“Ăn nên làm ra” ở Sa Pa

Am hiểu văn hóa địa phương, nói tiếng Anh trôi chảy, đặc biệt là sự dẻo dai khi chinh phục các cung đường đèo dốc…, các nữ hướng dẫn viên (HDV) du lịch người dân tộc thiểu số được xem như một khám phá mới với nhiều đoàn du khách nước ngoài khi đến với Sa Pa (Lào Cai).

15.5617

CôngThương - Không khó để du khách tìm cho mình một HDV là người bản địaSa Pa, bởi lẽ, công việc này đã xuất hiện ở đây từ nhiều năm trước. Ban đầu, một vài cô gái do bám theo khách Tây bán hàng mà học được chút ngoại ngữ. Sau đó, khi thấy khách nước ngoài có nhu cầu được chính dân bản địa dẫn đi khám phá, hoạt động này dần dần trở thành công việc chính của nhiều cô gái là người dân tộc Mông, Dao ở các bản như: Lao Chải, Sa Pả; Hầu Thào; San Sả Hồ; Tả Van, Tà Phìn…

Đến nay, số HDV là người địa phương ở Sa Pa đã lên tới vài chục người. Tên tuổi, số điện thoại của các HDV này được cập nhật ở hầu hết các khách sạn, nhà nghỉ ở Sa Pa. Với bản đồ sẵn trong tay, cùng kinh nghiệm băng đèo vượt suối, đặc biệt là khả năng đi bộ dẻo dai đến lạ kỳ…, các HDV có thể đi bất cứ nơi nào thuộc huyện Sa Pa; từ khám phá các hoạt động ở các bản người Mông, Dao, Tày… đến chinh phục đỉnh Phan Xi Păng.

Một du khách người Anh sau 3 ngày đi theo HDV người Mông đã ngạc nhiên thốt lên: “Cô ấy thực sự đã mang lại cho chúng tôi những trải nghiệm thú vị. Không chỉ giúp chúng tôi yên tâm đi vào các bản người dân tộc vốn có nhiều điều kiêng kị; cô ấy còn có thể giải thích, thậm chí tự tay thể hiện các công việc mà người dân tộc làm như: dệt, đan lát, đồ xôi”. “Thậm chí chúng tôi theo không kịp những bước chân thoăn thoắt của cô ấy khi chinh phục đỉnh Phan Xi Păng” - vị khách trầm trồ.

Hình ảnh những HDV trong trang phục truyền thống của dân tộc Mông, Dao… đang tạo nên những nét đặc trưng riêng có của du lịch Sa Pa. Tuy nhiên, bên cạnh năng khiếu ngoại ngữ, các HDV bản địa rất cần được đào tạo thêm để có vốn kiến thức về văn hóa địa phương thật “chuẩn”, góp phần tạo nên ấn tượng đẹp về mảnh đất Sa Pa thơ mộng trong mắt du khách nước ngoài.

Khá nhiều người ngạc nhiên khi biết rằng, nhiều HDV trình độ văn hóa chỉ hết lớp 4, 5, tiếng phổ thông còn lơ lớ, nhưng lại có thể chuyện trò với khách nước ngoài khá tự nhiên, thoải mái. Theo giải thích của một số chuyên gia ngôn ngữ, do ngữ hệ người Mông sử dụng là ngữ hệ Miến Tạng, phát âm không có dấu nên khi chuyển sang tiếng Anh phát âm rất chuẩn.

Thực tế, công việc HDV đồng nghĩa với những chuyến đi dài ngày, ít nhất là 2-3 ngày, lại phải đi qua đêm; tiếp xúc với những người lạ; đặc biệt là phải giao tiếp thông qua ngôn ngữ khác… chính vì vậy, những HDV thực sự làm tốt công việc, hòa đồng được với khách để trụ lại với nghề không nhiều. Tuy vậy, những nữ HDV đã theo được với nghề, có thâm niên vài ba năm có thu nhập khá tốt, mức lương có thể lên tới 200.000 - 400.000/ngày; chưa kể tiền “bo”… Khi đã quen việc, nhiều HDV còn chủ động cộng tác với các công ty du lịch, với các khách sạn, nhà hàng để các cơ sở này giới thiệu khi khách có nhu cầu.

Dường như giờ đây du khách quốc tế đến với Sa Pa đều mong muốn được tiếp cận với các dịch vụ tại chỗ; đặc biệt, là với những hướng dẫn viên bản địa nhiệt tình và luôn sẵn sàng cho hành trình khám phá Sa Pa. Đây cũng là lý do để nghề HDV ngày càng được nhiều các cô gái trẻ ở Sa Pa lựa chọn.

Khương Tú

baocongthuong.com.vn

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]