Trải nghiệm thú vị cùng Ký sự sông Đà

Theo chân các PV VTV5, ngược theo con sông lên thượng nguồn, khán giả truyền hình xem sẽ có cơ hội tìm hiểu những trầm tích văn hóa của các dân tộc đang sinh sống ở vùng cao Tây Bắc...

15.5953

Đoàn làm phim Ký sự sông Đà

Dòng sông Đà hùng vĩ luôn là mạch sống, là tâm hồn, là một phần tất yếu của cuộc sống cư dân vùng Tây Bắc. Mỗi khúc sông, mỗi ghềnh đá, mỗi ngọn sóng là những câu chuyện dài gắn với cuộc sống, con người nơi đây. Theo chân các PV VTV5, ngược theo con sông lên thượng nguồn, khán giả truyền hình xem sẽ có cơ hội tìm hiểu những trầm tích văn hóa của các dân tộc đang sinh sống ở vùng cao Tây Bắc cũng như cuộc sống của người dân nơi đây trước và sau khi công trình thủy điện Sơn La xây dựng trên con sông được mệnh danh là trữ tình mà hung dữ này. Chúng tôi xin giới thiệu một vài trải nghiêm thú vị trong hành trình qua lời kể của BTV Quốc Khánh.

Tết Trung thu ở Mường Tè


Đêm Trung thu đối với các em nhỏ ở thành phố luôn sôi động với nhiều chương trình. Còn ở miền núi, những nơi vốn còn nhiều khó khăn trong cuộc sống, chúng tôi rất tò mò vì không biết Trung thu của các em sẽ như thế nào …


Khi chúng tôi đến, các em học sinh người La Hủ, ở trường tiểu học xã Pa Vệ Sử đang tập lần cuối tiết mục văn nghệ cho đêm Trung thu. Chỉ ít giờ nữa thôi các em sẽ biểu diễn. Buổi tối, khi trăng đã tròn, sáng rõ nơi cuối trời Tây bắc, thì đèn ông sao, biểu tượng đặc trưng của ngày Tết Trung thu đã được rước. Trung thu năm nay được tổ chức tại Đồn biên phòng 307, nằm ở ngay trung tâm xã Pa Vệ Sử. Nhiều tiết mục văn nghệ mà người biểu diễn còn chưa hết ngượng ngùng nhưng vẫn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của khán giả.


Trẻ em vùng cao vốn còn nhiều thiệt thòi, và tổ chức một Trung thu vui vẻ, có ý nghĩa, sẽ bù đắp được cho các em phần nào. Đó cũng là lý do để nhiều năm nay, huyện Mường Tè chọn các xã luân phiên theo từng năm tổ chức Trung thu cho thanh, thiếu niên. Đêm Trung thu ở Pa Vệ Sử giản đơn nhưng không vì thế mà không vui, không vì thế mà không ý nghĩa. Vòng xòe đoàn kết đã được nối, những em nhỏ đã được vui ngày Tết của mình.


Ngày mai, khi Trung thu đã qua, các em trở lại với cuộc sống thường nhật. Nhưng chắc chắn ký ức về đêm Trung thu sẽ tiếp tục nuôi dưỡng nhiều ước mơ, nghị lực để các em vươn lên trong cuộc sống.

Đi thuyền độc mộc trên sông Đà…

Mưa tầm tã cả đêm khiến chúng tôi lo lắng không ngủ được. Gần sáng cơn mưa giảm dần. 7h30 hai chiếc xe ô tô rời đồn Ka Lăng đến Trạm biên phòng Kẻng Mỏ dài 39 km. Mây mù và đường xóc nhưng cũng không gây quá nhiều khó khăn cho các tay lái xe chuyên nghiệp. Trời vẫn đổ mưa, khoảng 8h30, chúng tôi đến đồn Biên phòng Kẻng Mỏ. Không để mất thời gian, chúng tôi bắt tay ngay vào công việc. Điểm đầu của con sông Đà cách đồn biên phòng khoảng 700m. Chúng tôi quyết định trải nghiệm sông Đà trên chiếc thuyền độc mộc.

Người đàn ông 50 tuổi tên là Lù Văn Hường, dân tộc Nhắng. Ông Hưởng cầm cương thuyền mộc băng gió vượt sóng ở vùng thượng nguồn sông Đà đã 16 năm, là người thâm niên nhất ở cụm Pắc Ma của xã Mường Tè. 16 năm dãi dầu, cái chướng khí sơn lâm khiến khuôn mặt ông sạm nắng đen thui. Nhiều đời nhà ông gắn bó với sông Đà. Con nước sông Đà lên xuống thế nào, luồng lạch ra sao, trong trí nhớ của ông như thuộc nằm lòng.


Sông Đà, dòng sông hiểm trở và lớn nhất vùng Tây Bắc. Chinh phục sông Đà luôn là ước mơ, niềm khát khao của bao nhiêu người, nhất là với những người làm báo. Chúng tôi càng quyết tâm hơn khi không lâu nữa, thuỷ điện Lai Châu chặn dòng, sự hùng vĩ, nguyên sơ và những bí ẩn của dòng sông nơi thượng nguồn vĩnh viễn chìm xuống lòng hồ. Bây giờ vẫn đang là mùa lũ. Đêm qua lại có mưa nên nước sông Đà dâng lên cuồn cuộn. Chiếc thuyền nhỏ như một chiếc lá mỏng manh dưới làn nước hung dữ. Ghềnh thác dữ dội, nước réo ầm ào như đe dọa. Con thuyền lao vào giữa thạch trận, nước vượt mạn thuyền “truy kích”.


