Thiếu thiết bị giám định bệnh nghề nghiệp

Lần đầu tiên Cần Thơ khám phát hiện, giám định bệnh nghề nghiệp cho công nhân. Việc chậm thực hiện là thiệt thòi cho người lao động tại đây.

15.607

Tuổi Trẻ đã trao đổi cùng bác sĩ Hà Thị Nguyền, giám đốc Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường Cần Thơ, về vấn đề này. Bà Nguyền cho biết:

- Tính đến nay thành phố Cần Thơ chỉ mới có 22 công nhân bị bệnh điếc nghề nghiệp được Hội đồng giám định y khoa thông qua hồi đầu tháng 1-2011, còn lại ba trường hợp sẽ tiếp tục hội chẩn để có quyết định sau. Đó là 25 công nhân đang làm việc tại Công ty cổ phần SADICO, Công ty cổ phần Ximăng Tây Đô và Công ty thép Tây Đô. Đây là những đơn vị nằm trong chương trình mục tiêu Quốc gia “Xây dựng mô hình điểm phòng chống bệnh điếc nghề nghiệp”.

* Nguyên nhân nào khiến việc giám định bệnh nghề nghiệp tại Cần Thơ còn quá ít, trong khi trên thực tế số người lao động bị bệnh nghề nghiệp phải cao hơn nhiều?

- Tại Cần Thơ chỉ mới có một loại bệnh điếc nghề nghiệp được giám định, số người được giám định so với số công nhân nói chung và số công nhân bị bệnh nghề nghiệp còn rất thấp. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường chưa có đủ trang thiết bị để xác định.

Riêng đối với ngành y tế, nhân viên y tế có mắc viêm gan siêu vi, lao... nhưng hiện nay vẫn không đưa ra giám định được vì chưa xác định khi vào làm việc họ chưa mắc những bệnh này. Hiện chúng tôi đã làm lại và từ năm 2011 trở về sau có thể đưa ra giám định đối với những trường hợp xác định viêm gan siêu vi, lao do nghề nghiệp. Đối với HIV nghề nghiệp thì chưa phát hiện trường hợp nào.

* Nếu do chưa đủ năng lực, cơ sở giám định thì trước đây Cần Thơ đã gửi hồ sơ nào lên tuyến trên nhờ giám định không? Hiện nay trung tâm đã giám định được bệnh nghề nghiệp nào?

- Nghe nói trước đây trung tâm cũng có vài lần gửi hồ sơ giám định nhờ ở TP.HCM hay Hà Nội, nhưng do thủ tục lòng vòng và phức tạp sao đó nên cuối cùng không giám định được trường hợp nào. Từ lúc tôi phụ trách trung tâm (tháng 8-2008) đến nay thì chưa gửi hồ sơ nhờ giám định trường hợp nào.

Hiện nay, chủ yếu chúng tôi đo thính lực và đo chức năng hô hấp. Muốn xác định chắc chắn một số bệnh nghề nghiệp như bụi phổi amiăng (thường gặp ở công nhân các nhà máy ximăng, tấm lợp), bụi phổi bông (công nhân xí nghiệp may), chúng tôi làm bước đầu là chụp X-quang phổi ở những công nhân làm việc trong môi trường bụi nhiều, sau đó phải gửi lên Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM để giám định chính xác. Riêng đối với các bệnh nghề nghiệp như nhiễm chì hay hóa chất thuốc trừ sâu trên người, hiện chúng tôi chưa đủ phương tiện cận lâm sàng để khám và giám định.

* Trường hợp chủ doanh nghiệp không hợp tác, người lao động có thể tự đề nghị với cơ quan quản lý để được yêu cầu giám định hay không?

- Nếu chủ doanh nghiệp không hợp tác thì người lao động không thể ra giám định được. Chủ doanh nghiệp không chấp hành các quy định về an toàn lao động, môi trường lao động thì sẽ bị thanh tra Sở LĐ-TB&XH kiểm tra xử phạt. Riêng đối với việc lập hồ sơ đo đạc môi trường, trang bị đồ bảo hộ lao động và khám bệnh nghề nghiệp cho công nhân trong môi trường có nguy cơ cao, trung tâm chúng tôi chủ yếu thực hiện khi các chủ doanh nghiệp hợp tác, chứ chúng tôi không có chức năng kiểm tra, xử phạt.

* Trên thực tế khám sức khỏe cho công nhân, người lao động tại Cần Thơ, bác sĩ nhận xét về tỉ lệ bệnh nghề nghiệp ở Cần Thơ như thế nào?

- Theo điều tra của mạng lưới vệ sinh lao động, Cần Thơ hiện có 1.814 doanh nghiệp (lớn, vừa và nhỏ), trong đó chúng tôi đã lập hồ sơ quản lý vệ sinh lao động cho 1.303 doanh nghiệp. Thực tế tại Cần Thơ trung tâm chỉ khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp cho khoảng 39% công nhân (trong năm 2010: 14.334 lượt người được khám bệnh nghề nghiệp/tổng số 53.734 công nhân). Qua kết quả khám, nhóm bệnh nghi ngờ điếc nghề nghiệp chiếm cao nhất 14,3%, giảm chức năng hô hấp 5,3%.

* Những người lao động bị nghi ngờ mắc bệnh nghề nghiệp trước đây nhưng chưa được giám định có thể tự yêu cầu được giám định lại để hưởng trợ cấp bệnh nghề nghiệp hay không?

- Nếu những người này vẫn còn làm tại chỗ cũ thì có thể yêu cầu nơi họ làm việc được tổ chức khám và xác định lại. Còn những trường hợp đã quá lâu và đã nghỉ việc tại đơn vị cũ thì không thể giám định lại do thiếu các điều kiện, hồ sơ cần thiết để xác định bệnh nghề nghiệp.

THÁI LŨY  thực hiện

36 trung tâm y tế có thể khám, xác định bệnh nghề nghiệp

Theo bà Trần Thị Ngọc Lan - phó cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế, hiện toàn quốc có 36 trung tâm y tế dự phòng và trung tâm y tế bộ ngành có thể khám và xác định bệnh nghề nghiệp. Bộ Y tế và cơ quan bảo hiểm đã công bố danh mục 25 bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm, trong đó các bệnh như bụi phổi, điếc nghề nghiệp, bệnh nhiễm hóa chất... thuộc nhóm được phát hiện nhiều nhất, lý do là số người nhiễm lớn hơn cả và khả năng phát hiện cũng tốt hơn. Tính đến nay đã có 26.970 trường hợp được xác định mắc bệnh nghề nghiệp và được cấp sổ bảo hiểm.

L.ANH

Theo Tuoitre.vn

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]