5 năm, khoảng cách đủ để... già (Kỳ 1)

(TT&VH) - LTS: Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc (NNVVT) lần VIII sẽ diễn ra từ 8 -11/9 tại Hà Nội - Việt Trì - Tuyên Quang - Thái Nguyên với 112 đại biểu (ĐB). Đây là sự kiện gây nhiều chú ý trong đời sống văn học hiện nay. TT&VH giới thiệu bài viết của nhà thơ Vi Thùy Linh - người tham dự 4 kỳ liên tiếp Hội nghị này, ngõ hầu giúp độc giả có cái nhìn tổng thể từ phân tích của một người trong cuộc nhiều tâm huyết.

15.5948

1. Sắp đến ngày khai mạc, nỗi bồi hồi về những kỳ Hội nghị được dội về. Đó là tuổi trẻ của lứa những người cầm bút 7X, 8X chúng tôi, đăng đàn từ giữa thập kỷ 90 thế kỷ trước.

Chuyện xét chọn, danh sách ĐB hâm nóng Hội nghị, thay vì nhiệt huyết, đau đáu đam mê. Đã “Hội” thì hãy vui, nhưng ở đâu còn mắc mớ giữa tiếng tăm, quyền lợi và lẫn lộn chân tài, thì còn có chuyện. Đơn từ, khiếu nại, kỳ nào chẳng có. Lần này “um xùm” hơn, vì mạng công, mạng tư chỉ chực chờ những tranh cãi là nhân lên, thổi bùng táp lửa hờn ghen, ấm ức, giận dữ. Đâu rồi, lửa của đam mê, của tình yêu văn chương thuần khiết và say đắm?

Chúng tôi sắp dự kỳ Hội nghị NNVVT, có thể là lần cuối của những tác giả lứa chúng tôi, theo mốc phân định dưới 35 tuổi. Sau 15 năm cầm bút và sáng tác không gián đoạn, bằng tâm thế của người coi trọng nghiệp văn và đạo đức nghề, tôi có thể kiến giải các vấn đề theo sự công tâm từ chuyên môn. Điều này còn lâu mới thành căn cứ chính yếu trong nền văn chương thiếu vắng trầm trọng các nhà phê bình (PB) và đánh giá nặng theo cảm tính. Người ta quen nhận xét bình phẩm chuyện ngoài tác phẩm, để quy kết ban phát khen - chê.

Các đại biểu dự Hội nghị NNVVT toàn quốc lần 7 (năm 2006). Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

2. Hãy nhìn khoảng cách Hội nghị NNVVT: lần 5 (1998), lần 6 (2001) lần 7 (2006) và lần 8 (2011), khoảng cách cứ tăng lên, 3, 4 rồi 5 năm mới có một lần. Nó làm tôi liên hệ sang khoảng cách không ổn định của các kỳ Liên hoan phim VN. Điện ảnh VN ít phim, thiếu kinh phí triền miên, đã đành, vì điện ảnhnghệ thuật tổng hợp, cần công nghệ, thậm chí là công nghiệp điện ảnh ở các nước phát triển. Còn văn học là sáng tạo độc lập. Sự trồi sụt, mất mùa của tác phẩm hay, thưa vắng các tác giả sáng giá, là do đâu?

Không tìm thấy nữa một lớp cây bút trẻ hăng say viết khi chớm cấp 3, như Hương đầu mùa báo Hoa học trò gần 20 năm trước: Nguyễn Vĩnh Tiến, Bình Nguyên Trang, Trang Hạ, Đặng Thiều Quang, Ngô Thị Phú Bình...

Hội bút ấy giờ chỉ thấy Trang Hạ chăm chỉ dịch, Đặng Thiều Quang xuất bản đôi khi và duy nhất Nguyễn Vĩnh Tiến là hội viên Hội NVVN. Với số lượng ca khúc và thơ lan tỏa rộng, Nguyễn Vĩnh Tiến là cái tên đáng nhắc của thế hệ 7X. Anh không nằm trong khung tuổi đi “Hội trẻ” nữa. Việc chín sớm hay muộn, chậm hoặc nhanh của mỗi tác giả không chống nổi quy luật đào thải khắc nghiệt của nghệ thuật. Cùng quy luật ấy, là những giằng xé, phân tâm, thử thách nhọc nhằn của công việc “không bảo hiểm”.

