đó của bố mẹ khi chuyển tôi vào 1 trường liên quan tới kỹ thuật, nó khác xa với sở trường của tôi, khác xa với những gì mà tôi sẽ nghĩ và nó cũng khác xa với lựa chọn khi còn là 1 cậu học sinh lớp 12 nhiều mơ mộng. Công việc hiện tại của tôi là mỗi ngày lên giảng đường và nghe giảng, thấm nhuần những kiến thức liên quan trực tiếp tới cuộc sống sau này của bản thân. Tôi nhớ có lần xem Vlog trên mạng có 1 câu nói rằng: “Cái gì đã gọi là công việc thì không có ai có thể thích và đam mê nó hoàn toàn đâu con, nếu vậy nó đã không gọi là công việc”. Khoảng cách giữa công việc và đam mê nó thực sự cũng không quá xa, nhưng cách để làm được những gì theo sở thích thì lại là 1 chặng đường rất dài.

Môi trường đại học khiến cho tâm hồn văn chương của tôi dần bị bài mòn. Số lượng lớn kiến thức, những bài kiểm tra, những kỳ thi và áp lực của đại học làm cho tôi nhiều lúc muốn cầm bút viết những cảm xúc thoáng qua về cuộc sống cũng không thể làm nổi, dù có đôi lúc cũng đã viết ra được nhưng lại vò nát vứt đi vì những cảm xúc ấy không thật với xúc cảm của mình. Đam mê với nghề báo, với cây bút và cuộc sống nhiều lúc tưởng như hoàn toàn vỡ vụn trong tôi.

À, tôi còn nhớ khi mới vào trường, khi còn là 1 sinh viên năm nhất nhìn cuộc sống mới với nhiều điều tò mò, tôi đến tham gia lễ hội chào tân sinh viên của trường, cảm giác khác lạ hoàn toàn với lễ khai giảng của trường cấp 3 nơi tôi theo học, bởi nó quy mô, hoành tráng hơn và điểm khác lạ khiến tôi tò mò nhất chính là MC của chương trình. Tôi nhớ khi đó, tôi theo dõi 2 MC từ đầu đến cuối chương trình, trong khi những người khác chỉ chăm chú xem những ca sĩ nổi tiếng, những gì diễn ra trên sân khấu. Tôi chú ý tới những tờ kịch bản mà  2 anh chị ý cầm, để ý tới ánh đèn sân khấu mỗi khi họ bước ra, để ý tới mọi di chuyển của 2 MC khi đó. Mọi thứ dường như được mắt tôi ghi và chụp lại, tôi cảm nhận rõ được 1 niềm đam mê đang chảy trong người mình, cảm nhận được điều mà tôi thực sự mong muốn khi ấy và cả sau này, đó là được 1 lần đứng trên sân khấu ấy với vai trò của người dẫn dắt, là MC thực sự.

Hành trình ấy bắt đầu với tôi bằng những công việc ở quy mô của lớp, với những chương trình rất nhỏ ở các câu lạc bộ trong trường. Tôi tìm kiếm mọi thứ vào mỗi tối sau khi công việc học tập khép lại, đó là kinh nghiệm của những người đi trước, của những kịch bản, những câu nói. Tôi nhớ, mỗi tối, tôi luôn vào nhà tắm của phòng trọ, cẩn thận chốt cửa lại và tập nói rất nhiều. Tôi nói mọi thứ về cuộc sống, nói mọi thứ mà tôi đã cảm nhận được trong 1 ngày đã qua, nói những gì tôi có thể nói mà không cần nghĩ quá nhiều về nó và tôi nhận ra rằng chính điều đó là cách mà tôi có thể làm 1 nhà báo với chính bản thân qua ngôn ngữ, không chỉ là cây bút mà đó là lời nói.

Tôi tập luyện hàng giờ và mục tiêu ban đầu của tôi chính là những cuộc thi về MC được tổ chức. Tôi nộp hồ sơ tham gia mọi cuộc thi liên quan tới MC mà không hề có sự tính toán, mục đích thực tế nhất lúc đó là kiếm tiền qua những cuộc thi để phụ giúp cho bố mẹ. Thứ nữa là tôi thích sự nổi tiếng và mong qua những cuộc thi đó, có thể khẳng định nhanh nhất sự nổi tiếng đó. Nhưng rồi tôi thất bại ở mọi lần thử sức, tôi nhận ra sự khắc nghiệt của thực tiễn, mọi thứ đều chống lại sự cố gắng của tôi. Tôi nhận ra rằng mình chỉ là 1 hạt bụi cực kỳ nhỏ bé trong một môi trường đầy tài năng và cả sự bon chen. Tôi đã khóc, gần như lần nào tôi cũng khóc rất nhiều, rất to và cũng chỉ có 1 mình vì mọi người luôn nghĩ mọi thứ không chỉ đánh giá qua cuộc thi nào đó.

