Xét về phương diện phát triển kinh tế, theo Credit Suisse, kể từ năm 1900 tới năm 2009, TTCK Australia đạt mức lợi nhuận khoảng 7,5%/năm (đã trừ lạm phát), với độ lệch chuẩn (standard deviation) là 18,2%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất và sự bất ổn thấp thứ 2 trong số 19 thị trường được Credit Suisse nghiên cứu.

Trong khi đó, trong khoảng thời gian này, mức lợi nhuận và độ lệch chuẩn của TTCK Mỹ chỉ là 6,2% và 20,4%. Điều này có nghĩa là các nhà đầu tư đã kiếm tiền nhiều hơn từ TTCK Australia, với sự bất ổn ít hơn TTCK Mỹ.

Elroy Dimson, Paul Marsh và Mike Staunton thuộc Trường đại học London Business School, 3 trong số các nhà phân tích hàng đầu trên thế giới về kinh doanh các loại tài sản trong dài hạn, đã tiến hành các nghiên cứu này cho Credit Suisse. Bản nghiên cứu này bao gồm 19 TTCK phát triển và không bao gồm các nước BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc) hay các nước mới nổi khác.

“Một điểm chung giữa các TTCK hiệu quả nhất trong vòng 110 năm qua chính là giàu tài nguyên (resource-rich)”, bản báo cáo cho biết.

Australia rất giàu tài nguyên than đá, quặng sắt, uranium, kẽm, nickel và vàng. Australia đang hưởng lợi từ vị trí địa lý thuận lợi khi hơn 50% xuất khẩu của họ là tới các nước châu Á và Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất. Do đó, kinh tế Australia đã được “hưởng lợi” từ Trung Quốc để trở lên giàu có.

Sau một thập kỷ tệ hại của những năm 2000, khi mà TTCK Mỹ suy giảm, cổ phiếu Australia đã đem lại một khoản lợi nhuận ròng (real returns) khoảng 5,5%/năm, chỉ chịu đứng sau Nam Phi và Na Uy trong số 19 thị trường nghiên cứu của Credit Suisse.

Khai mỏ là một nhân tố quan trọng trong thập kỷ “hàng hóa” đó. Thực tế, hai trong số những cổ phiếu lớn nhất trong Standard & Poor’s ASX 200 Index là cổ phiếu mỏ BHP Billition và Rio Tinto. Nhưng điều quan trọng là một hệ thống ngân hàng vững mạnh. Bốn ngân hàng (Big Four) của Australia nằm trong số những ngân hàng tốt nhất thế giới, với mức đánh giá tín nhiệm hạng AA.

Cũng không có gì ngạc nhiên khi Australia đã chèo lái vượt qua cuộc khủng hoảng mà không bị tổn thương. Kinh tế Australia chỉ có một quý là tăng trưởng âm. Tỷ lệ thất nghiệp đạt đỉnh là 5,7% và hiện là 5,3%, một con số mơ ước đối với nước Mỹ khi phải đương đầu với tỷ lệ thất nghiệp gần 9,7%.

Ngân hàng Trung ương Australia đã nâng lãi suất 6 lần kể từ cuối năm ngoái. Mặc dù việc nâng lãi suất của Australia đã tạm dừng, nhưng rất có thể hoạt động này sẽ được nối lại, khi mà kinh tế đang dần tốt lên.

Thâm hụt ngân sách của Australia chỉ “đạt đỉnh” là 4,2% GDP, nhiều khả năng sẽ sớm có thặng dư. Australia là một trong số những nước trên thế giới có tỷ lệ nợ công/GDP thấp nhất, với dưới 18%, trong khi tỷ lệ này ở nhiều nước là 100%, thậm chí cao hơn thế.

Nhưng tình trạng “mạnh khỏe” của nền kinh tế Australia không hẳn là không có những thách thức. Các thống kê cho thấy, giá nhà ở đây đắt hơn 82% so với giá nhà cùng loại ở Mỹ và đây là lý do nhiều người cho rằng, thị trường bất động sản Australia đang “bong bóng”. Nếu mọi thứ không sớm trở lại bình thường thì những ngân hàng tốt nhất của Australia cũng có thể gặp vấn đề.

Bên cạnh đó, nền kinh tế tiêu dùng của Australia đang phải vật lộn vượt qua khó khăn chung. Australia cũng không có các hãng công nghệ khổng lồ như Nokia của Phần Lan, Motion của Canada hay Silicon Valley… Do đó, Australia đang “ngóng” nhịp đập của Trung Quốc. Australia sẽ hồi phục nhanh nếu kinh tế Trung Quốc phát triển tốt. Triển vọng kinh tế Trung Quốc trong thập kỷ tới được nhận định là tốt, nhưng vẫn là một câu hỏi khó đối với không ít nhà kinh tế. Nếu kinh tế Trung Quốc tăng chậm lại, dường như chưa có kế hoạch B (backup plan) cho Australia.

Vì vậy, TTCK Australia là thị trường tốt nhất trong thế kỷ qua, nhưng liệu nó có tiếp tục đứng vững ở ngôi đầu trong thời gian tới hay không lại là một câu chuyện khác.

Nguyên Hưng (báo chí nước ngoài)