Ẩm thực xứ Huế - sự hấp dẫn khó cưỡng với du khách

31.2081
Ngoài sông Hương, núi Ngự và hệ thống di tích cố đô, ẩm thực Huế còn là một điểm nhấn quan trọng thu hút khách du lịch đến Huế.

Khi thiết kế các tuor du lịch đến Huế, các nhà làm du lịch luôn muốn du khách được trải nghiệm về ẩm thực Huế, từ những món ăn đơn giản của chốn dân dã Huế cho đến những món ăn cầu kỳ của chốn cung đình. Tất cả tạo nên sắc màu và không gian ẩm thực độc đáo theo chiều dài lịch sử và văn hóa của vùng đất cố đô.

Phong phú ẩm thực Huế

Ngày nay, cơm Cung đình (còn gọi là cơm Vua) đã trở thành một thương hiệu của du lịch Huế, nhưng ít ai biết được trong một bữa cơm cung đình được du khách thưởng thức hàng ngày trong các nhà hàng, có bao nhiêu món thực tế đã được sử dụng trước đây trong các bữa cơm của Hoàng tộc triều Nguyễn.

Sử liệu của triều Nguyễn ghi chép mỗi bữa ăn của vua có từ 30 đến 50 món ăn. Một bữa yến vua ban cho quần thần, hoặc triều đình chiêu đãi các phái đoàn ngoại quốc quan trọng nhất có đến 161 món ăn.

Ẩm thực cung đình triều Nguyễn (cùng với hệ thống thơ văn Hán-Nôm trang trí trên di tích Huế), vì thế hiện đang được Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế sưu tầm, bảo tồn, nghiên cứu và lập hồ sơ để đăng ký di sản ký ức thế giới vào năm 2015 theo khuyến nghị của UNESCO.

Các món ẩm thực chay của Huế cũng tạo được dấu ấn riêng. Tại Festival nghề truyền thống Huế gần đây nhất đã giới thiệu các món chay do các nàh chùa và gia đình Phật tử thực hiện.

Chỉ riêng cách dạy nấu chay đã có 100 bài thơ dạy nấu ăn được khắc in thành cuốn "Thực Phổ Bách Thiên" trưng bày bên cạnh.

Chè Huế cũng phong phú không kém, với khoảng 36 loại khác nhau, từ chè đậu ván, chè bột lọc bọc thịt quay, chè đậu xanh đánh đến chè bắp…, đủ sức níu chân các du khách mỗi khi đến Huế.

Món ăn dân dã của Huế cũng hết sức giản dị, phong phú, mang hương vị độc đáo của các sản vật nơi đồng ruộng, đầm phá…

Ví như chỉ từ cây sả và muối, người nội trợ thêm vào một ít tôm thịt băm nhỏ cùng các gia vị khác như tỏi, đường, ruốc, tiêu, qua bàn tay của những người nội trợ có thể trở thành món đặc sản muối sả mà người Huế thường hay ăn vào những dịp Đông về.

Hay như món cơm hến, một món ăn đượm đầy hương vị đồng quê, được làm sẵn từ những sản vật có trong lòng con sông xứ Huế.

Có những món ăn hàng ngày ở các quán cũng đã trở thành thương hiệu cho ẩm thực xứ Huế như bún bò giò heo, cơm hến, bánh khoái, bánh bèo, bánh bột lọc...

Chính từ những đặc điểm này, các nhà làm du lịch luôn biết khai thác để tăng thêm phần hấp dẫn đối với du khách.

Một đêm trên sông Hương sẽ hấp dẫn hơn với những thuyền bán đồ ăn phục vụ khách nghe ca Huế và thả đèn hoa đăng trên sông Hương thơ mộng.

Những địa chỉ hấp dẫn


Nếu không có điều kiện đi biển Lăng Cô khi đến Huế, du khách có thể tới biển Thuận An, cách thành phố Huế 12km với bãi biển hoang sơ, nước trong xanh, cát trắng và sạch.

Trên đường, khách du lịch có thể ghé vào cồn Hến ăn cơm hến và dạo bước trên con đường Hàn Mặc Tử ở phường Vĩ Dạ thơ mộng, hoặc ngồi nghỉ ngơi ngắm cảnh sông Hương từ quán càphê vườn Vĩ Dạ xưa.

Du khách Nguyễn Thanh Hà, đến từ Hà Nội, tỏ ra thành thạo khi kể với tôi về các địa chỉ để thưởng thức các món ăn ở Huế như quán bà Đỏ, quán Hàng Me (số 12 Võ Thị Sáu) với các loại bánh như bánh bột lọc, bánh bèo, bánh nậm, bánh ít, chả tôm, nem chua…

Ở biệt phủ Thảo Nhi có bánh tráng phơi sương, vả trộn, rau càng cua trộn, cơm niêu cá kho tộ; Quán Huyền Anh ở K52 Kim Long nổi tiếng bánh ướt thịt nướng, bún thịt nướng.

Mệ Thẻo ở 64 Bà Triệu có món bún mắm nêm rất đưa miệng, hoặc quán nem lụi, bánh khoái số 11 Phó Đức Chính; chè hẻm ở 26 đường Hùng Vương với các loại chè trong đó có món chè thịt quay rất thú vị.

Định hướng phát triển du lịch ẩm thực Huế

Khai thác nghệ thuật ẩm thực Huế, mang lại lợi ích lớn hơn cho cộng đồng, đưa Huế xứng tầm là trung tâm du lịch đặc sắc của Việt Nam và trở thành điểm đến lý tưởng của du khách trong và ngoài nước là mục đích hướng tới trong chiến lược phát triển của ngành du lịch Thừa Thiên-Huế.

Hiện tại, trên địa bàn toàn tỉnh Thừa Thiên-Huế có hàng trăm đơn vị kinh doanh du lịch, với 535 cơ sở lưu trú, trong đó có 200 khách sạn, trong đó khách sạn từ 1-5 sao là 98 khách sạn đều chú trọng khai thác thế mạnh về ẩm thực Huế để phát triển du lịch.

Năm 2012, với nhiều hoạt động của Năm Du lịch Quốc gia Duyên hải Bắc Trung Bộ, Thừa Thiên-Huế phấn đấu đón từ 2 đến 2,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế đạt từ 1,2 đến 1,5 triệu lượt, doanh thu đạt từ 2.500 đến 3.000 tỷ đồng.

Trong đó, bảy tháng đầu năm 2012, Thừa Thiên-Huế đã đón gần 1,1 triệu lượt khách du lịch, tăng 9,9%; doanh thu của các cơ sở lưu trú đạt 749,4 tỷ đồng, tăng 26,04% so cùng kỳ năm trước.../.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]