Thực phẩm hợp nhau

Cá thường chiên với tỏi để khử tanh, nhưng ít ai biết sự kết hợp này còn giúp làm giảm hàm lượng cholesterol.

15.6051
Trong 5 năm gần đây, xuất hiện khá nhiều nghiên cứu xung quanh ý tưởng phối hợp các thực phẩm nhằm tạo ra sự tương hỗ lẫn nhau có lợi nhất cho cơ thể (food synergy). Dưới đây là một số kết quả nghiên cứu có thể áp dụng trong cuộc sống hằng ngày.

Cà chua với bông cải xanh (súp lơ xanh): Cà chua và bông cải xanh đều có khả năng phòng ngừa ung thư. Nhưng theo nghiên cứu của ĐH Illinois, ăn phối hợp cả hai loại rau này sẽ cho hiệu quả cao hơn.

Bông cải xanh kết hợp với cà chua làm giảm đáng kể sự phát triển khối u tuyến tiền liệt ở chuột thí nghiệm. Khi chế biến cà chua nên để cả vỏ vì 98% flavonols và một lượng lớn carotenoid có lợi trong cà chua nằm ở vỏ. Cà chua nấu chín với một chút dầu ăn sẽ giúp cơ thể dễ hấp thụ các chất này hơn.


Nghệ và tiêu đen: Hoạt chất curcumin trong nghệ có tác dụng ngăn ngừa ung thư, kháng viêm. Tuy nhiên, curcumin là chất khó hấp thụ nhưng thành phần piperine trong tiêu đen giúp tăng khả năng hấp thụ curcumin của cơ thể. Nghiên cứu ban đầu do ĐH Michigan cho thấy, hỗn hợp nghệ - tiêu đen có tác dụng mạnh gấp 20 lần so với từng chất riêng lẻ trong việc ngăn chặn ung thư vú.

Tỏi với cá:
Bản thân cá chứa nhiều thành phần dinh dưỡng có thể bổ trợ cho nhau. Ví dụ, các khoáng chất sắt, kẽm, đồng, i-ốt, selen trong cá giúp tăng hiệu quả của các chất kháng viêm và làm giảm cholesterol của dầu cá như EPA, DHA. Nhưng theo nghiên cứu của ĐH Guelph (Canada), chế biến cá với tỏi còn giúp làm giảm hơn nữa hàm lượng cholesterol.

Chuối với sữa chua: Chuối chứa nhiều inulin, một cacbon hydrat mà vi khuẩn đường ruột có thể sử dụng làm thức ăn. Nói cách khác, chuối đóng vai trò probiotic, kích thích các probiotic trong sữa chua bám trụ và phát triển ở ruột. Chuối còn tăng khả năng hấp thụ canxi từ sữa.


Salad với quả bơ: Nghiên cứu của ĐH bang Ohio cho thấy, những người ăn salad từ xà lách, rau chân vịt, cà rốt với 3 thìa canh quả bơ xắt nhỏ hấp thụ alpha-caroten gấp 8,3 lần, beta-caroten gấp 13,6 lần và lutein gấp 4,3 lần so với chỉ ăn salad bằng các loại rau củ trên mà không kèm quả bơ.

Chất béo có lợi trong quả bơ giúp tăng khả năng hấp thụ các carotenoid hòa tan trong chất béo. Có thể thay quả bơ bằng các nguồn chất béo khác như dầu ôliu, pho mát, xốt salad (dressing). Đây là các món ăn rất tốt cho mắt.

Táo với nho: Táo chứa nhiều quercetin, còn nho giàu catechin. Theo nghiên cứu của ĐH Quốc gia Singapore, phối hợp táo và nho giúp tiểu cầu bớt dính nên ít tụ lại với nhau để làm nghẽn mạch, từ đó giảm nguy cơ tim mạch.

Cũng có thể kết hợp các thực phẩm giàu quercetin khác như quả mâm xôi, hành tây... với các thực phẩm giàu catechin như vang đỏ, trà xanh, trà đen.


Trứng với nước cam: Các loại rau như chân vịt, đậu Hà Lan... và lòng đỏ trứng rất giàu chất sắt. Nhưng đây là chất sắt nonheme, khác với chất sắt heme có trong thịt, hải sản. Chất sắt nonheme rất tốt cho sức khoẻ, nhưng cơ thể chỉ hấp thụ được 2 - 3% loại chất sắt này.

Để tăng khả năng hấp thụ chất sắt nonheme, nên phối hợp với vitamin C. Bữa sáng với trứng ốp la và nước cam là công thức lý tưởng, giúp tăng gấp 6 lần lượng sắt nonheme vào máu. Cũng có thể phối hợp các thực phẩm khác như đậu phụ với bông cải xanh, rau chân vịt với cà chua.

Bản thân việc phối hợp thực phẩm trong một món ăn hay một bữa ăn là kết quả của một quá trình lâu dài, được thử thách và kiểm nghiệm qua nhiều thế hệ. Dưới góc độ khoa học, nó là một ý tưởng được nhắc đến nhiều trong những năm gần đây khi đề cập đến mối liên hệ giữa ẩm thực và sức khoẻ.


Theo Bee.net.vn


0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]