Chọn mua khuôn bánh trung thu và tập đóng bánh

Trước khi mua khuôn, mình đã cân nhắc khá kỹ vì khuôn bánh trung thu có quá nhiều kích cỡ, chất liệu, cách sử dụng và giá tiền mua khuôn bánh cũng không hề rẻ. Làm thế nào để có thể chọn mua được khuôn đủ dùng, vừa ý, hợp túi tiền, không lãng phí?

15.5846

Đọc qua một số blog hay làm bánh trung thu homemade hoặc ghé vào các shop khuôn bánh online, thấy đa phần các chị em rất thích và thường khen ngợi khuôn bánh trung thu của Singapore vì đóng bánh rất sắc nét, bền nhưng nhược điểm là giá tiền cao quá, tầm 250 – 350 ngàn 1 bộ khuôn. Chưa kể trong cả bộ khuôn bao giờ cũng chỉ có 2 đến 3 khuôn mình ưng ý, còn lại là không đẹp nhưng vẫn bị mua kèm. Loại khuôn thứ 2 được chọn mua nhiều nhất là khuôn lò xo. Loại này đa dạng, phong phú, có đủ kích cỡ từ loại 50gr cho tới 250gr; khuôn tròn hay vuông đều có. Giá khuôn tương đối mềm, chỉ tầm 100 ngàn đến 150 ngàn là có 1 bộ khuôn đẹp rồi. Thêm nữa, khuôn lò xo đóng bánh khá đẹp lại có nhiều mặt bánh hoa văn khác nhau cho mình lựa chọn, bảo quản cũng dễ. Ngoài khuôn Sing và khuôn lò so mình thấy có khuôn khắc gỗ và khuôn silicon. Khuôn khắc gỗ rất bền, sắc nét nhưng lại nặng, bảo quản công phu và hoa văn đơn điệu còn khuôn silicon thì chỉ dùng làm bánh trung thu rau câu thôi.

Sau khi ngắm nghía và tham khảo lời khuyên của mấy chị em bạn bè có kinh nghiệm làm bánh trung thu, mình đã chọn mua 1 bộ khuôn Sing 50gr để làm bánh dẻo nhiều màu, 1 bộ khuôn lò so mặt tròn 125 gr và 1 bộ khuôn lò so mặt vuông 150gr để làm bánh dẻo – bánh nướng truyền thống. Khuôn gỗ thì mình được chị gái tặng 1 chiếc mới nguyên có khắc cả tên của mình và anh vào. Khuôn silicon mình chưa cần nên chưa mua. Ngoài bộ khuôn, mình còn đặt riêng 1 mặt khắc tròn loại 125gr có tên mình và anh, khi nhận khuôn khắc riêng mình đã rất vừa lòng với mặt khắc dễ thương và ý nghĩa này.

Bên cạnh bộ khuôn làm bánh thì chổi quét mặt bánh, cây lăn bánh và binh xịt nước là vật dụng đi kèm không thể thiếu.

Đây là toàn bộ “gia tài” của mình

Khuôn Sing loại 50gr

Khuôn lò xo tròn 125gr có 6 mặt khắc và 1 mặt tròn đặt hàng riêng

Khuôn lò xo vuông có 3 mặt khắc loại 150gr và khuôn gỗ chị tặng

Tập đóng bánh và ghi chú đặc điểm, cách sử dụng khuôn bánh trung thu

1/ Khuôn Sing 50gr

Khi cầm bộ khuôn này mình thật sự lúng túng. Loay hoay cả tiếng đồng hồ mình cũng không biết sử dụng ra sao, đóng bánh thế nào vì khuôn bé quá, lọt thỏm trong lòng bàn tay như đồ chơi vậy. Tìm hình ảnh hay video clip trên youtube cũng không thấy nên mình cứ đặt cái này xuống, xếp cái kia lên cả buổi tối mới “phát hiện” ra cách dùng. Hóa ra chỉ đơn giản như thế này thôi:

1. Cho mặt hoa văn xuống trước, chồng đế bánh lên trên – Lưu ý giữa mặt hoa văn và mặt đế có 1 khớp nhỏ, lắp cho đúng khớp để khuôn không bị dịch chuyển.

2. Cho viên bột bánh TT vào, dùng má bàn tay ém đều để bánh nén hết vào khuôn sau đó dùng cây lăn bột lăn qua vài lần cho phẳng.

3. Úp ngược khuôn xuống, rút mặt hoa văn ra rồi đẩy từ từ cho bánh ra khỏi đế.

