Chân Trân 'thật thà, ngây thơ' một cách có chủ ý

Tôi đã từng là một trong số những người rất yêu mến và ủng hộ Chân Trân, nhưng cái đêm mà cô đăng quang, và cả những ngày sau nữa, dường như, cô càng lúc càng bốc đồng, ra vẻ, không biết mình là ai, làm mất khá nhiều cảm tình của khán giả dành cho cô.

15.6177

Người gửi: Tin,
Gửi tới: Ban Văn hoá
Tiêu đề: Trân Chân tự tin hay khoe khoang?

Thứ nhất, đêm chung kết, khi trả lời câu hỏi, cô đã làm không ít người ngạc nhiên vì chất giọng "lơ lớ như Tây". Nhiều người cho rằng vì cô là người gốc Hoa chăng? Nhưng người gốc Hoa học trường Việt suốt 12 năm, lại luôn là học sinh giỏi thì không thể phát âm không rõ ràng như vậy. Tôi có rất nhiều bạn bè người Tiều, ở nhà, họ chỉ trò chuyện với nhau bằng tiếng Hoa, nhưng với bạn bè cùng lớp, họ nói tiếng Việt rất sõi, thậm chí nói đùa, nói tiếng lóng...

Khi Chân Trân trả lời phỏng vấn, cô viện cớ rằng đi nước ngoài 6 năm, không gặp một người Việt nào, đồng thời phải dùng nhiều thứ tiếng để giao tiếp, làm việc nên giọng bị pha tạp. Tôi thấy thật khó tin quá. Chẳng lẽ trong thời gian ấy, cô không có một phút nào lên mạng để đọc các trang web tiếng Việt, các tờ báo online? Chẳng lẽ cô không hề gọi điện trò chuyện, thăm hỏi bố mẹ, bạn bè? Mà quả thật, du học sinh ở Singapore hiện tại như nấm sau mưa, làm sao có chuyện bạn chẳng bao giờ gặp một người Việt nào nhỉ.

Tôi đã xem phỏng vấn tiến sĩ Nguyễn Chánh Khê. Ông qua Nhật lúc mới mười mấy tuổi, hết làm việc ở Nhật, ông lại qua Pháp, qua Mỹ... Nói chung là làm việc và lưu trú rất nhiều nơi, sở hữu không biết bao nhiêu các bằng phát minh, sáng chế, nói được 4-5 thứ tiếng, ở nước ngoài đến vài chục năm nhưng ông nói tiếng Việt rặt giọng Nam Bộ, dùng từ ngữ rất chuẩn, nhớ cả "Dế mèn phiêu lưu ký", nhớ từng góc chợ, từng món ăn và thích "ăn quà" . Và cả những bạn bè tôi nữa. Họ ở nước ngoài rất nhiều năm, phải dùng các thứ tiếng khác nhau để làm việc, học hành mà không mấy khi về nước nhưng họ vẫn giữ được giọng Bắc chuẩn, thậm chí còn cập nhật rất nhanh những tiếng lóng không thua gì dân Việt trong nước. Huống chi Chân Trân đã trở về nước hàng mấy tháng trời trước khi cuộc thi bắt đầu.

Thứ hai, tôi có cảm giác, Trân Chân "thật thà, ngây thơ" một cách có chủ ý. Trong cùng bài phỏng vấn, cô bộc lộ nào việc "em sáng tác nhạc, em viết truyện ngắn..." nhưng "do em ở nước ngoài nên dùng toàn tiếng Anh". Cô Á hậu đa tài thật, và cũng vô tình thật. Từng là một người Việt ở nước ngoài, mỗi lần gặp được đồng hương, tôi mừng hét lớn, chỉ mong được nói tiếng Việt. Ngoài công việc, văn bản..., tôi còn mua rất nhiều sách báo, tạp chí tiếng Việt để đọc cho vơi bớt nỗi nhớ quê hương, thế nhưng Á hậu Chân thì ngay cả việc sáng tác nhạc cho riêng mình thưởng thức (vì cô bảo, sáng tác xong thì cất nó đi mà), cô cũng không dùng một chữ tiếng mẹ đẻ mà dùng tiếng Anh cơ. Phải chăng chỉ có như thế mới chừng tỏ được cái học cao, cái hiểu biết và cái tài năng của cô?

Thứ ba, tôi muốn nói đến cái tự tin đến độ nói quá sự thật của Trân Chân. Theo tôi được biết, hầu hết các nước trong liên hiệp châu Âu nói chung và Anh nói riêng, thì học đại học cũng chỉ mất có 3 năm, và làm Thạc sĩ cũng chí mất có một năm. Vậy mà Trân Chân đã tự tin trả lời rằng, học thạc sĩ thường mất 2 năm, nhưng vì cô học gấp đôi người thường, cho nên chỉ còn một năm. Điều này quả thực không đúng với thực tế các trường bên Anh, và trường Trân Chân cũng không phải là ngoại lệ, cho dù đó là trường không nổi tiếng
Người ta thường nói, cái gốc không vững thì cái ngọn cũng khó mà xanh tốt được. Chắc đó cũng là lý do tại sao cô Trân Chân tự gọi mình là "nhân từ" khi mới chỉ làm được 1-2 việc hết sức nhỏ nhoi. Tôi biết những bác sĩ Việt kiều trẻ với mức lương trên dưới 100.000 USD/năm, nhưng mỗi năm, họ dùng 1 tháng nghỉ phép của mình và một số tiền không nhỏ trích ra từ thu nhập của họ, đem về Việt Nam, vừa khám chữa bệnh cho người nghèo, vừa đóng góp vào các quỹ từ thiện. Thậm chí còn ăn chung, ngủ chung rất cực khổ với bà con dân tộc và các xã trong ruộng xa. Họ rất "dị ứng" với các đề nghị lên báo, phỏng vấn, viết bài. Đơn giản chỉ với lý do "đã làm được gì nhiều đâu". Họ cho rằng, đó là việc họ phải làm và cần làm, với tư cách là một người lành mạnh, bình thường cho những người kém may mắn hơn họ. Tôi biết một gia đình chuyên bỏ men bánh mì ở thành phố, không một chuyến đi từ thiện, khám chữa bệnh, phát thuốc nào của bệnh viện trong thành phố nào mà không có mặt và sự đóng góp vô cùng to lớn và quan trọng của họ về mặt tài chính. Nhưng họ không hề cho rằng họ "nhân từ", họ ngượng ngùng khi chúng tôi khen họ "tốt".

Vậy thì Trân Chân ơi, cô hãy tự xem lại mình đi nhé. Đừng nói rằng cô dùng chữ "nhân từ" mà không hiểu hết ý nghĩa của nó. Cô là một người sinh ra và lớn lên tại Việt nam, hơn nữa lại là một thạc sĩ, sử dụng được rất nhiều thứ tiếng. Không thể có chuyện cô rành rẽ tiếng nước khác mà quên mất tiếng mẹ đẻ của mình, vì rằng cô mới đi nước ngoài có 6 năm. Thời gian không dài lắm để "quên" một thứ tiếng đã gắn bó với mình cả 20 năm, khó tin lắm.

Tôi rất mong Trân Chân ý thức được những gì mình nói. Nếu cô giỏi, nếu cô nhân từ, cô sẽ tự toả sáng và những người xung quanh sẽ tự nhận biết mà không cần tới những câu trả lời như "tôi học gấp đôi người thường", "tôi nhân từ".

 
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]