4 loại thực phẩm nấu chín vẫn độc

Gạo, khoai tây, nấm, thịt cua… nếu bảo quản, chế biến không đúng cách vẫn có thể gây ngộ độc chết người

0

Với các loại măng đều cần lột vỏ, luộc chín kỹ, thay nước và luộc nhiều lần mới được dùng. Ảnh: Xuân Thảo
Nhiều thực phẩm khi có sự biến đổi bất thường dù nấu chín vẫn gây nên những tác hại khôn lường cho sức khỏe. Chúng ta cần lưu ý để phòng tránh ngộ độc.

Khoai tây mọc mầm

Khoai tây hư thối, đã mọc mầm hoặc khi lớp vỏ ngoài chuyển sang màu xanh thì sẽ có chất độc solanine gây hại cho não, hệ hô hấp và dạ dày. Dù nấu chín, độc tố này vẫn không phân hủy. Khi bị ngộ độc, bệnh nhân thường có triệu chứng đau quặn bụng, tiêu chảy, người yếu mệt, bải hoải. Nếu ngộ độc nặng, có thể hôn mê và gây tử vong.

Ngoài ra, các loại cà như cà pháo, cà bát, cà tím… cũng chứa  chất solanine. Do vậy, người mới ốm dậy, phụ nữ sau khi sinh, cơ thể gầy yếu… đều không nên ăn.

Đậu phụng bị mốc

Đậu phụng bị mốc tạo ra độc tố aflatoxin từ một loại nấm mốc tên là Aspergillus flavus. Chất aflatoxin có thể gây ngộ độc cấp tính (liều gây chết người khoảng 10 mg) và là một trong những chất gây ung thư gan mạnh nhất. Chất này tác động qua đường ăn uống. Nếu hấp thụ 2,5 mg aflatoxin trong 89 ngày có thể dẫn đến ung thư gan sau một năm.

Ðộc tố aflatoxin chịu được nhiệt độ cao nên khi đem đậu phụng mốc nấu chín hoặc rang lên, dù nhiệt độ rất cao thì chỉ các bào tử của mốc bị tiêu diệt, còn độc tố của chúng vẫn không bị phá hủy hoàn toàn nên vẫn gây hại cho sức khỏe.

Gạo mốc

Khi gạo đã mốc sẽ chứa một hệ nấm mốc có khả năng kháng sinh hoặc mang tính độc. Người ta đã phân lập được nhiều loài mốc khác nhau trên gạo nhưng có 2 chủng hay gặp nhất là aspergillus và penicillium.
Khi ăn cơm nấu bằng gạo mốc, chúng ta sẽ bị nhiễm độc tố islanditoxin, tùy mức độ nhiều hay ít mà mắc các chứng teo gan, xơ gan và có thể ung thư gan. Do đó, khi sử dụng các loại lương thực, chúng ta cần kiểm tra kỹ, nếu nghi ngờ mốc hoặc chớm mốc thì nên bỏ đi.

Đối với các loại bánh làm từ gạo, đậu, nếu thấy chớm mốc dù chưa bị ôi, chua cũng cần loại bỏ.

Măng và khoai mì

Trong măng và khoai mì có chứa chất độc dạng glucosid, dưới tác dụng của dịch vị và men tiêu hóa sẽ thủy phân và giải phóng acid cyanhydric (HCN). Chất độc này làm cho khoai mì có vị đắng và chỉ an toàn khi gọt vỏ, cắt bỏ 2 đầu củ, ngâm lâu trong nước (trên 24 giờ); sau đó, luộc chín thật kỹ, mở nắp cho bay hơi.
Với các loại măng (tre, trúc, nứa…), cần lột vỏ, luộc chín kỹ, thay nước và luộc nhiều lần cho hết vị đắng mới được dùng. Sau khi luộc chín, có thể ngâm chua hoặc phơi khô để dùng dần.
Dù đã được nấu chín nhưng nếu còn vị đắng thì măng và khoai mì vẫn gây độc, nhất là với trẻ nhỏ, người cao tuổi, người gầy yếu, phụ nữ mang thai hoặc mới sinh con.  Do đó, chúng ta không nên ăn thường xuyên hoặc ăn với số lượng nhiều.
Ngay cả khi đã luộc kỹ, món măng (nếu được dùng thường xuyên) cũng có thể gây ngộ độc mãn tính khiến cơ thể suy nhược, mệt mỏi, yếu. Tuyệt đối không được ăn tươi, ăn sống măng và khoai mì.
Khi bị ngộ độc măng hoặc khoai mì, người bệnh thường xuất hiện các triệu chứng như: nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, tê lưỡi, người mệt mỏi, khó thở; nặng hơn thì có thể bị co giật, dãn đồng tử, co cứng cơ hàm, ngạt thở, nhịp tim rối loạn, mặt và đầu chi tím tái, có thể tử vong.
 
Không ăn cua chết
Thịt cua đã nấu chín rất dễ ôi thiu nên cần phải ăn liền hoặc bảo quản cẩn thận như để ở nơi sạch sẽ, khô, thoáng hoặc cất vào tủ lạnh; phải nấu hoặc hấp lại thật kỹ trước khi ăn. Chúng ta chỉ nên dùng cua còn sống để chế biến món ăn bởi vì khi cua chết sẽ có một số vi khuẩn xâm nhập làm chất hóa học histidine trong cơ thể chúng chuyển hóa thành chất histamine, gây độc cho người ăn.
Cua chết càng lâu thì lượng histamine sinh ra càng nhiều, tác dụng gây độc càng lớn, dù có nấu chín vẫn rất độc hại.

Theo Lương y Đinh Công Bảy - Người lao động

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]