Bí quyết thành công của “kỳ quan bóng bàn thế giới”

SKĐS - Trở lại thủ đô Hà Nội vào dịp cuối năm này, “huyền thoại bóng bàn” đã chia sẻ cùng báo Sức khỏe&Đời sống bí quyết tập luyện và dinh dưỡng giúp ông duy trì phong độ đỉnh cao suốt 20 năm cầm vợt.

15.5995

Dư luận thường nhắc đến cựu tuyển thủ bóng bàn Lê Văn Tiết với những thành tích thi đấu đỉnh cao trên đấu trường quốc tế. Trở lại thủ đô Hà Nội vào dịp cuối năm này, “huyền thoại bóng bàn” đã chia sẻ cùng báo Sức khỏe&Đời sống bí quyết tập luyệndinh dưỡng giúp ông duy trì phong độ đỉnh cao suốt 20 năm cầm vợt.

Đánh bóng bàn theo lối… quần vợt

Lần đầu tiên gặp cựu vận động viên bóng bàn xuất sắc của Việt Nam, tôi bất ngờ với cách nói chuyện giản dị, thân tình và hết sức hóm hỉnh của ông. Đến nay đã ở tuổi 77, nhưng dáng vẻ ông vẫn hết sức khỏe mạnh, nhanh nhẹn, dẻo dai. Điều này có lẽ rất đúng với một người đã có thâm niên mấy chục năm chinh chiến trên các đấu trường thể thao trong nước và trên thế giới, giành nhiều giải cao khiến quốc tế nể phục. Ông nổi tiếng với lối phản công độc đáo và được báo chí của nền bóng bàn nổi tiếng Nhật Bản ca ngợi là "kỳ quan của bóng bàn thế giới".

Lê Văn Tiết thành công vang dội tại rất nhiều giải đấu. Giải thưởng cao nhất của ông là vô địch bóng bàn châu Á (Asiad) Á vận hội Tokyo năm 1958; rồi các giải như: huy chương đồng Vô địch Bóng bàn quốc tế tại Dortmund, Đức năm 1959; vô địch bóng bàn Pháp quốc năm 1959; huy chương vàng Seagames 1961, 1963, 1965…

Ông kể: “Tôi chơi thể thao từ khi mới 8 tuổi, đến 10 tuổi đã được chọn đi thi đấu và giành giải thưởng. Lúc đầu, cha tôi dạy đánh quần vợt chứ không phải bóng bàn, nhưng cuối cùng tôi lại bén duyên với môn thể thao này”.

Khoảng thời gian sau đó, ông Tiết giành nhiều giải cao về thi đấu bóng bàn với các cú phản công ngoạn mục theo lối đánh của… quần vợt. Chính vì thế, ông vẫn hay tếu táo với mọi người rằng bí quyết thành công của ông chính là đánh bóng bàn theo kiểu quần vợt.

Nhớ lại những năm tháng huy hoàng trong sự nghiệp của mình, ông chia sẻ, nhiều lần xuất ngoại thi đấu dài ngày ở các đấu trường như Nhật Bản, Đức, Pháp… lúc nào ông cũng… thèm món ăn Việt, đơn giản chỉ bát cơm, chén canh, quả chuối mà lắm lúc cũng thấy bứt rứt trong người.

“Thông thường, với các vận động viên như tôi, trước khi sang nước ngoài thi đấu khoảng một tháng sẽ được thay đổi thực đơn bữa ăn, ăn toàn món ăn của nước mà đoàn thi đấu sắp tới. Điều này nhằm giúp các vận động viên thích nghi dần với chế độ ăn uống mới, không bị trở ngại về sức khỏe. Có đợt chuẩn bị sang Đức, Nhật, chúng tôi ăn suốt những món ăn Nhật, món ăn Đức nhiều khi cũng cảm thấy… ngấy!”- ông Tiết tâm sự.

Theo ông Tiết, với vận động viên bóng bàn, ngoài ăn đủ chất dinh dưỡng còn cần kiểm soát cân nặng, tránh ăn đồ ăn có nhiều chất béo, tránh phát phì, ảnh hưởng đến phản xạ của vận động viên.

