Chờ thực phẩm hạ nhiệt

Xu hướng giảm giá nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm tại TP.HCM đã góp phần làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8-2011 trên địa bàn TP tăng thấp nhất trong vòng một năm qua, chỉ nhích 0,68% so với tháng trước. Tính chung tám tháng đầu năm, CPI TP.HCM đã tăng 13,49%.

0


>

Thịt heo giảm 3.000-4.000 đồng/kg đã góp phần giảm nhiệt giá thực phẩm - Ảnh: T.T.

Sự chủ động tạo nguồn hàng của các doanh nghiệp cộng với nhu cầu thị trường vào mùa thấp điểm được xem là nguyên nhân của xu hướng giảm giá này. 

Thịt heo giảm 3.000-4.000 đồng/kg

Đánh giá về diễn biến giá cả trong tháng 8, Cục Thống kê TP.HCM cho biết giá cả vẫn tiếp tục tăng, tuy nhiên mức tăng đã giảm 0,39% so với tháng trước. Nhóm có mức ảnh hưởng đáng kể trong rổ hàng hóa tính CPI là nhóm hàng thực phẩm chỉ tăng 0,17%, tăng thấp nhất trong vòng một năm trở lại đây. Trong đó, đáng lưu ý là mặt hàng thịt heo giảm 1,52%.

Bà Hương, tiểu thương kinh doanh thịt gia súc chợ Tân Định (Q.1), cho biết từ đầu tháng đến nay giá thịt heo giảm hai lần, lần gần đây nhất là ngày 10/8, giá nhập hàng giảm 2.000 đồng/kg, đưa mức giảm thịt heo tổng cộng lên 3.000-4.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá bán có mức giảm sâu hơn do sức mua thị trường rất thấp. Sườn non trước đây 135.000 đồng/kg giờ còn 130.000 đồng/kg, thịt ba rọi từ 110.000 đồng/kg còn 100.000 đồng/kg...

Theo bà Hương, hằng năm cứ đến tháng 7 và tháng 8 âm lịch, thị trường thịt heo rơi vào cảnh èo uột. Tháng 7 âm lịch người dân thường ăn chay, giảm bớt thịt cá nên tiêu thụ đương nhiên giảm, tháng 8 lại đúng vào mùa khai giảng, phụ huynh phải cắt xén ăn uống để mua sắm cho con em.

Bà Thường, tiểu thương chợ Gò Vấp (Q.Gò Vấp), tính toán sức mua đã giảm đến 30%. Hiện nay sạp của bà chỉ bán khoảng 30kg thịt mỗi ngày, giảm 15-20kg so với các tháng trước nhưng vẫn không hết hàng. “Những mặt hàng nào đến trưa giảm giá được là tôi giảm liền, chấp nhận hòa vốn” - bà nói. Ông Văn Đức Mười, Giám đốc Công ty Vissan, cho biết giá heo hơi từ đầu năm đến nay tăng bảy lần, tác động lớn đến CPI không chỉ TP.HCM mà còn cả nước. Từ đầu tháng 7 đến nay, nguồn cung heo hơi đang dần được bù đắp sau những biến động của dịch bệnh, vốn vay, lãi suất cao. Với chương trình khuyến mãi giảm giá 2.000-4.000 đồng/kg, lượng tiêu thụ đã dần ổn định trở lại.

So với tháng trước, giá thịt gia cầm đã giảm 1,35%. Ông Trần Đình Khải - đại diện Công ty San Hà, kinh doanh mặt hàng thịt gia cầm - cho biết đang có hiện tượng dội hàng ở thị trường thịt gia cầm. Để đẩy lượng gà đến lứa xuất chuồng trong thời điểm sức mua thấp, công ty đã bắt tay với các điểm bán lẻ khuyến mãi giảm giá đến 7.000 đồng/kg. “Chúng tôi cung ứng gần 6 tấn gà cho hệ thống Co.op Mart với giá bán ra chỉ 45.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với giá bình ổn” - ông Khải nói.

Tháng 8 chỉ chứng kiến sự tăng nhẹ của nhóm thủy hải sản tươi sống, rau củ quả, trứng, thịt bò... Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thanh Hà - phó giám đốc chợ đầu mối Tam Bình (Q.Thủ Đức), nếu lưu thông hàng hóa giữa chợ sỉ và chợ lẻ thông suốt hơn, tình trạng chênh lệch giá thu hẹp thì giá các mặt hàng rau củ quả còn cơ hội giảm nữa.

Diễn biến mức tăng chỉ số giá tiêu dùng từ đầu năm đến nay trên địa bàn TP.HCM. Thịt heo, một trong những mặt hàng giảm giá mạnh, đã góp phần hạ nhiệt giá thực phẩm trong tháng 8-2011 - Ảnh: T.Thắng - Đồ họa: V.Cường
Củng cố nguồn hàng

Hà Nội: giá rau giảm 10-30%

Khảo sát tại các chợ đầu mối, chợ bán lẻ, siêu thị trên địa bàn TP giá cả các mặt hàng rau củ quả, thực phẩm đều giảm. Trong đó mặt hàng rau giảm 10-30%, thịt heo giảm khoảng 5%.

