Bài học từ câu chuyện giữa Taylor Swift và Apple

(NDH) Những gì đang diễn ra cho thấy, nữ anh hùng của công cuộc đấu tranh với các công ty lớn để giành quyền lợi cho người lao động không ai khác chính là nữ hoàng Tumblr – Taylor Swift.

0

Tuy cuộc đối đầu giữa ngôi sao nhạc pop Nashville và Apple không phải là một cuộc chiến kinh điển như giữa David và Goliath, nhưng Taylor Swift đã đại diện cho nhiều nhạc sỹ và nghệ sỹ khác – những người không có danh tiếng và sức ảnh hưởng lớn như cô. Và chỉ trong 492 từ, cô đã đưa ra những lập luận vững chắc khiến công ty lớn nhất thế giới phải thay đổi lập trường của mình.

Có thể dễ dàng coi đây chỉ là một trong những câu chuyện về sự chuyển mình của nền công nghiệp âm nhạc, nhưng nó còn mang ý nghĩa lớn hơn thế. Swift là một trong những nghệ sỹ lớn nhất thế giới, đồng thời nữ ca sỹ/nhạc sỹ 25 tuổi này cũng là một thành viên của thế hệ Y (nhóm khách hàng trẻ sinh ra trong giai đoạn 1982-1993). Trong khi những thói quen mua sắm và tiêu dùng của thế hệ này đang liên tiếp là chủ đề bình phẩm, sức ảnh hưởng của họ đối với ngành kinh doanh sẽ còn lớn và sâu rộng hơn nữa.

Những gì mà Swift đưa ra trong bức thư gửi đến Apple có thể coi như một bản tuyên ngôn về kỳ vọng của người tiêu dùng thế hệ Y đối với các công ty và về cách mà họ dự định sẽ tương tác với những công ty đó. Họ không còn đơn thuần quan tâm tới việc sản phẩm “được bán” hay “được cam kết” ra sao, họ cũng không còn nhìn nhận những thứ được chào bán theo kiểu “lấy hay không thì tùy” dù cho đó có là công ty lớn nhất khu vực. Những kỳ vọng đó bao gồm một số khái niệm cơ bản sau:

Sự công bằng căn bản: Swift sử dụng lý luận mà nhiều nhà cung cấp cho các công ty lớn vẫn khẳng định hàng ngày: Chúng tôi ủng hộ nỗ lực tạo ra lợi nhuận của bạn, nhưng bạn cũng phải ủng hộ nỗ lực đó của chúng tôi. Với tư cách là nhà cung cấp, việc chúng ta đang hợp tác kinh doanh với nhau và quy mô/tầm ảnh hưởng/trọng lượng của bạn trên thị trường không cho phép bạn quên điều đó. Người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm hơn tới cách các công ty đối xử với nhân viên, nhà cung cấp và đối tác của mình – từ đó họ mới đưa ra quyết định mua.

Vấn đề về sự công bằng này còn đóng vai trò bổ trợ cho một vấn đề mà thế hệ Y đã bày tỏ quan điểm một cách mạnh mẽ: sự bất bình đẳng thu nhập. Những công ty lớn nhất thế giới đang được sở hữu và quản lý bởi một số ít người và lợi nhuận của số ít người đó có thể đến từ túi tiền của số đông người khác, thông qua những hành vi như trả lương thấp nhất có thể, gây ô nhiễm môi trường hay bòn rút các nhà cung cấp. Tình trạng này đã được đề cập trong bức thư phàn nàn của Taylor Swift gửi tới Apple. Bằng cách thể hiện nhiều hơn sự quan tâm đối với tất cả các đối tác chứ không chỉ với khách hàng, các công ty sẽ chiếm được sự ủng hộ của thế hệ ngày nay một cách dễ dàng hơn.

Nữ ca sĩ Taylor Swift

Tính minh bạch: Về cơ bản, Swift đã thương lượng thay cho hàng nghìn nghệ sỹ đang hợp tác với Apple Music. Cô đã thể hiện ở chế độ công khai trên mạng xã hội Tumblr và Twitter. Và công ty lớn nhất, đồng thời nổi tiếng là “giữ mánh” nhất thế giới đã vào cuộc trên cùng một hệ thống truyền thông xã hội, kèm theo một vài cuộc gọi điện thoại theo kiểu truyền thống.

Hãy thử tưởng tượng nếu Procter & Gamble thương thảo về mối quan hệ hợp tác với Walmart hay Nghiệp đoàn Công nhân ký hợp đồng với Ford cũng theo cách đó. Viễn cảnh này rồi sẽ có ngày trở thành hiện thực – khi mà các công ty hoạt động kinh doanh ở chế độ công khai nhiều hơn, và công chúng sẽ quy hết trách nhiệm cho họ.

Nền kinh tế chia sẻ “thực sự”: Thế hệ Y được ghi nhận một cách rộng rãi với việc mang đến “nền kinh tế chia sẻ”, hỗ trợ cho ZipCar, Uber, Airbnb và vô số những công ty “chia sẻ” khác. Nhưng chất xúc tác cho nền kinh tế này là một ý niệm đúng đắn về sự chia sẻ: sử dụng tiềm lực một cách khôn ngoan và đúng lúc, phối hợp với những người khác trong thành phố và cộng đồng để đạt được mục tiêu chung đem lại lợi ích cho tất cả.

Đây cũng là động lực thúc đẩy Taylor Swift đứng lên chống lại Apple: cô đang chia sẻ sức ảnh hưởng của mình (và cả danh tiếng và sự thành công) nhằm đạt được mục tiêu có lợi cho toàn bộ cộng đồng nhạc công/nghệ sỹ/nhạc sỹ. Những công ty nào hiểu được điều này sẽ kết nối với (và thu được lợi nhuận từ) thế hệ Y một cách hiệu quả hơn.

Chúng ta và tôi: Trong khi Swift đang cố gắng phát huy sức mạnh của mình vào việc đe dọa sẽ thu hồi sản phẩm của cô khỏi dịch vụ trên Apple Music, lời đe dọa này được truyền tải cùng với sự nhìn nhận của Swift về mối quan hệ cộng sinh giữa cô và Apple. Không giống với những phong trào công nhân ngày trước – phần thắng hoặc là thuộc về người lao động hoặc là thuộc về ban lãnh đạo doanh nghiệp – thế hệ Y ngày nay nhận ra rằng nếu một bên muốn thành công thì tất cả các bên liên quan cũng đều phải thành công. Nếu công ty không có lợi nhuận thì công nhân cũng thế. Đây chính là mặt trái của sự bất bình đẳng thu nhập, và cũng giống như vấn đề đó, nó đòi hỏi một sự cân bằng mà thế hệ Y kỳ vọng.

Mỗi thế hệ đều có tác động tới xã hội và thế giới trong giai đoạn mà nó bước qua, và không nghi ngờ gì khi thế hệ có nhiều người sắp bước sang tuổi trưởng thành nhất sẽ tạo nên một sức ảnh hưởng tương xứng với kích thước của nó. Và khi càng ngày càng nhiều thành viên của thế hệ Y bước vào sự nghiệp, thể hiện tài lãnh đạo và những phẩm chất của họ giống như khi Taylor Swift đối đầu với Apple, họ có thể sẽ trở thành thế hệ đầu tiên trong suốt bao lâu nay khiến cho thế giới không chỉ giàu có hơn mà còn tốt đẹp hơn.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]