“Thần dược” hay... độc dược?

Nhiều trường hợp đã phải trả giá đắt bằng chính sự đau đớn của bản thân để... kiểm chứng hiệu quả của "thần dược"...

0

Trong khi thị trường mỹ phẩm đang tràn ngập hàng trăm, hàng nghìn sản phẩm, luôn tự vỗ ngực mình là "thần dược" trong chăm sóc, bảo vệ sắc đẹp, kéo dài tuổi xuân thì người tiêu dùng, đặc biệt là chị em ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc phân biệt tính thật giả của những mặt hàng này. Nhiều trường hợp đã phải trả giá đắt bằng chính sự đau đớn của bản thân để... kiểm chứng hiệu quả của "thần dược"...

Nhập viện vì mỹ phẩm "trời ơi"

Bước sang tuổi 40, vì bị một vết nám trên mặt, chị K.A. (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã mua một hộp kem chống nám ban đêm và giúp làm trắng da về bôi. Vừa bôi được 15 phút, mặt chị Kim Anh đã nóng bừng, đỏ rát và sưng. Vì giữa đêm nên phải đợi đến sáng chị mới đến được bệnh viện Da liễu quốc gia, lúc này gương mặt chị đã phừng phừng, toàn thân như lên cơn sốt. Theo lời kể, chị mua lọ kem có nhãn hiệu Banganjing ở chợ gần nhà với giá 500.000 đồng về bôi. Lẫn trong hàng chục bệnh nhân chờ đến lượt ở khoa Khám bệnh Viện Da liễu quốc gia, chị K. với tấm mạng che mặt kín mít. Chị may mắn được bác sĩ Nguyễn Thành, Trưởng khoa Khám bệnh trực tiếp thăm khám. Chỉ sau một đêm, gương mặt chị hiện lên với từng vùng da đỏ tấy như con tôm luộc, sưng vù. Chẳng cần hỏi nhiều, bác sĩ Thành đã "bắt" được bệnh. Bác sĩ Thành cho biết: "Đây là dạng dị ứng mỹ phẩm phải điều trị 1 tuần, dùng dung dịch đắp, bôi thuốc mỡ, uống thuốc chống ngứa và kháng sinh". Cầm lọ kem có tên Banganjing trên tay, ngay cả bác sĩ Thành lẫn chúng tôi đều thấy đáng tiếc cho chị, bởi hộp kem trên là mỹ phẩm nhập lậu trôi nổi, không rõ xuất xứ, không có nhãn phụ tiếng Việt... nhưng vẫn được chị liều sử dụng.

Bác sĩ Thành cho biết, trung bình một năm có khoảng 50 - 60 ca dị ứng mỹ phẩm đến khám và điều trị, trong đó hầu hết là sử dụng mỹ phẩm làm đẹp cho da, móng, tóc trôi nổi không rõ nguồn gốc xuất xứ. Bác sĩ Thành cảnh báo: "Thuốc nhuộm tóc là nguyên nhân gây dị ứng nhiều nhất. Khi sử dụng, bệnh nhân phải lưu ý đến các thành phần ghi trên lọ thuốc, đặc biệt thuốc nhuộm phải được đăng ký lưu hành tại Cục Quản lý Dược".

Làm đẹp là nhu cầu chính đáng của con người, nhưng sử dụng mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được đăng ký lưu hành tại Việt Nam đã khiến nhiều người phải nhập viện. Lo ngại hơn, khi kiểm tra trên thị trường Hà Nội, có tới 80% mỹ phẩm không có nguồn gốc xuất xứ, loại nào cũng được chủ hàng tâng bốc có "nguồn gốc tự nhiên", hay "chiết xuất từ thiên nhiên" mặc dù chính họ cũng chẳng dám chắc chúng làm từ gì và từ đâu tới.

Người tiêu dùng cần cảnh giác với mỹ phẩm trôi nổi.

Bó tay vì thật giả lẫn lộn...

Tìm hiểu thị trường mỹ phẩm ở một số chợ lớn trên địa bàn Hà Nội như chợ Đồng Xuân, chợ Hôm, chợ Việt Hưng..., chúng tôi đều nhận thấy ở đây có một lượng lớn mỹ phẩm được bán và tiêu thụ. Tuy nhiên, phần lớn mỹ phẩm ở đây không có nhãn phụ theo quy định, trừ các sản phẩm sản xuất trong nước. Một địa điểm tiêu thụ và bán mỹ phẩm rất lớn là tại các hiệu cắt tóc gội đầu.

Tuy không đăng ký kinh doanh sản phẩm, nhưng cửa hàng nào cũng giới thiệu cho khách dầu gội, thuốc nhuộm, thuốc mọc tóc. Để ý câu chuyện giữa chủ hiệu và nhân viên, chúng tôi phát hiện, nếu khách yêu cầu hàng xịn là họ chỉ đạo nhân viên tự dán nhãn phụ. Còn với khách hàng dễ tính thì họ còn không quan tâm đến nhãn phụ là gì, chỉ cần giới thiệu hàng Mỹ, hàng Italia hay hàng Đức... là được.

Mới đây, Ban chỉ đạo 127 TP. Hà Nội đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, phát hiện 25/28 cơ sở kinh doanh mỹ phẩm vi phạm về niêm yết giá, không nguồn gốc xuất xứ... Trong đó, tình trạng phổ biến vẫn là việc bán và lưu hành mỹ phẩm không có số đăng ký lưu hành, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Mỹ phẩm bị làm nhái, làm giả nhiều nhất là son môi, phấn trang điểm, kem dưỡng da, dầu gội đầu, thuốc nhuộm tóc, miếng đắp mặt...

Ông Vương Hữu Tuấn, Chủ nhiệm Văn phòng tư vấn và khiếu nại (Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam): Một trong những loại mỹ phẩm mà Hội thường nhận được khiếu nại từ người tiêu dùng là thuốc mọc tóc. Do sử dụng sản phẩm không đạt hiệu quả như được quảng cáo, thậm chí là dị ứng nên người tiêu dùng mới làm đơn khiếu nại. Lời khuyên cho người tiêu dùng là khi có thắc mắc thì nên gặp trực tiếp đơn vị cung cấp hàng hóa để phản ánh, sau đó khiếu nại đến Hội Bảo vệ người tiêu dùng. Việc khiếu nại không chỉ vì quyền lợi riêng của họ mà còn thể hiện trách nhiệm với cộng đồng - cung cấp thông tin cho người tiêu dùng để nhận biết. Trước thị trường mỹ phẩm thật giả lẫn lộn, chị em phụ nữ cần thận trọng khi mua hàng để bảo vệ sức khỏe, vẻ đẹp cho mình. Nếu có thể, hãy chọn lựa những cửa hàng có uy tín hoặc ít nhất là chưa bị mất uy tín. Hạn chế tối đa hoặc không bao giờ bôi lên cơ thể mình những hợp chất có nhãn mác và xuất xứ mà mình không rõ.

Đức Anh

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]