Chạm khẽ vào một góc riêng tâm hồn

Nhớ lại hơn 20 năm trước, khi gặp anh lần đầu tiên, cảm nhận trong tôi là một ánh mắt hơi lạnh. Có thể đặc trưng công việc (quản lý văn hóa A25) đã tạo cho anh một phản xạ “nghề nghiệp”. Nhưng khi nghe anh nói chuyện và nhất là khi nghe anh bày tỏ sở thích nghe nhạc cổ điển thì tất cả suy nghĩ về anh trong tôi thay đổi.

15.6019

(Về tập thơ Ân phúc - tác giả Dương Minh - NXB Văn học 6/2013)

Nhớ lại hơn 20 năm trước, khi gặp anh lần đầu tiên, cảm nhận trong tôi là một ánh mắt hơi lạnh. Có thể đặc trưng công việc (quản lý văn hóa A25) đã tạo cho anh một phản xạ “nghề nghiệp”. Nhưng khi nghe anh nói chuyện và nhất là khi nghe anh bày tỏ sở thích nghe nhạc cổ điển thì tất cả suy nghĩ về anh trong tôi thay đổi. Thời đó, những người làm nghề như anh mà thích nghe nhạc cổ điển quả là hiếm, hiếm hơn khi tôi biết anh chơi vài nhạc cụ phương Tây rất chuẩn... Qua thời gian, anh còn làm tôi ngạc nhiên nhiều điều, như cách anh “thẩm” một tác phẩm nghệ thuật, bất kể là một cuốn sách, một bức tranh, một tấm ảnh, một ca khúc, một vở kịch, một bộ phim... Và 20 năm sau thì tôi bất ngờ khi anh đưa tôi đọc tập thơ của anh vừa xuất bản: Ân phúc.

Tập thơ Ân phúc.

Tôi đọc liền một mạch cả tập thơ, đầu tiên như một sự tò mò, xem thơ của một người không phải nhà thơ, lại ở trong một ngành làm việc khá khuôn phép, không có chỗ cho sự mơ mộng, lãng mạn sẽ như thế nào... Nhưng cảm giác tò mò chợt qua đi lúc nào không hay, tôi đọc và thích thú. Từng bài thơ của anh như đang gửi gắm một nỗi niềm, một tâm sự, một kỷ niệm hay đơn giản là muốn chia sẻ một cái nhìn về cuộc sống đời thường đương đại... Cảm giác như đang chạm khẽ vào một góc riêng tâm hồn anh, thật thú vị.

Thơ của anh không có những thủ pháp tân kỳ, câu chữ đánh đố hay cấu trúc phức tạp để gây ấn tượng mà hoàn toàn theo phong cách cổ điển chân phương nhưng không hề thiếu sự sang trọng, sự sâu sắc của ngôn ngữ thơ “ý tại ngôn ngoại”. Dù nhiều tứ thơ của anh không mới nhưng vẫn cảm được giọng điệu riêng, phong cách riêng của anh.

Có thể chia tập thơ của anh thành ba chủ đề khác biệt: Những kỷ niệm về tình yêu, những suy tư thế sự nhân gian và những cảm nhận về cuộc sống đương đại hiện tại. Tuy là ba chủ đề, nhưng hình như có một sợi dây liên kết mơ hồ nên không phải dễ tách bạch bài này theo chủ đề này, bài kia là chủ đề kia, mà đôi khi có cả ba chủ đề trong một bài, trong một bài tuy nói về chủ đề này nhưng đọc xong lại có sự liên tưởng đến chủ đề kia... Đó chính là cái riêng tạo sự hấp dẫn trong thơ của anh, không gây nhàm chán.

Tình yêu trong tập thơ có thể nói là chiếm nhiều số lượng bài nhất. Chưa kể tình yêu còn phảng phất ở cả những bài gần như không nói gì về tình yêu, nhưng vẫn cảm nhận được sự hiện diện đâu đó trong câu chữ. Tình yêu trong thơ anh không chỉ có sự lãng mạn, mà còn có sự thuần khiết, trong veo, hiếm gặp trong những bài thơ về tình yêu bây giờ:

Anh và em

Ta lang thang đêm nay

Tay nắm tay

Đi hết đêm cho tới bình minh

Anh nắm tay em đi

Tâm hồn nhủ tâm hồn

Để mình  xem đêm dài là thế

Để khẳng định ngày mai không thể

Xa nhau       

 (Tình ca đêm lang thang - Dương Minh)

