Thành viên vào Bếp – Đổ bánh căn ngon hơn ngoài hàng

Dĩa bánh căn đổ trứng ngày hôm ấy là một kỷ niệm mà mình nhớ mãi không bao giờ quên. Món ăn tuy đơn giản nhưng nó có đầy đủ vị mặn, vị cay, vị nồng, vị thơm, vị ngọt và có cả tình yêu thương vô bờ bến của anh mình dành cho hai mẹ con mình.

15.5925

Sau một tuần làm việc thường những buổi cuối tuần thì mình hay làm những món ngon để cả gia đình thay đổi khẩu vị. Hai vợ chồng mình sinh ra và lớn lên tại Đà Lạt nên một trong những món mà cả nhà đều thích là món Bánh căn Đà Lạt món mà hai vợ chồng mình hay gọi là món “Bánh căn đổ trứng- Đong đầy vị yêu thương”

 Có một kỷ niệm mà mình nhớ mãi …..Xa quê nên nhiều khi thèm vị bánh quê nhà mà ít có chỗ bán lắm. Cách đây 4 năm khi mình mang bầu con gái, nghén không ăn được gì, nữa đêm tự nhiên thèm bánh căn quá ông xã đi khắp nơi mà không có bán. Vậy mà ngày hôm sau thấy chồng mình khệ nệ ôm cái khuôn đổ bánh căn bằng đất về, nào là than củi, và nguyên liệu để làm món bánh căn. Đồ nhiều quá chồng mình làm rớt cái khuôn phía trên thế là bể làm 3 mảnh. Mình cứ nhớ mãi khuôn mặt của chồng mình lúc đó, mồ hôi nhễ nhại, nhìn cái lò bị bể mà tội nghiệp vô cùng.

Cái khuôn thì nhờ người quen mua gửi từ Đà Lạt xuống nên không thể chạy ra mua lại liền mà lỡ mua nguyên liệu rồi. Chồng mình cứ lui cui ngồi cột dây kẽm lại mặt trên khuôn để làm đỡ bánh mất cả tiếng đồng hồ. Dĩa bánh căn đổ trứng ngày hôm ấy là một kỷ niệm mà mình nhớ mãi không bao giờ quên. Món ăn tuy đơn giản nhưng nó có đầy đủ vị mặn, vị cay, vị nồng, vị thơm, vị ngọt và có cả tình yêu thương vô bờ bến của anh mình dành cho hai mẹ con mình.

Hôm nay chỉ khác hơn xưa là mỗi lần đổ bánh căn thì mình và con gái đều phụ anh những việc nhỏ khác. Còn phần anh vẫn là đứng bếp cho ra món bánh căn nóng giòn….trong tiếng cười giòn tan đầy hạnh phúc của chúng tôi.

Nguyên liệu:

  • 1/2 ký gạo cũ
  • 1 chén cơm nguội
  • 40 chục trứng cút
  • 500gr hành lá
  • 1/2 kg thịt băm (bạn nên dùng thịt ba rọi có chút mỡ thì món ăn sẽ ngon hơn)
  • 2 trái xoài ( có thể chọn xoài xanh hay hơi chín tới tùy vị người ăn)
  • 1/2 trái thơm
  • 1 trái chanh
  • Dầu ăn
  • 1 chai nhỏ mắm nêm (Có thể mua loại pha sẵn trong siêu thị).
  • Các loại gia vị như bột nêm, đường, mắm, tỏi, ớt, chanh
  • Khuôn đổ bánh căn bằng đất hoặc bằng gan. Nhưng theo mình thì đổ bằng lò đất sẽ ngon hơn rất nhiều.

Cách làm:

1. Xay bột

  • Đầu tiên phải ngâm gạo vào đêm hôm trước trước khi đem xay thì vo lại thật sạch và bỏ chén cơm nguội vào.

