Chọn thực phẩm xấu, mác 'nhà quê' để tránh hàng độc hại

Ngay từ trước khi các đại biểu quốc hội đề nghị tẩy chay hàng độc hại, nhiều người tiêu dùng Việt đã bắt đầu cảnh giác với đồ ăn, ưu tiên củ hơn rau, cá hơn thịt, chọn thực phẩm xấu mã, mác nhà quê, hàng nội...

0

Chị Hằng - một người kinh doanh, 43 tuổi, Ngọc Khánh, bày tỏ: "Nếu tẩy chay hết thì biết ăn gì. Ngày nào cũng có thông tin phát hiện hóa chất trong đồ ăn nọ, thực phẩm kia, ngày nào cũng có người bị ngộ độc thức ăn... Người dân chúng tôi rất lo lắng, dù Nhà nước không nói chúng tôi cũng phải tự bảo vệ mình. Loại nào có thông tin độc là không ăn nhưng còn rất nhiều loại chưa phát hiện thì biết đâu mà tránh. Trước kia tôi ra chợ thấy gì vừa mắt, muốn ăn gì thì mua nhưng giờ lại phải lựa chọn tươi, ngon mới ăn, mà tươi quá lại thấy sợ", chị Hằng cho biết.

Gia đình có con nhỏ, để an toàn hơn chị Hằng ưu tiên mua rau, củ, quả trong siêu thị và cửa hàng rau sạch. Còn các loại thịt, cá mua ngoài chợ, ăn bữa nào mua bữa đó cho tươi.

"Dù các con rất thích ăn khoai tây nhưng trước đó có thông tin khoai tây, bắp cải Trung Quốc nhiễm hóa chất, tôi cũng không mua nữa, đợi đến mùa khoai tây ta thu hoạch thì mua nhiều dự trữ. Để chắc ăn, tôi cũng không mua tất cả các loại hoa quả từ nước này", chị Hằng chia sẻ thêm.

Phản ứng tương tự là cách của chị Thương (người nội trợ, 47 tuổi, ở Thành Công). "Ngày nào tôi cũng phải nghe thời sự cộng với lúc đi thể dục, đi chợ đều trao đổi với mọi người về việc hôm nay ăn gì, cái gì độc hại cần tránh. Cho nên tôi lựa chọn thực phẩm khá tỉ mỉ, chỉ ăn đồ trong nước".

Theo bà nội trợ này, chị thường lựa chọn thực phẩm giữa và cuối mùa, không ăn thực phẩm đầu mùa. Trong bữa ăn gia đình, thịt lợn rất hạn chế. Mỗi khi ăn, chị cũng rất tỉ mỉ, rửa sạch rồi trùng qua nước sôi trước khi chế biến thành các món ăn khác nhau. Gia đình chị ăn nhiều đậu phụ, tôm nhỏ và các loại cá tươi, thịt bò, hạn chế tối đa việc mua gà tại các chợ mà thường mua từ quê ra. Vào những lúc có thông tin dịch bệnh, chị cũng không mua thực phẩm đó, có khi cả tháng không ăn.

Tuy nhiên, với một số bộ phận người ít có thời gian hay kinh tế, an toàn thực phẩm chưa phải là lựa chọn hàng đầu..

Đi chợ sớm trước khi đến cơ quan, chị Hà (nhân viên hành chính, 27 tuổi, Mỹ Đình) lựa vội bắp cải, thịt, cá, dưa chuột. Chị chia sẻ đi làm cả ngày không có thời gian nhiều cho việc ăn uống nên thường tranh thủ ra chợ sớm, chọn đồ tươi về chế biến sơ qua.

"Không như các bà bầu chú trọng việc ăn uống, tôi có rất ít thời gian nên thường đi chợ rất nhanh. Tôi vào các hàng quen, lựa đồ ưng mắt để mua. Không như người khác kiêng khem, tẩy chay, với tôi thích ăn gì thì mua, nhưng vẫn sợ mua phải hàng độc. Ngoài ra, hoa quả thì tôi thường chọn đồ Việt Nam", bà bầu 27 tuổi cho biết.

Còn với Thu (sinh viên Đại học Điện lực) luôn đặt vấn đề ăn đủ bữa, đủ chất lên đầu. "Chúng em không có điều kiện mua đồ trong siêu thị, cửa hàng rau sạch nên thường đi chợ sớm, mua đồ ngon, rẻ. Với rau thường chọn loại xấu một chút. Em thích ăn quả nên loại gì cũng mua. Dĩ nhiên vẫn đặt tiêu chí rẻ, hoa quả đẹp lên đầu. Lúc mua về chỉ cần rửa sạch rồi gọi vỏ là ăn.

"Mỗi khi nghe thông tin dịch bệnh, đồ ăn này kia có hóa chất em cũng không tẩy chay hẳn mà chỉ giảm bớt. Thực ra bây giờ biết loại nào có độc đâu mà tránh. Chúng em chỉ quan tâm đến việc đổi bữa liên tục để ăn ngon miệng hơn", Thu chia sẻ.

Tương tự, ông Luyện (47 tuổi, bảo vệ ngân hàng Láng Hạ) không quan trọng lắm việc lựa chọn thực phẩm. "Tôi là đàn ông, lại không sống cùng gia đình nên thích gì ăn nấy. Ngoài đồ ăn bà vợ tôi gửi từ quê thì mỗi khi đi chợ tôi cũng chỉ biết lựa loại nào tươi tươi một chút, biết đâu cái nào độc hay không. Thực ra còn rất nhiều đồ ăn độc mà chúng ta đang ăn nhưng không biết".

Theo một số người bán hàng, thời gian gần đây các bà nội trợ thích mua ở chợ lẻ hơn vì nhiều đồ từ quê mang ra. Rau, củ ở đây tuy xấu nhưng vẫn được ưa chuộng; thịt thường là loại có thớ mỡ dày; cá đồng, cá sông. Các chợ lẻ hoặc các gánh hàng rong này cũng bán nhiều loại hoa quả nội như chuối, đu đủ, ổi, bưởi... với giá rẻ.

"Bây giờ đi chợ từ bà nội trợ sành sỏi cho đến một chàng thanh niên ngu ngơ đều hỏi kỹ nguồn gốc thực phẩm để tránh. Trước đây tôi còn ra các chợ đầu mối nhập thêm rau, củ đẹp mắt bán kèm đồ nhà, nhưng giờ người mua lại thích đồ xấu hơn. Ví như đậu cô ve này nhà tôi trồng được, nhìn xấu mã nhưng bẻ ra rất non, lại được nhiều người thích. Hôm nay hơn 50kg đỗ mà bán chỉ vài tiếng là hết", chị Tứ - một người ở Hòa Bình mang rau vào khu vực Mỹ Đình (Hà Nội) bán cho biết.


Nguồn: Vnexpress

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]