“Sống mòn” trong môi trường độc hại

Không riêng gì chị Thủy, rất nhiều nữ CN làm tại các DN chế biến thủy - hải sản đều áp dụng phương pháp trên để tự chăm sóc sức khỏe cho mình. ThS Mai Thị Thu Thảo - Trưởng phòng ATLĐ, Phân viện Bảo hộ LĐ và Bảo vệ môi trường miền Nam - cho biết, mỗi môi trường làm việc, nếu không được bảo vệ đúng cách, thì sẽ mắc những bệnh nghề nghiệp (BNN) tương ứng.

Theo nghiên cứu của phân viện, trong ngành chế biến thủy - hải sản, ngoài bệnh phổ biến như tai-mũi-họng, CN ngành này có   55% bị bệnh khớp, 62,5% bị bệnh dãn tĩnh mạch chân...

Tại Cty CP phân lân nung chảy Văn Điển (Hà Nội), từ đầu năm đến nay, đã có 3 người bị bệnh nghề nghiệp, nâng tổng số NLĐ làm việc tại đây bị bệnh nghề nghiệp lên con số 17, trong đó có 8 trường hợp bị bụi phổi silic. Anh N.T.V (làm việc ở DN này được gần 10 năm) cho rằng, nguy cơ dẫn đến bệnh tật ở những DN sản xuất hóa chất là rất đáng ngại. Tình hình này nếu không sớm được cải thiện thì không ít NLĐ lại phải chịu cảnh “sống mòn” trong môi trường LĐ nặng nhọc, độc hại.

Trong khảo sát về điều kiện LĐ và sức khỏe CN một số đơn vị thuộc ngành xây dựng tại TPHCM của TS Phạm Thị Bích Ngân - Phó GĐ Trung tâm Sức khỏe nghề nghiệp (Viện Nghiên cứu KHKT BHLĐ) - cho thấy tỉ lệ mắc bệnh tai-mũi-họng chiếm 44,44%, bệnh về mắt 30,56%, bệnh nội khoa như huyết áp, dạ dày... (30,56%)...

Gia tăng bệnh nghề nghiệp

“Có những lúc tôi khám sức khỏe cho NLĐ, phát hiện ở một DN có quá nhiều CN bị sạn thận, sỏi thận, hỏi ra mới biết ở đó, CN đi vệ sinh phải ghi tên, một ngày chỉ được đi vệ sinh mấy lần. CN đi nhiều sợ phạt, trừ lương nên uống ít nước, hoặc đành phải nhịn. Lâu dần thì mắc bệnh sạn thận, sỏi thận” - TS-BS Huỳnh Tấn Tiến - GĐ Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động & Môi trường, Sở Y tế TPHCM - cho biết.

Một bác sĩ tại trung tâm  này cho biết thêm, 6 tháng đầu năm 2013, qua khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ ở 58 đơn vị, kết quả gần 60% số NLĐ có sức khỏe trung bình trở xuống.  Trong khám BNN, hơn 33% số NLĐ được khám cần được theo dõi bệnh, trong đó có các bệnh tiêu biểu như điếc nghề nghiệp, nhiễm độc toluen/xylen, nhiễm độc hóa chất...

Còn theo Vụ Pháp chế, Bộ LĐTBXH thì tổng số người mắc BNN đã qua giám định tính đến cuối năm 2010 là 26.928 trường hợp, trong đó bệnh bụi phổi silic là 20.229 ca (chiếm 75,1%). Thực tế, số người mắc BNN có thể cao gấp hàng chục lần số báo cáo. Qua khám sức khỏe định kỳ, tỉ lệ NLĐ có sức khỏe yếu (loại 4) và rất yếu (loại 5) năm 2010 là 8,8%. Tỉ lệ nghỉ ốm trong CNLĐ năm 2010 là 24,7% so với tổng số NLĐ các DN có báo cáo.

Ông Nguyễn Anh Thơ - Phó Cục trưởng Cục An toàn LĐ Bộ LĐTBXH - cho biết, hiện tình trạng DN vi phạm về ATVSLĐ khá phổ biến. Trong đó xét về một số chỉ tiêu cơ bản của DN cả nước thì chỉ có khoảng 35-36,7% thực hiện các quy định này.

TS Phạm Thị Bích Ngân - Phó GĐ Trung tâm Sức khỏe nghề nghiệp: Từ thực trạng nhiều DN và NLĐ phải chịu hậu quả từ việc thiếu tuân thủ pháp luật LĐ, coi nhẹ môi trường, điều kiện LĐ, thiếu biện pháp bảo vệ sức khỏe NLĐ, chúng tôi cho rằng, việc xây dựng và triển khai thực hiện văn hóa an toàn tại DN là rất cần thiết. Văn hóa an toàn phải được đặt lên hàng đầu, chứ không phải là sản xuất hàng đầu rồi xem nhẹ ATVSLĐ.

(Còn nữa)