Đó là kết quả của công trình nghiên cứu về ảnh hưởng của giấc ngủ với não bộ được tiến hành ở Anh với hơn 11.000 trẻ em 7 tuổi vừa được đăng trên tờ tạp chí Bệnh học và sức khỏe cộng đồng.

Nhóm nghiên cứu đã thu thập thông tin về trẻ ở thời điểm 3, 5 và 7 tuổi và đối chiếu kết quả các bài tập đọc, làm toán và nhận thức không gian với thói quen giấc ngủ của các em.

Đi ngủ không đúng giờ rất phổ biến khi trẻ 3 tuổi. Cứ 5 trẻ có 1 trẻ ngủ không đúng giờ. Khi 7 tuổi, hơn nửa số trẻ em tham gia nghiên cứu đi ngủ trong khoảng 19g30-20g30.

Kết quả là những trẻ không bao giờ đi ngủ đúng giờ có điểm thấp hơn hẳn trong các bài kiểm tra đọc, làm toán và nhận thức về không gian so với các bạn. Ảnh hưởng này còn rõ ràng hơn ở các bé gái và có xu hướng cộng dồn, càng đi ngủ không đúng giờ hoặc trễ giờ điểm càng thấp.

Giáo sư Amanda Sacker, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết những trẻ em đi ngủ trễ và không đúng giờ có hoàn cảnh gia đình kém thuận lợi, thường không được cha mẹ đọc sách hay kể chuyện cho nghe vào giờ đi ngủ và nhìn chung xem tivi nhiều (được đặt trong phòng ngủ).

Bác sĩ Robert Scott-Jupp, công tác tại khoa nhi của Đại học Hoàng gia, nhận xét về công trình của đồng nghiệp: “Thoạt đầu có vẻ như kết quả của nghiên cứu đơn giản chỉ ra ngủ ít khiến trẻ em kém thông minh, tuy nhiên rõ ràng là vấn đề phức tạp hơn thế. Các tác nhân sinh học và xã hội đã kết hợp với nhau một cách tinh vi. Theo ý kiến của tôi, để trẻ em phát huy tốt nhất khả năng của mình, dù gia cảnh như thế nào cũng nên có một giấc ngủ đêm thật ngon”.

Theo HỒNG VÂN (BBC, TTO)


Video đang được xem nhiều