Trẻ nhiễm giun kim điều trị thế nào?

Có tới 40% trẻ dưới 10 tuổi mắc bệnh giun kim. Mặc dù, lũ giun ấy không gây nguy hiểm nhưng lại khiến trẻ rất khó chịu.

15.5967
Biểu hiện thường thấy là trẻ hay quấy khóc, ngứa ở hậu môn, kèm thêm dấu hiệu bỏ ăn, mệt mỏi. Vậy bạn sẽ làm gì khi hàng đêm thấy con gãi hậu môn liên tục vì giun kim.
 
Giun kim là gì?
Giun kim có tên khoa học là enterobius vermicularis, là một loại giun nhỏ, trưởng thành thường gặp chủ yếu ở ruột non sau đó chúng xuống ruột già. Ngoài ra, cũng có thể gặp giun kim ở ruột thừa và có thể gây nên bệnh viêm ruột thừa cấp tính. Ở trong ruột, giun kim đực và giun kim cái giao phối xong, giun đực chết còn giun kim cái mang trứng đã thụ tinh ra rìa hậu môn để đẻ. Giun cái đẻ khoảng 4.000 - 200.000 trứng, sau đẻ trứng, giun cái cũng chết luôn.
 
Ngay sau khi trứng được đẻ ra nếu gặp điệu kiện thuận lợi thì ấu trùng của giun kim cũng được hình thành ngay trong trứng chỉ sau vài giờ. Ở ngay tại các nếp nhăn của hậu môn, ấu trùng giun kim sẽ phát triển nhanh chóng, vì vậy, người có giun kim đang đẻ ở hậu môn rất dễ bị nhiễm lại (tái nhiễm), nhất là trẻ nhỏ do dùng tay gãi hậu môn rồi cầm vào đũa, bát, dụng cụ ăn, uống hay thức ăn đồ uống hoặc mút tay… Cũng có thể ấu trùng giun kim đi ngược dòng trở lại làm tái nhiễm cho trẻ. Thời gian phát triển từ trứng thành giun cái trưởng thành khoảng 20 đến 25 ngày. Trứng giun có khả năng sống ngoài cơ thể từ 15 - 20 ngày.

Ảnh minh họa


Con đường lây nhiễm

Trứng giun theo phân người bị nhiễm giun đi ra ngoài, lây cho người khác thông qua thức ăn, nước uống, đồ vật dùng chung. Trứng giun kim có thể tồn tại trên bề mặt của quần áo, chăn mền và đồ chơi trong khoảng 2 - 3 tuần rất dễ bị lây từ trẻ này sang trẻ khác. Thời gian này là đủ cho những quả trứng được truyền đi và xâm nhập vào cơ thể trẻ em. Trứng sẽ cư trú trong ruột cho đến khi chúng nở.

Triệu chứng nhiễm giun kim

Nếu trong ruột của trẻ đã có giun kim, thì giun cái thường chọn thời điểm đẻ chứng vào giữa đêm, khi trẻ đang ngủ say, giun kim lần bò ra rìa hậu môn của trẻ để đẻ chứng, gây ngứa, thậm trí còn làm cho hậu môn sưng tấy.

Khi đó trẻ bị mất ngủ vì ngứa ngáy khó chịu, đưa tay gãi hậu môn liên tục. Lúc này nếu bố mẹ tinh mắt vạch hậu môn của con và soi đèn pin vào có thể thấy được những con giun kim đang ngo ngoe quanh hậu môn của trẻ.

Trẻ mắc giun kim thường chán ăn hoặc ăn không tiêu, thỉnh thoảng có buồn nôn hoặc nôn, đau bụng âm ỉ. Trẻ bị giun kim thường da xanh, biếng ăn có thể dẫn đến còi xương, suy dinh dưỡng, chậm lớn. Bé gái còn có thể bị chứng giun kim chui vòa âm đạo phát triển thành giun và gây viêm nhiễm, ngứa ngáy, xót khi tiểu tiện.

