12 món bánh miền Tây độc đáo nên thử

(Saoonline.vn) - Bánh gan, bánh lá mít, bánh tai yến...là những món ăn vừa lại tai vừa lạ mắt đối với dân Bắc. Dưới đây là một số món bánh mặn, ngọt nổi tiếng của miền Tây Nam bộ.

15.6265

1. Bánh gan


12 món bánh miền Tây độc đáo nên thử

Sở dĩ món bánh này có tên như thế vì sau khi hoàn tất, miếng bánh cắt ra có màu sắc và hình dáng giống như miếng gan heo. Khác với các món bánh khác, bánh gan heo không dùng bột mà chỉ được làm từ trứng vịt, dừa khô, đường, hồi và dầu ăn. Khi ăn, bánh có vị thơm, béo và hơi tanh.
2. Bánh lá mít
Món bánh này có tên như thế vì sau khi nhào, nặn, người làm trét một lớp bột mỏng lên lá mít rồi đem đi hấp. Khi thưởng thức, người ta tách bánh ra khỏi lá mít, cho vào đĩa rồi chan ngập nước dừa, đậu phộng lên trên. Người ăn dùng đũa hoặc dĩa lấy từng miếng bánh cùng nước cốt dừa cho vào miệng nhai từ từ. Vị béo, ngọt của nước cốt dừa, vị dai dai của bánh, mùi thơm thoang thoảng của lá mít kích thích mọi giác quan khiến mọi người ăn hết đĩa bánh vẫn còn thòm thèm.
3. Bánh ống Sóc Trăng

Bột bánh ống được làm từ nguyên liệu chính là khoai mì và bột gạo. Hai loại bột này được trộn theo một tỷ lệ nhất định sao cho luôn ở trong tình trạng tơi, xốp.

Khi có khách, người bán cho bột vào khuôn, đợi bánh chín (3-5 phút) lấy ra và đặt trên một chiếc lá chuối, sau đó cắt đôi bánh theo chiều dọc, cho thêm đường, dừa nạo vào rồi cuộn lại. Món bánh này ngoài vị ngọt của đường, vị béo của dừa, dai dai của khoai mì, còn thoang thoảng hương thơm của lá chuối.
4. Bánh tai yến

Ban đầu, người dân gọi là bánh tổ yến do hình dạng bên ngoài đặc biệt của bánh, sau đọc chệch thành tai yến.

Bánh tai yến có thành phần, cách thức chế biến khá giống bánh xèo. Điểm khác duy nhất là động tác cho bột vào chảo dầu phải nhanh, dứt khoát để bột bám vào nhau thành hình tròn, không bị rây ra xung quanh. Thành phẩm của món bánh này có hình chiếc nón úp ngược với phần bột giữa chín phồng lên, viền bánh cong lại, rám vàng.
5. Bánh chuối nướng
Bánh chuối nướng có thành phần khá đơn giản với vài ba lát bánh mì cũ, vài trái chuối sứ chín rục, ít sữa tươi, nước cốt dừa hoặc cả hai. Đây là loại bánh dễ làm, khó bị hỏng nhờ nguyên tắc cơ bản là trộn tất cả vào nhau và nướng. Nguyên liệu, cách làm đơn giản, song món bánh này vẫn đủ sức làm mê hoặc mọi người với vị tươi mới cùng sắc màu vàng đặc trưng của dòng bánh nướng.
6. Bánh khoai mì
Chỉ đơn giản với ba thành phần chính là khoai mì, bột, đường, bánh khoai mì vẫn chứng minh sức hút không tưởng của mình qua bao thế hệ. Đến nay, món bánh dân dã này cũng dần xuất hiện trong các nhà hàng, quán ăn sang trọng với vị trí không hề kém cạnh so với “anh em” bánh ngọt đến từ các nền ẩm thực nổi tiếng trên thế giới.
7. Bánh giá
Bánh giá hay bánh vá là một trong những món ăn quen thuộc của miền Tây. Có rất nhiều tranh cãi về tên gọi của món bánh này. Nguyên liệu chính để làm bánh là giá, bánh được chiên trên vá nên cả hai cái tên đều đúng. Bạn có thể thưởng thức món bánh này tại bất kỳ tỉnh, thành nào của vùng đất chín rồng. Tuy nhiên, bánh giá tại Chợ Giồng, thuộc thị trấn Vĩnh Bình, Gò Công Tây, Tiền Giang, nơi khai sinh ra món bánh này là nổi bật hơn cả. Bánh giá hút thực khách bởi vị béo của dầu, của thịt hòa lẫn với vị ngọt của tôm, thanh mát của giá sống, củ sắn, cái đậm đà của chén nước mắm tỏi ớt và tươi xanh của rau sống

