Theo TS.BS Trần Thị Minh Hạnh - Trưởng khoa Dinh dưỡng cộng đồng, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, phụ nữ mang thai có nhu cầu dinh dưỡng tăng cao, nhất là trong ba tháng giữa và ba tháng cuối nhưng mức độ tăng nhu cầu các chất lại không đồng đều. Trong khi nhu cầu năng lượng lúc mang thai chỉ tăng khoảng 20% so với lúc chưa có thai nhưng nhu cầu các chất khác có thể tăng trên 50%, thậm chí tăng gấp đôi.
Do vậy, phụ nữ mang thai cần chọn lựa thực phẩm có dinh dưỡng cân đối, giàu vitamin và khoáng chất hơn là chỉ giàu năng lượng. Mứt tuy được làm từ trái cây hoặc củ nhưng đã mất hết vitamin và thành phần chủ yếu của mứt chỉ là đường ngọt. Do vậy, cũng giống như bánh kẹo ngọt hoặc nước ngọt, mứt sẽ cung cấp năng lượng rỗng (chỉ có năng lượng nhưng không kèm các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể như chất đạm, vitamin, hay khoáng chất...).
Mứt sau khi được chế biến sẽ mất hết vitamin chỉ còn đường ngọt. (ảnh minh họa)
Chính vì thế, nếu ăn nhiều mứt các sản phụ sẽ tăng cân nhanh nhưng không có dưỡng chất cần cho thai nhi tăng trưởng. Hơn nữa, ăn mứt nhiều có thể sẽ làm sản phụ ăn mất ngon trong bữa chính (là bữa ăn có đủ dưỡng chất) hoặc bỏ đi một vài bữa phụ nên càng không tốt cho thai.
Tóm lại, phụ nữ mang thai vẫn ăn được mứt nhưng cũng chỉ ăn có mức độ, không nên ăn cho "sướng miệng". Nếu chỉ vì buồn miệng thì có thể nhâm nhi các loại hạt hướng dương, hạt dẻ, hạt bí đỏ, các loại đậu sấy hoặc ăn trái cây thay vì bánh kẹo, mứt tết sẽ tốt hơn nhiều.
Theo Eva