Có những lúc tôi bất lực vì khi ấy cuộc sống chỉ có tôi và bốn bức tường phòng trọ, tôi không dám khóc to trước mặt ai cả vì sợ họ chê trách và không hiểu 2 từ “đam mê” và tôi cũng nhận ra rằng, thành công không chỉ có những gì học được trên mạng mà cần có thực tế, nhưng thực tế ở đâu và ai cho tôi đi dẫn cơ chứ?  Những lúc ấy, tôi đã định từ bỏ, tôi nghĩ tiêu cực hơn, nhưng rồi cảm giác của đêm tân sinh viên lại chảy trong người tôi. Tôi mong muốn được đứng trên 1 sân khấu lớn lại tiếp thêm ý chí sau những lần vấp váp ấy cho tôi. Và tôi lại đứng dậy, tiếp tục luyện tập, tiếp tục nói và nói.

Hơn một năm trôi qua trong sự nỗ lực của sự trau dồi giọng nói, cách thức đi lại, làm chủ sân khấu và mọi thứ sau thất bại, sau những giọt nước mắt. Tôi được dành cho cơ hội trở thành MC của 1 đêm chung kết cuộc thi ca nhạc tại trường. Tôi nhớ như in cái cảm giác đó, cảm giác như tôi đã vượt qua được sự ủ trệ của việc rớt đại học, cảm giác mà tôi đã ấp ủ suốt khoảng thời gian trước đó,cảm giác của chiến thắng, cảm giác được cầm kịch bản, được đi lại dưới ánh đèn sân khấu, được cảm nhận rõ khán giả là ai và họ ủng hộ mình như thế nào. Tôi kết thúc chương trình với những tràng pháo tay của mọi người, những lời chúc mừng và cả ngợi khen. Tôi đã không phải khóc như khi trở về từ những cuộc thi nữa, mà cảm thấy mạnh mẽ hơn rất nhiều. Tôi cảm nhận được cái gì đúng đắn nhất mà mình đã làm được.

Những vấp váp, câu nói, lời khen, sự góp ý... đã giúp tôi vững tin hơn trên con đường học tập và cả theo đuổi ước mơ trở thành 1 người dẫn chương trình thực sự. Mỗi lần bước lên sân khấu, tôi đều có cảm giác như lần đầu, cảm giác của sự chiến thắng, được tiếp thêm sức mạnh trên đôi chân để vượt qua sự bon chen của cuộc sống, những thách thức trên bước đường mà tôi đang phải đi tiếp mà không được phép dừng lại. Giờ đây, mọi người đã quen thuộc hơn với tôi trong vai trò MC và tôi cũng vậy. Những chương trình đã đến với tôi nhiều hơn, các sự kiện cũng nhiều hơn và nó khiến tôi quên đi những gì đã nghĩ, những gì mà tôi cảm nhận rằng, đam mê đang bị dập tắt bởi môi trường kỹ thuật. Dù bây giờ vẫn chưa nhiều người biết tôi là ai, nhưng quan trọng tôi biết mình đang làm gì và những người yêu mến tôi sẽ cùng cảm nhận điều đó. Nhiều lúc, tôi thầm cảm ơn những giây phút tôi rớt đại học, thầm cảm ơn những lời chê, những cái lắc đầu để tôi biết cuộc sống không gì là hoàn hảo, mất đi 1 thứ sẽ được nhiều thứ lớn hơn, khiến ta biết trân trọng.

Trước đây tôi cứ nghĩ sẽ phải vẽ ra những con đường thật hoàn hảo, những kế hoạch nhiều màu mè thì mới có thể bước đến với đam mê và thành công của mình. Nhưng rồi, tôi nhận ra rằng, khi bạn thích hay muốn làm 1 cái gì đó, thì hãy cứ đi đi, cứ làm đi, vì bây giờ tôi mới 20 và ai đang đọc bài viết này cũng có lẽ đều rất trẻ. Bạn hãy cứ mơ đi vì mỗi giấc mơ sẽ mang bạn đến với 1 điều kỳ diệu khác nhau, 1 cơ hội khác nhau, bởi lẽ sẽ có cái tuyệt đối trong cái tương đối mà thôi!

Cuộc thi viết "Sống với đam mê" do Báo điện tử VnExpress phối hợp cùng Công ty TNHH Sapporo Việt Nam tổ chức từ ngày 12/8 đến ngày 23/9. Cuộc thi dành cho mọi công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên. Độc giả gửi bài dự thi tại đây.

Lê Anh Phương

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]