8. Bánh cống
Bánh cống hay cóng là món bánh của người Khmer Nam bộ và là một trong những đặc sản nổi tiếng của Sóc Trăng. Tên gọi như thế vì khuôn làm bánh có hình dạng như một cái cống lòng sâu. Bánh cống có màu vàng óng, giòn tan và chỉ nằm lọt trong lòng bàn tay. Điểm nhấn của món bánh này là con tôm nằm khoanh tròn trên mặt bánh trông rất hấp dẫn. Bánh cống hút thực khách với vị ngon của bột bánh giòn tan thơm nức, đượm chút béo của mỡ sa, đậu xanh và thịt. Bánh là hỗn hợp của thịt heo băm nhuyễn trộn với củ sắn và đậu xanh nguyên hột… Đặc biệt bánh không ăn với cải xanh, mà ăn với bắp cải, rau răm, xà lách, diếp cá và chấm cùng nước mắm chua ngọt.

9. Bánh tầm bì
Với tạo hình lạ từ những cọng bún gạo có hình dáng khác thường cùng sự kết hợp “không giống ai” của thịt và nước cốt dừa, bánh tầm bì khiến những thực khách lần đầu thưởng thức sửng sốt và tò mò. Với thành phần phong phú gồm có dưa leo, xà lách, giá, rau thơm, bánh tằm, bì, thịt heo nạc, đậu phộng đập dập, đồ chua (cà rốt, củ cải), hành phi, nước mắm chua ngọt, nước cốt dừa, bánh tầm bì là món ăn tổng hòa của các vị chua, cay, mặn, ngọt, béo bùi… Chính điểm cộng này khiến món ăn có sức hấp dẫn không nhỏ với thực khách. Song nó cũng chứa một điểm trừ lớn là sự "cạch mặt" của những vị khách không thích món ăn vừa mặn vừa ngọt.

10. Bánh xèo
Khác với bánh xèo miền Trung đổ bằng khuôn, bánh xèo miền Nam được đổ bằng chảo, bánh xèo miền Nam lớn gấp nhiều lần so với bánh xèo miền Trung. Ngoài những điểm chung về nguyên liệu (bột), thịt heo, tép bạc, giá cùng cách đổ sao cho vang lên tiếng “xèo” đặc trưng, bánh xèo miền Nam còn có sự tham gia của hàng loạt nguyên phụ liệu khác như trứng gà, nước dừa, các loại nấm… Một cái bánh xèo ngon được đánh giá dựa trên phần vỏ bánh mỏng tang, giòn rụm; phần thịt thà tươi ngon. Song quan trọng nhất là chén nước chấm có độ chua, cay, ngọt vừa miệng.

11. Bánh củ cải

Vỏ bánh được làm từ bột mì và bột củ cải, nhân tôm thịt, một ít củ cải và cà rốt thái sợi mỏng. Đun chín nước sôi, cho hỗn hợp bột trên vào một cái mâm, chế nước sôi vào và trộn đều, dùng tay nhồi cho đến khi bột dẻo, dai và mịn. Tôm bỏ vỏ, giã hơi dập, trộn đều với thịt lợn nạc được băm nhuyễn, xào chín và nêm gia vị vừa ăn. Bột được chia thành từng phần nhỏ, cán mỏng, cho phần nhân vào giữa, thêm một ít sợi củ cải và cà rốt, ép kín lại theo hình bán nguyệt rồi đem hấp chín.

Chiếc bánh hấp chín có màu trắng, vỏ bánh mỏng để lộ phần nhân có màu đỏ và thơm mùi củ cải. Khi ăn bánh, người ta cho vào một ít nước chấm thơm ngon, có vị hơi ngọt đặc trưng được làm từ nước mắm, chanh, đường và tỏi ớt.

12. Bánh pía
Bánh pía nổi tiếng nhất và tạo nên thương hiệu là bánh pía Sóc Trăng. Pía là âm đọc của người Triều Châu, có nghĩa là bánh. Bánh hình tròn, dẹt, còn có một tên gọi khác là bánh lột da vì lớp da bánh bên ngoài rất mỏng bọc lấy nhân bên trong là lòng đỏ trứng vịt muối, khoai, mứt các loại…

Nguyên liệu chính của bánh là bột mì được đưa vào máy và trộn đều với đường cát trắng. Cho vào một ít chất phụ gia vào bột, chia ra làm hai phần. Phần bột dai được cán mỏng như bánh tráng, cuốn tròn lại làm vỏ ngoài cùng. Phần bột xốp được xắt thành khối hình vuông, được dùng làm vỏ bánh bên trong.

Nhân bánh ngoài thịt và đậu xanh còn được chế biến thêm nhiều loại nhân như khoai, hột vịt muối… và một nguyên liệu quan trọng giúp chiếc bánh trở thành đặc sản của vùng Nam bộ là sầu riêng.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]