Bên cạnh đó trẻ thường bứt rứt, khó chịu, suy nhược thần kinh hoặc thần kinh bị kích thích gây nên hiện tượng khó ngủ, ngủ ít, giấc ngủ không sâu, hay giật mình và dễ khóc đêm.

Hậu quả
 
Bệnh giun kim chủ yếu gây rối loạn tiêu hóa, gây chậm lớn, gây rối loạn thần kinh, đái dầm... Trong một số trường hợp gây nên nguy hiểm như viêm ruột thừa cấp tính do giun chui vào ruột thừa. Một số trường hợp do giun đi lạc chỗ như vào thực quản, phổi, hốc mũi, âm đạo, bàng quang… gây hiện tượng viêm nhiễm do chúng mang theo vi sinh vật gây bệnh, vì vậy trong những trường hợp như thế này sẽ làm cho việc chẩn đoán và điều trị gặp không ít khó khăn. Vì thế việc điều trị cũng phải mò mẫm, không kịp thời.

Cách điều trị

Để điều trị bệnh giun kim, đặc biệt là trẻ em rất cần thiết có sự can thiệp của thầy thuốc để người bệnh được khám và chỉ định dùng thuốc gì, liều lượng và hàm lượng ra sao? Người nhà bệnh nhân không nên tự dùng thuốc vì không biết hết tác dụng chính của thuốc và cả tác dụng phụ của nó sẽ không có lợi cho người bệnh, nhất là trẻ em.

Các bác sĩ thường dùng phương pháp điều trị giun kim đơn giản dành cho trẻ em là kê một liều Mebendazole (Vermox) hoặc Pyrantel Pamoate (Antiminth, Combantrin). Tiếp theo là một liều thuốc thứ hai, sau đó khoảng 2 tuần. Nếu nhiễm trùng đã lan đến các cơ quan tiết niệu và sinh dục thì cần một liệu pháp kết hợp thích hợp, bao gồm Mebendazole và Ivermectin (Stromectol). Chống ngứa nhẹ nhàng bằng thuốc mỡ. Trẻ nhỏ thường không thể chịu đựng nỗi đau trực tràng do nhiễm trùng, vì vậy nên cho trẻ ngồi ngâm đít trong chậu nước ấm.

Đề phòng bệnh giun kim

Cho trẻ tắm rửa hàng ngày, thay quần áo sạch sẽ, không để trẻ lê la trên nền đất. Đối với trẻ đang mắc bệnh giun kim không để mắc tái phát, cụ thể là không cho cháu mặc quần thủng đít, cắt ngắn các móng tay theo định kỳ, rửa tay sạch trước khi ăn, cần rửa sạch hậu môn cho trẻ hàng ngày, nhất là lúc sáng sớm.

Để đề phòng mắc bệnh giun kim cho cả người lớn trong gia đình thì mọi người cần rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh hoặc trước khi ăn. Những người mẹ dùng tay bắt giun kim cho trẻ ở rìa hậu môn, sau khi tiến hành xong phải rửa tay sạch bằng xà phòng nhiều lần, dùng khăn lau khô tay và sau đó khăn phải được giặt, ủi nóng để tránh trứng giun kim lây lan cho bản thân mình và những người khác trong gia đình. Cần đi khám sức khỏe định kỳ để biết và tẩy giun đúng quy cách.

Phòng ngủ, nơi vui chơi của trẻ phải sạch sẽ, ngăn nắp, đồ chơi phải được lau rửa thường xuyên. Quần áo chăn màn sau khi giặt phải được phơi ở nơi thoáng gió có ánh nắng để ngăn ngừa nhiễm trùng lây lan, nhất là phát tán trứng giun. Các thói quen lành mạnh cơ bản nhất và quan trọng hơn cả đó là rửa tay đúng cách trước khi ăn và sau khi sử dụng nhà vệ sinh.

Thực hiện vệ sinh khi chế biến thức ăn cho trẻ.

Tẩy giun định kỳ 6 tháng/ 1 lần cho trẻ trên 24 tháng tuổi.
 
AloBacsi.vn
Theo BS Thanh Hà - Gia đình Việt Nam

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]