Chúng tôi, ngồi trên chiếc thuyền mộc của "người lái đò sông Đà" lao vun vút trên ngàn trùng sóng bạc, vượt thác Kẻng Mỏ, Kẻng Mân, thác Cảnh Phan, thác Nậm Lắm sôi sục giữa hai bờ vách đá ngút trời, mới thấu cảm giác chênh chao đến nghẹt thở... Ông Hưởng cho chúng tôi biết, lái đò trên sông Đà giờ đây khó hơn nhiều so với trước. Nếu như trước kia sông Đà hung dữ nhưng chỉ cần nắm vững được quy luật của dòng sông thì chế ngự được. Thì nay, do nạn khai thác vàng bừa bãi làm cho dòng sông bị biến dạng, thay đổi dòng chảy không theo nguyên tắc nào. Bởi vậy mà lái đò trên sông Đà giờ đây vô cùng nguy hiểm. Sau 2 giờ đồng hồ chúng tôi đã đến được bên Pắc Ma. Cảm giác được trải nghiệm trên dòng sông Đà trữ tình và hung dữ sẽ là một kỷ niệm khó quên đối với đoàn làm phim chúng tôi. Rồi đây khi thủy điện Lai Châu hoàn thành, nước sẽ dềnh lên sát biên giới hai nước, lúc đó ai sẽ còn biết con sông Đà hung dữ và trữ tình trong tác phẩm Người lái đò trên sông Đà như thế nào nữa?


15h chúng tôi rời Pắc Ma về trung tâm thị trấn Mường Tè. Đứng từ trên cao nhìn xuống mới thấy sự thi vị của dòng suối Nậm Củm với sắc xanh đổ vào dòng sông Đà đỏ ngầu phù sa. Rồi đây khi thủy điện Lai Châu hoàn thành, chắc chắn sắc xanh của dòng suối này sẽ không còn nữa. Nó sẽ nhập vào lòng hồ sông Đà. Cũng như dòng Nậm Củm hàng trăm dòng suối nơi điểm đổ vào dòng sông sẽ không còn dấu hiệu nhận biết. Nó lặng lẽ nhập vào sông Đà - dòng sông điện năng của Tổ quốc.

Khám phá thung lũng nhà sàn

Sáng sớm, từ khách sạn Hoàng Long, phóng tầm mắt ra một vùng nước mênh mông, nơi dòng Nậm Lay đã thành lòng hồ và hai bên bờ đã là một phố nhà sàn soi bóng xuống lòng hồ. Nhiều người đến đây gọi khu vực này là thung lũng nhà sàn. Trong số gần 4.800 hộ phải di dời của tỉnh Điện Biên, sẽ có hơn một nửa tái định cư tại chính thị xã Mường Lay mới theo một dạng mà chúng tôi gọi vui là “tái định cư theo chiều thẳng đứng”. Lối sống thân tình, gẫn gũi vẫn thể hiện rõ nét ở bản mới. Nhà nọ cách nhà kia chỉ là những bức tường nhỏ, đứng từ nhà sàn gia đình này người ta có thể nhìn thấy nhiều dãy cột của các nhà sàn khác.

Để làm được điều đó, những người dân thuộc thị xã Mường Lay sẽ dỡ nhà khỏi khu vực lòng hồ, ở tạm một chỗ. Rồi ngay cạnh cái nền thị xã cũ chìm trong lòng nước, người ta sẽ bạt núi, san bằng đất đá nâng cao trình lên ít nhất 20-30m để làm một nền mới của thị xã Mường Lay. Ban đầu chương trình dự kiến đưa dân về tái định cư ở nhiều nơi do diện tích vùng này không đủ để định cư, nhưng bà con lại không muốn xa quê hương bản quán. Chuyện dùng dằng đi, ở ấy khiến hàng ngàn hộ dân phân vân, chần chừ. Rồi phương án tái định cư theo chiều thẳng đứng được đưa ra, hầu hết dân của Mường Lay đều quyết định ở lại. Từ 450 hộ ban đầu, nay số hộ tái định cư tại đây lên đến 2.200 hộ.

Nếu như trước đây ở nhiều công trình di dân tái định cư, người dân không chỉ xót xa rời bỏ quê hương bản quán, mà còn phải sống trong những ngôi nhà xây cùng một mẫu, với mái tôn và bêtông xa lạ thì ở đây những mẫu nhà cũ được người dân mang lên đồi cao dựng lại. Cộng với số tiền hỗ trợ, nhiều hộ dân đã xây thêm công trình nhà vệ sinh khép kín. Một đô thị hiện đại đã mọc lên trong chính bản làng quen thuộc!

Khán giả truyền hình có những trải nghiệm thú vị cùng 30 tập phim ký sự Sông Đà do Ban truyền hình Tiếng dân tộc phối hợp với Đài phát thanh và truyền hình 5 tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình và Phú Thọ thực hiện. Dự kiến chương trình sẽ lên sóng VTV vào tháng 1 năm 2012.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]