Châu Á có dấu hiệu khởi sắc

15.5958

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất tại hầu hết các nền kinh tế châu Á, đặc biệt tại Trung Quốc đã cho thấy sự tăng trưởng mạnh. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo lực đẩy cho đà phục hồi của nền kinh tế khu vực và toàn cầu.

Chỉ số PMI ngành sản xuất Trung Quốc của HSBC tháng 11 đã đạt mức cao trong 13 tháng qua, lên tới 50,5, tăng từ mức 49,5 của tháng 10. Các nước khác cũng đã trải qua cuộc khủng hoảng toàn cầu một cách ít bị giằng xóc nhờ nhu cầu nội địa mạnh và đầu tư công lớn. Cụ thể, chỉ số PMI ngành sản xuất Ấn Độ tháng 11 đã tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong 5 tháng qua, nhờ chỉ số xuất khẩu và đơn hàng mới tăng lên.

Tại Hàn Quốc, hoạt động sản xuất tháng 11 đã giảm xuống trong 6 tháng liên tiếp, nhưng tốc độ suy giảm đã chậm lại. Indonesia, quốc gia lớn nhất Đông Nam Á, lại chứng kiến lượng đơn đặt hàng mới từ các thị trường châu Á tăng lên, nhờ đó PMI tháng 11 của nước này đã tăng nhẹ so với tháng 10. Tại Việt Nam, nhu cầu nội địa cũng giúp sản xuất tăng lên trong tháng 11 sau 14 tháng liên tiếp suy giảm.

2 nền kinh tế ít tiến triển nhất có lẽ là Úc và Đài Loan, khi hoạt động sản xuất tiếp tục diễn biến tệ hơn trong tháng 11. Tại Úc, tỉ lệ lạm phát đã giảm 0,1% trong tháng 11. Vì thế, tuần qua, Ngân hàng Trung ương nước này đã giảm lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm xuống còn 3%, mức thấp nhất kể từ tháng 9.2009. Cơ quan này đã cắt giảm lãi suất 1.5 điểm phần trăm trong suốt năm qua.

Tuy nhiên, giới phân tích khuyến cáo những rủi ro có thể xảy ra nếu chính sách cắt giảm chi tiêu và tăng thuế tại Mỹ có hiệu lực ngày 1.1.2013. Nếu các nhà làm luật Mỹ không ngăn cản điều này xảy ra thì Mỹ có thể sẽ quay trở lại thời kỳ suy thoái.

Ông Tim Condon, chuyên gia kinh tế trưởng và đứng đầu bộ phận nghiên cứu châu Á của ING, cho rằng các nền kinh tế châu Á sẽ bị tác động bởi việc siết chặt tài khóa của Mỹ (nếu xảy ra) nhưng sẽ không đáng kể. Trong khi đó, theo ông Frederic Neumann, đồng đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á tại HSBC, các nền kinh tế phụ thuộc vào hoạt động thương mại nhiều hơn như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Thái Lan và Hồng Kông sẽ bị tác động nhiều nhất.

Một tín hiệu tích cực là lạm phát tại một số nước châu Á đang được kiểm soát tốt và điều này sẽ cho phép ngân hàng trung ương các nước này có thêm điều kiện để can thiệp vào thị trường nếu tình hình kinh tế toàn cầu trở nên xấu đi. Tại Hàn Quốc, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng chỉ 1,6% trong tháng 11, dưới mức mục tiêu 2-4% của Ngân hàng Trung ương nước này. Lạm phát tại Thái Lan và Indonesia vẫn trong vòng kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng tại Thái Lan đã tăng 2,74% trong tháng 11, chậm hơn mức 3,32% của tháng 10. Ở Indonesia, lạm phát tháng 11 là 4,32%, giảm từ mức 4,61% của tháng trước.

(Theo WSJ)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]