“Thực ra chế độ dinh dưỡng của chúng tôi thời đó không cầu kỳ lắm, chúng tôi cũng không có chuyên gia dinh dưỡng riêng, không có bác sĩ riêng. Vấn đề lớn nhất là làm sao đảm bảo an toàn thực phẩm cho các vận động viên trong quá trình thi đấu, tránh thực phẩm tồn dư hóa chất nitrat độc hại vì nó ảnh hưởng đến tốc độ trao đổi oxy trong máu, đến phản xạ của vận động viên"- ông nói.

"Kỳ quan bóng bàn thế giới" Lê Văn Tiết xuất hiện tại một giải đấu mới đây.

Chỉ tập luyện 4 tiếng/ngày

Theo kinh nghiệm thế giới đã đúc kết, bóng bàn thích hợp nhất cho những đấu thủ từ 1,6-1,65m. Đặc thù của môn thể thao này lại không cần nhiều chiều cao lắm vì có thể ảnh hưởng đến tốc độ banh chân, di chuyển khi đánh bóng.

Về tập luyện, cựu tuyển thủ bóng bàn Lê Văn Tiết tâm sự: “Trước đây khi tôi vô địch bóng bàn hạng 3 thế giới, phóng viên báo chí nhiều nước đã phỏng vấn tôi đã tập dượt thế nào để đạt thành tích đỉnh cao như vây? Tôi bảo, tôi chỉ tập 4 tiếng/ngày và không nên gắng sức quá. Họ tỏ vẻ băn khoăn không tin vì các vận động viên khác thường xuyên phải tập lăn lộn gấp đôi, gấp 3 thời gian tập luyện của tôi. Nhưng thực tế với tôi là vậy!”.

“Thi đấu bóng bàn đòi hỏi sự dẻo dai. Đội tuyển Việt Nam thi đấu lúc đó có 3 vận động viên, cho nên đấu pháp trị đối phương của chúng tôi chỉ gồm 3 dạng đấu: đánh chắc chắn; vừa đánh vừa đỡ; và vừa đỡ vừa phản công. Bí quyết đánh thắng đối thủ chỉ có vậy”- ông Tiết hồ hởi nhớ lại.

Đến nay, ông Tiết là một trong những người có thâm niên thi đấu trong các giải bóng bàn quốc tế. Với kinh nghiệm của một bậc thầy về bóng bàn như ông, ông cho rằng, năng khiếu thể thao sẽ giúp vận động viên thiếp thu nhanh, nhưng nếu ai đam mê môn bóng bàn này thì quá trình tập luyện, tập đúng phương pháp vẫn có thể thi đấu tốt.

Hiện tại, dù đã lui về hậu trường nhưng cựu tuyển thủ bóng bàn xuất sắc ngày nào vẫn dõi theo từng bước đi của lớp trẻ. Ông cho rằng, bóng bàn Việt Nam nếu muốn thành công thì cần nghiên cứu, huấn luyện cho các tuyển thủ trẻ theo hướng riêng phù hợp với thể lực vận động viên nước ta. Chẳng hạn chặn đẩy tốt, cự ly nào là thích hợp (đánh cự ly xa, hay cự ly gần…), có như vậy mới có thể thành công. Nếu chỉ đi theo các quốc gia khác thì chúng ta rất dễ bị đi sau mà không thể dẫn đầu.

Không còn bận rộn với lịch thi đấu dày đặc như trước nữa nhưng thi thoảng, “kỳ quan bóng bàn thế giới” vẫn có mặt tại các giải thi đấu bóng bàn ở các tỉnh thành, trực tiếp quan sát các đàn em của mình trổ tài. Thời gian rảnh rỗi, ông còn hướng dẫn tập luyện cho các cháu nhỏ nơi ông sinh sống, chắp cánh cho những đam mê của các em. Tương lai không xa, biết đâu, Việt Nam sẽ xuất hiện thêm một “kỳ quan bóng bàn thế giới”.

Dương Hải

 

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]