Ngay cả trong sự chia ly của tình yêu, thơ của anh cũng đẹp như một bức tranh, không bi lụy, nhưng đọc lên cảm thấy bâng khuâng, man mác nỗi buồn thăm thẳm:

Con đường em đi; Con đường giấy trắng; Em hãy viết đi; Rực hồng ánh nắng

Em hãy viết đi; Rừng thu gió lặng; Chuông chiều nghiêng đổ; Bồng bềnh mây bay

Làm sao mưa rơi; Làm sao vàng lá; Con đường bóng ngã; Gió về em đi

Vì sao em đi; Vì sao lá đổ

Nhuộm chiều mắt đỏ

Thôi giờ chia ly

 (Thôi giờ chia ly - Dương Minh)

Có lẽ, đặc biệt hơn cả là bài Cầm lòng, nó nói lên sự bất lực của tình yêu trước sự hữu hạn của đời người, của cõi nhân sinh. Bài thơ đẹp và mang tính dự báo khi nhà thơ mượn cây thước triết lý nhà Phật để đo kích cỡ của thời gian:

Ngày đã qua; Hai tư giờ qua; Hai tư cửa sinh – diệt; Vệt nắng tắt cuối ngày; Bông tuyết đầu mùa tan biến hư vô; Phù du vẫy đôi cánh lần cuối; Cầm lòng buông vào lòng suối réo rắt...

Mỗi sinh vật, mỗi hiện tượng tự nhiên đều có đời sống riêng của nó, cho dù rất ngắn ngủi, hữu hạn vô cùng. Thời gian khắc nghiệt trôi đi không có ngoại lệ, hữu hạn với tất cả. Càng khắc nghiệt bởi ta nhận biết rõ rệt sự hữu hạn của kiếp người: “Cho dù yêu em biết mấy/Rồi cũng âm dương cách biệt... Cho dù yêu em biết mấy/Cầm lòng vậy”. Ngày đã qua; Ta dời nhà sang thế giới khác; Cầm lòng trong luân hồi.

Biết là sẽ phải tham gia vào vòng luân hồi của tự nhiên, sẽ phải dời nhà sang thế giới khác, mà vẫn tiếc nuối. Cầm lòng vậy.    

Thơ thế sự của anh lại có những cảm xúc sắc, lạnh, đôi khi như vết cứa của dao, không đau nhiều nhưng cứ nhoi nhói, day dứt. Có thể vì chính anh đã va chạm với thực tế cuộc sống qua công việc, có thể cái cảm của anh với cuộc đời quá nhạy cảm, cái nhạy cảm của người luôn có dự cảm tương lai:

...Nếu tất cả không là sự thật; Ôi! Con chữ của đời lận đận; Một đời đa mang; Những con chữ vác thập giá hiên ngang; Vạch lên trời xanh báo tin sự ác; Nếu cái ác vẫn còn ngự trị; Vẫn còn "giọt máu" để đầu thai; Thì “Huyền thoại phố phường” mãi là huyền thoại; “Tướng về hưu” rồi chẳng đêm nào yên giấc; Đau đáu giấc mơ quân ngũ một thời; Lạc lõng trong nhà giữa đống đồ sang trọng; Ai cũng mải kiếm tiền nhưng ít người hạnh phúc...

(Với Nguyễn Huy Thiệp - Dương Minh)

32 bài thơ như 32 câu chuyện tâm tình về tình yêu, tình đời, về thế sự nhân gian, về gia đình, bạn bè và về một cõi tâm linh thức - tỉnh trong chính con người mình. Có cảm giác như anh đang nhỏ nhẹ, một chút rụt rè, một chút khiêm nhường khi đưa những bài thơ này ra công chúng. Hình như anh muốn những người đọc thơ anh ít nhiều sẽ cảm nhận được những điều anh muốn chia sẻ như giữa những người bạn tri âm.

Riêng tôi, khi đọc hết tập thơ anh, tôi có cảm giác như mình đã chạm khẽ vào một góc riêng tư trong tâm hồn anh, có gì đó phảng phất một nỗi buồn của sự cô đơn qua những dòng thơ, có gì đó như anh đang muốn nói nhiều hơn những gì đã thể hiện qua thơ, như một tri âm có sự đồng cảm, có sự run rẩy, có chút rưng rưng, có vài tiếc nuối, có khoảnh khắc xao động, có những xốn xang day dứt...

Hoài Hương

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]