(SKDS) - Quýt gai có nhiều tên gọi khác như tầm xoọng, cúc keo, quýt hôi, gai xanh, mền tên, tửu bính lặc, đông phong quất... Là loại cây nhỏ, mọc thành bụi, thân phân thành rất nhiều cành, có nhiều gai mọc từ nách lá, cành non có khi có lông mịn. Lá nguyên, hình bầu dục đầu tròn, thuôn tròn ở phía cuống. Hái lá soi lên ánh sáng sẽ thấy có rất nhiều điểm trong (sáng) do chứa tinh dầu. Hoa trắng gần như không cuống. Quả mọng, hình cầu, khi chín có màu đen. Mùa hoa vào tháng 6 - 8, mùa quả vào tháng 9 - 12. Cây thường mọc hoang ở bờ bụi, bờ ruộng, gò đống, ven đường, ở một số địa phương thường trồng làm hàng rào vì cây có rất nhiều gai.
Quýt gai có vị cay, tính ấm; có tác dụng hóa ứ chỉ thống, thuận khí hóa đàm thường dùng chữa phong thấp đau nhức, cảm mạo, ho, đau dạ dày.
Một số bài thuốc thường dùng
Chữa ho, nhức đầu cảm cúm: Lá hoặc rễ quýt gai 9 - 15g. Rửa sạch, cho 500ml nước sắc còn 200ml chia 2 lần uống trong ngày. Dùng liền 5 ngày, ngoài ra cần ăn uống nhiều rau quả, trái cây, nghỉ ngơi.
Chữa va đập bầm tím sưng đau: Lá quýt gai 20g, rửa sạch, phơi khô, sao vàng. Đổ 400ml nước, sắc còn 100ml chia 2 lần uống trong ngày. Dùng liền 3 - 5 ngày. Ngoài ra lấy lá quýt gai rửa sạch, giã nát đắp lên chỗ bị thương, sau 3 giờ thay băng đắp liên tục 3 - 5 ngày.
Chữa ho do phong nhiệt:Rễ quýt gai 20g, vỏ rễ dâu tằm 10g, cam thảo bắc 5g; tất cả rửa sạch, thái mỏng phơi khô. Đổ 550ml nước, sắc còn 150ml nước có thêm ít đường, chia thành 2 lần uống trong ngày. Dùng 6 ngày một liệu trình.
Chữa ho nhiều đờm do lạnh:Quýt gai còn xanh 8 - 16 quả, rửa sạch, bổ làm 4 bỏ hạt, cho vào bát nhỏ trộn với một thìa cà phê mật ong, ít muối ăn đem hấp cơm trong khoảng 15-20 phút, lấy ra nghiền nát, trộn đều, chia thành 2 - 3 phần uống trong ngày.
Hỗ trợ điều trị chữa phong thấp:Rễ quýt gai 10 - 15g. Đổ 350ml nước sắc nước, chia 2 lần uống trong ngày. Dùng lúc còn nóng. Có thể phối hợp với thổ phục linh, ngưu tất, thiên niên kiện mỗi thứ 50g; ngâm với 1 lít rượu, sau một tuần có thể uống; ngày uống 3 - 4 lần, mỗi lần một chén con.
Lương y Hữu Nam