2. Pha mắm nêm và mắm ngọt

  • Thông thường chúng ta pha mắm nêm xong, khó mà để dùng lâu được vì mắm nêm sẽ đắng sau một hai ngày, nên mắm nêm pha chỉ đủ dùng 1 lần thôi nhé.
    Cho hành, tỏi, ớt vào xào cho vàng sau đó cho mắm nêm đảo thơm rồi cho 1 chút nước mắm nêm vào và nấu cho sôi.
    Phần mắm nêm nguyên chất từ từ hòa vào sau cùng nhất để lấy vị lẫn mùi mà khứu giác và vị giác của riêng mỗi người ưa  thích nhất (độ nồng nặng nhẹ tùy theo sở thích của tùy gia đình); Pha  mắm nêm theo cách này thì có thể kiểm soát được liều lượng mắm nêm cần  dùng cho bữa ăn khá dễ dàng!
  • Pha sẵn nước mắm chua ngọt (theo tỉ lệ 4:2:2:1  của nước lọc, đường, mắm, và chanh) để làm nước cốt; các thứ nguyên liệu  còn lại như ớt, tỏi, chanh cho vào sau để vừa ăn (thích  đặc lỏng tùy ý)

3. Mỡ hành 

  • Hành lá cắt khúc nhỏ vừa ăn.
  • Nấu 1 nồi nước, khi nước vừa sôi bạn bỏ hết phần hành vừa cắt vào đảo đều và trút hết ra rổ cho ráo nước. Sau đó chần qua nước lọc đá đễ giữ độ xanh của hành.
  • Khi nào ăn bạn bỏ hành vào chén sau đó phi dầu nóng đổ vào chén hành. Hành vừa giữ được độ giòn, màu xanh và mùi thơm khi kết hợp với dầu nóng.

4. Nhân trứng

  • Trứng cút đập ra tô, đánh nhuyễn rồi cho ít hành lá sống vào, chú ý hành lá bỏ vào trứng bạn nên cắt nhỏ hơn phần vừa cắt làm hành mỡ nghen!

5. Làm xíu mại Đà Lạt

  • Cắt cuốn hành lá thành hạt lựu, tỏi bóc vỏ, bằm nhỏ.
  • Cho thịt vào tô cùng 1/2 chỗ hành đã thái hạt lựu, 1/2 muỗng hạt nêm, 1/2 muỗng cà phê muối, 1/2 muỗng cà phê nước mắm, 1/2 muỗng đường, 1/2 muỗng tiêu, trộn đều rồi vo viên.
  • Cho ít dầu vào nồi, dầu nóng phi cùng tỏi nhiều cho thật thơm sau đó cho nước vào. Nước sôi thì bỏ từng viên xíu mại vào nêm nếm và nấu chín.

6. Ớt xào:

  • Ớt rửa sạch xay nhuyễn, cho 1 ít dầu vào chảo sau đó cho 4 tép tỏi đập nhuyễn vào phi vàng, cho phần ớt đã xay vào, đảo đều nhanh tay sau đó cho xíu bột nêm, 1 muỗng mắm, 1 muỗng đường vào rồi tắt bếp.

7. Chuẩn bị khuôn đổ bánh bằng than hồng. Dùng cọ quét 1 lớp dầu lên.

8. Xoài gọt vỏ và cắt sợi vừa ăn

  • Phần quan trọng cuối cùng là pha bột: Khi bột xay về bạn nên cho một xíu nước lọc vào khuấy đều. Theo kinh nghiệm của mình thì bạn nên đổ thử 1 vài cái tráng khuôn xem bột đã vừa chưa. Nếu khi đổ bột vào khuôn bạn thấy bột có lỗ bóng vỡ ra điều đó chứng tỏ bánh sẽ nở xốp rất ngon.

  • Cứ theo quy trình 1 bột 1 trứng rồi đậy nắp lại. Canh bánh chín, lớp vỏ ngoài giòn tan là hoàn thành món bánh căn rồi đó!

  • Bánh căn đổ cái nào, ăn nóng liền cái đó thì không còn gì bằng. Nhất là làm một chén nước mắm nêm, bỏ 3 cục xíu mại vào, vị cay nồng của ớt, thơm của hành lá, kết hợp với lớp vỏ bánh thiệt giòn bên ngoài và béo béo của trứng bên trong.

  • Chúc các bạn thành công với món ăn này nhé!
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]