Đúng, nghề văn không có bảo hiểm, khi muốn tự bảo hiểm “an toàn”, người ta đã tự rút lui trước bằng sự mờ nhạt trước khi bỏ cuộc vì không chịu nổi, không đủ can đảm đối mặt, đương đầu.

Một nền văn học toàn diện luôn phải tính đầy đủ: Thơ, Văn xuôi, Văn học dịch (hai chiều), Lý luận phê bình. Lĩnh vực khó nhất: sáng tác, luôn được chú ý hơn cả trong đời sống văn học đến tỉ lệ ĐB dự Đại hội, Hội nghị. Tất yếu, vì sáng tác là nền tảng, động lực của mỗi loại hình nghệ thuật. Một nền nghệ thuật đặc sắc, ghi dấu ấn tác phẩm đặc sắc, đỉnh cao luôn đòi hỏi các nhà phê bình đủ tâm, tầm tương xứng, nhờ “mắt xanh” tinh tường, góp phần ghi nhận cùng văn học sử.

3. Tại Hội nghị lần này, việc lấy mốc tuổi 35 trở lại, là sự phân định thời gian theo quy luật đời người. Tôi luôn nhớ câu châm ngôn của Pháp: “Với nghệ sĩ, những tác phẩm quan trọng cần xuất hiện lúc trẻ. Nếu đến 35 tuổi không khẳng định được mình, thì đừng theo đuổi nghệ thuật nữa”. Tuổi 35, với người này còn “xoan”, kia đã “luống”. Nửa đời ấy đủ kết luận về năng lực, khả năng bùng nổ của một nghệ sĩ (nhiều tác giả đến tuổi 35), đã xong phong cách và những tác phẩm quan trọng trong sự nghiệp của mình. Minh chứng cho điều này, có thể kể rất đông những tài danh: Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Sỹ Tiến và tiếp sau: Lưu Quang Vũ, Nguyễn Quang Thiều...

Sẽ có ai đó phản biện “Tài năng không nệ tuổi” và dẫn ra những cá biệt như: diễn viên hài Mạc Can ngoài 60 tuổi mới viết văn, nhà văn nông dân Ngô Phan Lưu xứ Quảng, lão tướng Nguyễn Xuân Khánh ngót 80 vẫn cho ra những tiểu thuyết giá trị, Đỗ Chu sắp thất thập bỗng thành “nhà thơ trẻ” khi công bố các chùm thơ. Song luận điểm ở câu châm ngôn Pháp nói trên có tính biện chứng toàn thế giới. Vì những tác phẩm lớn, tranh tượng khổ lớn, phim đại cảnh, thường được xây dựng và đạt đỉnh cao khi tác giả sung sức, có thời gian còn tràn đầy nhựa sáng tạo và đam mê, chưa già để quá nhiều sỏi sạn, mưu toan kỹ càng phòng xa hay lo âu sợ trả giá. Tuổi trẻ, có quyền liều, vì còn thời gian và cơ hội làm lại.

4. Tôi tìm thế hệ tôi trong những cây bút trẻ triển vọng hôm nay. Vắng quá. Chỉ thấy Trương Quế Chi (1987) với tập Tôi đang lớn (2006) giờ sắp học tiếp Master Truyền thông và điện ảnh ĐHTH Lyon 2, Pháp) có bẩm chất thơ trong tư duy thông minh, mẫn cảm: “Cô gái 16 tuổi/Thích giống một người đàn bà mặc áo đen tự sự/Ngạc nhiên vì mình không thể lớn nổi nhờ một bộ quần áo/Đi tìm tình yêu vĩnh cửu bằng cuộn len hồng/Ngạc nhiên vì bị chàng trai đầu tiên cô gặp phản bội”.

Ngoài lý do vượt khung tuổi 1976, một số gương mặt nổi trội vắng bóng trên văn đàn, mà vắng hơi lâu: Phan Triều Hải, Văn Cầm Hải, Nguyễn Thị Châu Giang, Ly Hoàng Ly - những cái tên “đình đám một thời”. Người bảo vẽ là chính, văn thơ tay trái, bận chồng con, người bảo đang viết chưa tung ra... Thêm một kỳ Hội nghị nữa, họ sẽ vào tốp trung niên chớm già. Thời gian khắc nghiệt thay.

(Đón xem kỳ 2: Vừa điểm danh vừa đợi)

Vi Thùy Linh

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]