Cách sắm lễ và hành lễ khi đi Chùa

Việc sắm sửa lễ vật khi vào Chùa, có những quy định mà chúng ta cần tuân thủ theo.

15.5977

Lễ vật lên Chùa là ở tùy tâm, tùy lòng thành của người đi Lễ. Song thường bao gồm có lễ chay để dâng lên điện Phật: gồm có lục cúng ( hương, hoa, đăng, trà, quả, thực). Lễ vật chỉ cần có lục cúng mà không cần dâng tiền vàng, đồ mặn, đồ mã,…

Không đặt tiền lên ban thờ, đĩa lễ mà bỏ vào hòm công đức ở ban chính, vì đây là tiền chi phí dầu đèn, hương hoa lễ Phật, tu bổ di tích và nuôi chúng tăng. Đồng thời cũng không nên bỏ tiền lên ban Phật, gài vào tay, thân tượng Phật, Thánh vì đó là hành vi bất kính.

Lễ mặn chỉ có thể sắm sửa nếu trong chùa có thờ các vị Thánh, và có ban thờ Mẫu và chỉ dâng tại các ban này thôi. Tuyệt đối không được dâng trên ban thờ Phật, Chư Bồ tát và Thánh Hiền

Về cầu cúng: tại chùa chỉ cúng những nghi lễ Phật giáo như Phật đản, Vu Lan, Mông sơn thí thực,…Ngoài ra có một số lễ cúng rước vong lên chùa nhằm thỏa mãn đời sống tâm linh cho người dân

Vậy chúng ta cần phải sắm lễ thế nào mới đúng?

- Lễ chay: Gồm hương, hoa, đăng, trà, quả, thực dùng để lễ ban Phật, Bồ Tát. Lễ chay cũng dùng để dâng ban Thánh Mẫu. Trong trường hợp này sắm thêm một số hàng mã để dâng cũng như: tiền, vàng, nón, hia…

- Lễ Mặn: Gồm gà, lợn, giò, chả… được làm cẩn thận, nấu chín. Nếu có lễ này thì đặt bàn thờ Ngũ vị quan lớn tức là ban công đồng. Lưu ý tuyệt đối không được dùng lễ mặn để cúng Phật.

- Lễ đồ sống: Gồm trứng, gạo, muối hoặc thịt mồi (một miếng thịt lợn khoảng vài lạng). Đây là lễ dành riêng cho việc dâng cúng quan Ngũ Hổ, Bạch xà, Thanh xà đặt ở hạ ban Công Đồng Tứ phủ. Theo lễ thường thì gồm 5 quả trứng vịt sống đặt trong một đĩa muối, gạo, hai quả trứng gà sống đặt trong hai cốc nhỏ, một miếng thịt mồi được khía (không đứt rời) thành năm phần, để sống. Kèm theo lễ này cũng có thêm tiền vàng.

- Cỗ mặn sơn trang: Gồm những đồ đặc sản Việt Nam: cua, ốc, lươn, ớt, chanh quả…Nếu có gạo nếp cẩm nấu xôi chè thì cũng thuộc vào lễ này. Theo lệ thường, khi sắm lễ mặn sơn trang, người ta thường sắm theo con số 15: 15 con ốc, cua, 15 quả ớt, chanh hoặc có thể chỉ cần 1 quả nhưng được khía ra làm 15 phần… Con số 15 này tương ứng với 15 vị được thờ tại ban sơn trang (1 vị chúa, 2 vị hầu cận, 12 vị cô sơn trang - PV)

- Lễ ban thờ cô, thờ cậu: Thường gồm oản, quả, hương hoa, hia, hài, nón, áo… (đồ hàng mã - PV) gương, lược… Nghĩa là những đồ chơi mà người ta thường làm cho trẻ nhỏ. Nhưng lễ vật này cầu kỳ, nhỏ, đẹp và được bao trong những túi nhỏ xinh xắn, đẹp mắt.

- Lễ thần Thành Hoàng: Thường dùng lễ mặn: chân giò lợn luộc, xôi, rượu, tiền, vàng…

Tất cả các lễ trên đều có thể dâng cúng tại các Đền, Miếu, Phủ, Đình... không nhất thiết là các ban trong trong chùa. Tuy nhiên, phẩm vật dâng cúng dù nhiều hay ít, tốt hoặc xấu, ngon hay dở đều phải là thật, lễ bạc nhưng lòng thành và tâm thành thì Phật, các vị tôn Thần chứng. Lễ phẩm là biểu hiện của tấm lòng, do đó sẽ không tốt khi dùng lễ giả để mong biểu thị tấm lòng chân thật.

Một số vấn đề cần nhận biết về pháp khí khi hành lễ

 + Cờ Phật: là lá cờ hình chữ nhật, ghép các mảnh khác màu nói lên sự hòa hợp của nhiều cá thể, nhiều dân tộc… trong đạo pháp của Phật giáo. Thường có 10 mảnh tượng trưng cho thập phương chúng sinh, với 4 màu gọi là tứ đại tượng trưng cho hỏa, thủy, địa và phong.

+ Chuông trong chùa: gồm có chuông treo và chuông gõ.

Chuông treo: hình ống, có quai treo, thường được trang trí bằng hình rồng uốn mình, chia làm 4 múi, cách nhau một vành đai, có núm gõ, trên chân chuông thường khắc các bài văn có nội dung liên quan đến bản chùa hoặc kinh Phật, gọi là bài Minh chung.

Chuông gõ: miệng chuông ngửa lên trên, đế chuông là vành khăn vải, thường đặt cạnh mõ gỗ, để ở trước Phật điện, dành cho việc tụng kinh của các nhà tu hành hoặc khách thập phương.

+ Mõ: có nhiều kích cỡ, gồm loại hình tròn và hình cá, thường làm bằng gỗ, khoét rỗng lòng, dùng để gõ khi tụng kinh.

+ Mộc: là miếng gỗ dùng đánh hiệu lệnh của chùa.

+ Khánh: thường dùng khi rước đồ linh thiêng hay thỉnh khi các vị cao tăng đi lên Phật điện hành lễ hay lên Bảo tòa thuyết pháp.

+ Tích trượng hay còn gọi là Trí trượng ( có nghĩa là người tu hành nương nhờ cây gậy này mà thêm thăng tiến và phát sinh trí tuệ). Trên đầu cây tích trượng có là 4 khâu, 12 vòng tượng trưng cho Tứ Đế ( Phật, Pháp, Tăng, Bảo) và Thập nhị nhân duyên.

Ngoài ra còn nhiều pháp khí khác mà các vị tăng trong Mật tông thường dùng khi hành lễ như Linh chử, Kim cương chử,…

Bài viết chỉ có tính chất tham khảo cho những ai quan tâm

T. Huyên (Tổng hợp)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]