Các tiểu thương kinh doanh thịt heo tại chợ Nghĩa Tân (Q.Cầu Giấy) cho biết so với cách đây hai tuần, mặt hàng thịt heo bán ra hiện giảm 5.000-10.000 đồng, nếu bán cho nhà hàng ăn uống dao động 105.000-130.000 đồng/kg, bán lẻ 120.000-140.000 đồng/kg. Giá thịt heo giảm do nguồn cung đợt này ổn định hơn, tuy nhiên so với năm ngoái giá này tăng gần gấp đôi (cùng kỳ năm ngoái giá chỉ khoảng 60.000-70.000 đồng/kg) nên nhu cầu tiêu thụ của khách hàng giảm nhiều.

Ghi nhận tại chợ đầu mối, giá rau so với thời điểm cách đây một tháng đã hạ nhiệt hơn. Cụ thể, rau cải 5.000 đồng/kg, trước là 8.000-10.000 đồng/kg, rau muống khoảng 3.500 đồng/kg, cà chua trước 10.000 đồng/kg hiện còn 8.000 đồng/kg..., riêng bí xanh tăng 4.000 đồng lên 7.000 đồng/kg do vào cuối vụ... Tại một số chợ lẻ, rau cải xanh có giá 10.000 đồng/kg, rau đay giảm khoảng 2.000 đồng còn 4.000 đồng/kg...

Việc giá thực phẩm giảm nhiệt vừa rồi theo một số chuyên gia, đã góp phần giúp CPI của Hà Nội giảm tốc (tăng 1,06%). Tuy nhiên, ông Vũ Vinh Phú - chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội - cho biết CPI ở Hà Nội thường cao hơn TP.HCM do hệ thống phân phối ở TP.HCM dày đặc, chuyên nghiệp hơn.

CPI tháng 8 có khác biệt hơn so với các tháng khác do đây là thời điểm vào mùa tựu trường, các mặt hàng đồ dùng học sinh, tập viết, văn phòng phẩm, sách giáo khoa đều chịu tác động của giá cả đầu vào nguyên liệu tăng, đẩy nhóm giáo dục vào tốp tăng cao nhất trong tháng này. Theo Sở Công thương TP.HCM, một khi yếu tố mang tính thời vụ này được giải quyết thì nhiệm vụ trong các tháng tới là tiếp tục bình ổn giá hàng hóa lương thực, thực phẩm.

Mặt hàng được quan tâm nhiều hiện nay là lương thực. Sau một thời gian tăng thấp, nhóm hàng lương thực tập trung hầu hết ở các mặt hàng gạo, nếp, lương thực chế biến... đã bắt đầu tăng trở lại. Giá gạo biến động trước thông tin giá gạo xuất khẩu tăng và tác động của điều chỉnh chính sách giá gạo của Thái Lan. Đầu tháng 8-2011, một số loại gạo thường trên địa bàn TP đã tăng 500-1.200 đồng/kg, gạo ngon tăng 500-700 đồng/kg trong khi nhu cầu không tăng. Trước tình hình này, Sở Công thương TP.HCM yêu cầu các doanh nghiệp phối hợp với Công ty Lương thực TP.HCM cân đối nguồn cung cầu, có phương án dự trữ để sẵn sàng tung hàng bình ổn khi có biến động.

Riêng mặt hàng thịt gia súc, gia cầm đang trong diễn biến thuận lợi. Ông Văn Đức Mười cho rằng yếu tố quan trọng nhất của công tác bình ổn giá là phải tạo được nguồn hàng. Ngoài việc phát triển nguồn heo tại các trại của công ty, Vissan đã liên kết với các trại heo, ứng vốn trước cho bà con đảm bảo cung ứng đủ số lượng heo theo đơn đặt hàng của Vissan với giá ổn định. Hiện nay công ty đã có kế hoạch dự trữ 4.000 tấn/tháng so với chỉ tiêu được TP giao là 3.000 tấn/tháng. Lượng hàng này đủ để cung ứng thị trường, giá ổn định cũng như đảm bảo nguồn nguyên liệu chế biến.

Trong báo cáo kế hoạch dự trữ tết của Công ty San Hà gửi UBND TP.HCM, lượng thịt gia cầm bình ổn tung ra trong các tháng tết dự kiến lên đến 180 tấn/ngày, tăng ba lần so với ngày thường. “Chúng tôi đã ký kết xong hợp đồng với các công ty, trang trại lớn về cung ứng giống, thức ăn chăn nuôi để có nguồn hàng ổn định. Giá thịt gia cầm vẫn ổn định trong các tháng cuối năm” - ông Khải khẳng định.

Đối với rau xanh, để tạo nguồn cung cho TP, Sở Công thương khuyến khích doanh nghiệp phối hợp với các tổ chức sản xuất, hợp tác xã các tỉnh lân cận xây dựng vành đai thực phẩm rau xanh, chú trọng trồng các giống cây ngắn ngày, năng suất cao...

Ông Lê Văn Khoa, phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho rằng tháng 9 là tháng có kỳ nghỉ Quốc khánh dài ngày, việc mua sắm, vui chơi của người dân tăng cao, vì vậy các chương trình khuyến mãi của doanh nghiệp thực hiện trong Tháng khuyến mãi sẽ là công cụ kìm giá thiết thực.

Nguồn TTO
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]