Và bánh tập đóng với khuôn sing 50gr:

Ghi chú: khuôn Sing loại 50gr nhưng thực tế là có 2 mặt khuôn đóng được 50gr, 2 mặt khuôn đóng được 70gr và 1 mặt khuôn đóng được 60gr. Khi dùng khuôn phải thử trước và ghi nhớ mặt khuôn nào bao nhiêu gr để cân chia lượng bánh chính xác, tránh bị dư thừa, đóng bánh sẽ không đẹp

2/ Khuôn lò xo 125gr:

Vì có chút chút kinh nghiệm sau 1 tiếng đồng hồ toát mồ hôi với khuôn Sing nên khi qua khuôn lò xo mình thấy dễ dùng hơn. Chỉ cầm lắp mặt khuôn vào phía trong lòng khuôn bánh, xoay nhẹ phía tay gạt của khuôn để mặt bánh và khuôn bánh khớp vào nhau rồi cho bột vào đóng rất dễ dàng. Vì có phần nhún lò xo nên sau khi ép bánh, cứ để khuôn vuông góc với mặt phẳng rồi dứt khoát đẩy tay ống lò xo xuống (giống bơm kim tiêm) thì bánh sẽ nhẹ nhàng “trôi” ra khỏi khuôn.

Tuy nói dễ nhưng mình vẫn có vấn đề khó khăn với khuôn lò xo, đó là mặt khuôn hay bị… rớt ra luôn cùng bánh😀 – Có lẽ mình làm mạnh tay quá, hoặc mình áo bột chưa đủ nên bị dính chăng? Cái này chắc phải tập từ từ mới lên tay được.

Kết quả:

Ghi chú: Khuôn 125gr nhưng thực tế phải đóng 130 – 135gr thì mới “hết khuôn” và bánh cũng dễ lấy, nét và đẹp được.

3/ Khuôn vuông 150gr và khuôn gỗ:

Cách cài lắp mặt khuôn và sử dụng khuôn vuông giống hệt khuôn tròn nhưng khuôn vuông khó lấy bánh hơn khuôn tròn, khả năng bánh bị dính vào mặt khuôn rất nhiều nên khi dùng phải quét bột áo nhiều hơn một chút cho dễ tróc bánh. Quan trọng hơn, khuôn vuông 150gr nhưng phải đóng 200gr – 250 gr thì bánh mới vuông vức sắc nét được. Mà bánh 150gr nhìn còn nhỏ nhỏ vừa ăn, không sợ ngán chứ bánh 250gr thì to và nặng tay ghê lắm, cho nên nếu không cần phải đóng bánh để biếu thì chắc mình sẽ ít khi sử dụng khuôn này.

Khuôn gỗ thì ghi thế nào trọng lượng thế đó. Khuôn 250gr là đúng 250gr – rất to, nặng và “hoành tráng”😀

Mình thử khuôn gỗ cuối cùng vì nó to quá, phải vét hết bột mới đủ 250gr. Trước khi đóng bánh bằng khuôn gỗ, mình đã rửa sạch, ngâm dầu ăn 1 tuần rồi phơi khô ráo như hướng dẫn. Trước khi đóng bánh còn cho bột áo trực tiếp vô khuôn để bánh dễ tróc, ấy thế mà đóng xong mình không làm sao “moi” cái bánh ra được, nó dính chặt một bên khuôn, và trơn tuột bên còn lại nên bánh toàn bị… gãy làm đôi hoặc méo xẹo. Buồn cười nhất là chuyện gõ bánh. Vì khi thử khuôn gỗ là đã 12h nên mình sợ gõ to làm ồn ào người khác, cho nên mình rón rén rón rén gõ nhẹ một cái, ai ngờ khuôn gỗ nặng quá, nó văng luôn khỏi tay mình rồi rơi cái bốp một phát xuống mặt bàn làm tim mình cũng muốn bắn ra luôn😀

Sau năm lần bảy lượt ngồi gõ thì thành phẩm trên hình là đỡ… méo và nát nhất. Không biết còn phải xử em khuôn gỗ này bao lâu thì mới sắc nét, quen tay được nhỉ, chỉ biết so về độ rõ nét của hoa văn thì khuôn gỗ đẹp nhất. Nhưng so về độ mềm mại thì khuôn Sin và khuôn lò xo lại tốt hơn. Đúng là cái gì cũng có chút khó khăn và ưu nhược điểm của riêng nó, nên chọn dùng cái nào là tùy ý và tùy tay chính mình.  🙂

Dư Vị Yêu Thương

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]