Thể thao mùa “dịch bệnh”

Trong thi đấu thể thao, việc dính chấn thương là điều không thể tránh khỏi đối với vận động viên. Nhưng trong những năm gần đây, hiện tượng này đã xảy ra ngày một nhiều đến nỗi người ta gán cho nó khái niệm “virus”. Vì là virus nên nó đã lây lan rất nhanh, từ bóng đá sang quần vợt và nguyên nhân chung nhất vẫn là thể thao đang ngày càng bị thương mại hóa dữ dội.

15.5733

Từ “virus FIFA”...

Sự kiện ngôi sao người Bồ Đào Nha bị chấn thương đã khiến báo chí thế giới tốn rất nhiều giấy mực, bởi nhiều người cho rằng anh đã bị “yểm bùa”. Nhưng trong thời đại khoa học như hiện nay, những chuyện dị đoan như thế không đáng tin. Sự thật là do phải căng sức trên nhiều mặt trận nên sức khỏe của Ronaldo đã không được đảm bảo, dẫn tới việc anh bị chấn thương trong trận đấu giữa đội tuyển Bồ Đào Nha với Hungary ở vòng loại World Cup 2010. Điều này không chỉ gây hại cho Ronaldo mà còn cho cả CLB Real Madrid, vốn đã phải chi tới 94 triệu euro để mua cầu thủ này hồi mùa hè.

Cụ thể, chẳng những sẽ không có sự phục vụ của Ronaldo trong vòng một tháng, Real sẽ còn thiệt hại khoảng 2 triệu euro, vì họ chịu những ràng buộc với những nhà tài trợ trong trường hợp ngôi sao người Bồ Đào Nha không thể ra sân. Trong trường hợp này, các CLB cho rằng, Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) phải đứng ra chịu trách nhiệm vì cầu thủ đã bị chấn thương khi tham dự giải đấu do FIFA tổ chức. Và những chấn thương như thế thường được gọi là “virus FIFA”. Chẳng thế mà cứ đến một đợt trận quốc tế là y như rằng xuất hiện những tranh cãi về mặt quyền lợi giữa CLB và các đội tuyển quốc gia. Việc dung hòa được lợi ích giữa họ gần như là bất khả thi, dẫn tới việc trong nhiều trường hợp, các CLB đã đưa vụ việc lên Tòa án Thể thao Quốc tế (CAS).

Điều đáng nói là với chức năng và quyền lực của mình, đáng ra FIFA phải tìm cách cắt giảm các giải đấu nhằm giảm tải cho các cầu thủ, thì họ lại càng khiến cho lịch thi đấu thêm dày đặc bằng việc tổ chức những giải đấu mới. Chẳng hạn như giải Vô địch thế giới các CLB, hay Cúp các Liên đoàn châu lục, những giải đấu vốn bị chỉ trích nặng nề, bởi mục đích của FIFA khi tổ chức những giải đấu ấy chủ yếu là để thu hút thêm tiền tài trợ. Cái chết của cầu thủ người Cameroon Marc Vivien Foe do quá tải (cộng thêm tiền sử bệnh tim mạch) ở Cúp các Liên đoàn châu lục năm 2003 là một lời cảnh báo, nhưng nó vẫn bị FIFA phớt lờ.

Tới “virus ATP”

Ở môn quần vợt, may mắn là vẫn chưa có trường hợp nào đáng tiếc xảy như với Foe. Song chấn thương thì đang xuất hiện ngày càng nhiều, và người ta gọi đó là “virus ATP”. Những gì diễn ra ở giải Thượng Hải Masters tuần qua chính là một ví dụ gần nhất. Sau ba vòng đầu, số tay vợt buộc phải rút lui vì chấn thương đã lên tới con số 7, trong số đó có bốn hạt giống. Những tay vợt thể lực kém đã đành, đằng này, đến những tay vợt cơ bắp như Monfils hay Del Potro cũng bị loại vì lý do trên, chứng tỏ họ đã thực sự quá tải. Nên nhớ rằng trước khi giải đấu diễn ra, cả hai ngôi sao sáng giá là Roger Federer và Andy Murray lần lượt xin rút vì chấn thương cổ tay.

Trong số những nạn nhân của “virus ATP”, Andy Roddick là người phản đối dữ dội nhất. Từ nhiều năm qua, anh đã liên tục chỉ trích lịch thi đấu của Hiệp hội Quần vợt Nhà nghề (ATP) đã vắt kiệt sức của các tay vợt. Nhưng chỉ trích này không phải không có lý. Đơn cử như ở cuộc đua giành vé dự ATP World Tour Finals (tên mới của Masters Cup, quy tụ 8 tay vợt nam hàng đầu thế giới), ATP đã quy định rằng: để lọt vào một trong số 8 gương mặt xuất sắc nhất thì các tay vợt phải dự tất cả 9 giải ATP Masters 1000 trong năm. Đây thực ra là áp lực từ phía nhà tài trợ muốn có những ngôi sao để thu hút khán giả. Các tay vợt chỉ có thể rút lui trong trường hợp bất khả kháng như bị chấn thương (dĩ nhiên, phải có xác nhận của đại diện ATP).

So với những đồng nghiệp nam, các tay vợt nữ cũng chẳng sung sướng gì hơn, thậm chí với những ngôi sao có vẻ ngoài hấp dẫn như Sharapova, Wozniacki hay Ivanovic, đòi hỏi của những nhà tài trợ còn khắc nghiệt hơn nhiều, vì hình ảnh của họ cực kỳ có giá trị ở cả trong và ngoài sân đấu. Tuy nhiên, nếu xét về mật độ thi đấu thì các tay vợt nam vẫn vất vả hơn. Đầu tháng sau (1/11), mùa giải của nữ sẽ kết thúc với giải WTA Tour Finals, và họ sẽ có gần hai tháng để nghỉ ngơi. Trái lại, ATP World Tour Finals diễn ra sau đó tận ba tuần. Đối với những tay vợt phải dự chung kết Davis Cup (Tây Ban Nha - CH Czech) thì mùa giải chỉ thực sự kết thúc vào ngày 6/12. Như vậy, họ sẽ chỉ có hơn ba tuần để chuẩn bị cho mùa giải mới 2010.

Xét cho cùng thì cả các tay vợt, cả ATP và cả những nhà tài trợ đều có cái lý của mình. ATP cần tiền cho các giải đấu nên phải tuân theo những đòi hỏi của nhà tài trợ, nhà tài trợ cần các ngôi sao để hút khán giả và quảng bá thương hiệu. Các ngôi sao cũng cần những giải đấu để nâng cao đẳng cấp. Và khi họ quá tải, sẽ lại có một hiệu ứng domino diễn ra. Với các ngôi sao là nỗi đau thể xác, với những nhà tài trợ là sân đấu trống vắng, và với ATP là giảm sút ở mỗi giải đấu. Một vòng quay không bao giờ ngừng!
 

PHƯƠNG VY
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]