Chuyện bỗng dưng có HCV và vượt đỉnh Olympic vẫn thất bại...

SKĐS - Đô cử Thạch Kim Tuấn dù đã đạt thành tích vượt cả mức vàng Olympic vẫn không thể chinh phục đỉnh cao châu lục.

15.6177

Mới qua những ngày đầu tiên của ASIAD trên đất Hàn Quốc, song thể thao Việt Nam đã trải qua đầy đủ các cung bậc của niềm vui và nỗi buồn, được đẩy tới tận cùng. Đô cử Thạch Kim Tuấn dù đã đạt thành tích vượt cả mức vàng Olympic vẫn không thể chinh phục đỉnh cao châu lục. Trong khi võ sĩ wushu Dương Thúy Vi giành tấm HCV rất bất ngờ. Bắn súng lại tiếp tục để xảy ra trường hợp tuột vàng vì viên đạn cuối định mệnh.

Không dám mơ lại có vàng

Toàn thắng hai trận, bóng đá nam hiên ngang vào vòng 1/8

Sau chiến thắng làm rung chuyển làng bóng túc cầu châu lục với tỷ số 4-1 trước Iran, đội tuyển bóng đá Olympic Việt Nam lại tiếp tục vượt qua một đối thủ khó khác là Kyrgyzstan 1-0 để hiên ngang tiến vào vòng 1/8 bằng tư cách đội dẫn đầu bảng. Đây mới là lần đầu tiên bóng đá nam Việt Nam vươn tới thành quả này, qua 5 lần dự tranh.

Có lẽ do đặc tính khó lường của wushu, cũng như những lần thất bại trước đó nên các nhà quản lý, huấn luyện môn này tuyệt nhiên không đả động gì đến chỉ tiêu và khả năng phấn đấu tranh vàng tại ASIAD 2014. Giới chuyên môn và người hâm mộ lâu nay đều thất vọng tràn trề với câu hỏi lớn đầy bất lực “làm sao để wushu có HCV ASIAD?”. Với 6 kỳ đại hội, wushu Việt Nam đã trải qua 2 lần trắng tay (1990 - 1994), rồi sau đó đều đặn có huy chương, chỉ có điều cao nhất cũng chỉ vươn tới bạc. Tính ra, các võ sĩ đã có tới 8 HCB, đồng nghĩa với 8 lần không chạm nổi vào ngôi cao nhất. Thậm chí lần này, cơ hội dành cho môn này bị đánh giá thấp hơn nhiều bởi lực lượng thua kém hơn trước nhiều. Thế nhưng, cuối cùng như thể một giấc mơ, wushu lại bất ngờ giành tấm HCV lịch sử do công của nữ võ sĩ 21 tuổi Dương Thúy Vi.

Võ sĩ wushu Dương Thúy Vi

Ngay từ trước cuộc đấu, cơ hội tranh chấp HCV cho võ sĩ Hà thành đã tăng lên quá nửa, phần nào đó có thể nói đó mới là phần quyết định khi nội dung của Vi không có đối thủ của “nôi” Trung Quốc. Vi đã mặc nhiên trở thành ứng viên hàng đầu và quan trọng hơn, chị đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và trên thực tế đã thực sự tỏa sáng để tận dụng một cách không thể hoàn hảo hơn thời cơ có một không hai ấy.

Chỉ đến khi kết quả cuối cùng được công bố, sự căng thẳng và lo lắng tột độ mới chấm dứt, thay vào đó là một niềm vui vỡ òa: Dương Thúy Vi đoạt HCV trong gang tấc. Li Yi cũng chỉ được 9,7 điểm ở thương thuật và Vi đã giành chiến thắng với tổng điểm cách biệt vẻn vẹn 0,02 điểm.

Điều quan trọng, Dương Thúy Vi đã giải cơn khát HCV kéo dài đằng đẵng 24 năm cho wushu Việt Nam, cũng như “mở hàng” vàng cho TTVN ở ngay ngày thứ hai.

Vượt HCV Olympic vẫn không thể đăng quang

Dù không thể đăng quang song phải thừa nhận, thành tích tổng cử 294kg mà Thạch Kim Tuấn giành được đã thực sự là một thành quả quá ngoạn mục. Bởi nó đã vượt qua mức HCV Olympic 2012 đúng 1kg và hơn mức HCV ASIAD 2010 tới 3kg. Nếu như bình thường, với 294kg, Tuấn có thể bước lên ngôi cao nhất tại mọi giải đấu, từ ASIAD đến Olympic, chứ chưa kể đến SEA Games. Càng đáng nói hơn, bởi trước đó Tuấn mới chỉ một lần chạm tới mức 293kg tại giải trẻ VĐTG trong điều kiện không có đối thủ và quá ít áp lực. Nhiều người đã rất nghi ngờ khả năng Tuấn có thể tái lập nó tại một sân chơi khốc liệt như ASIAD, vậy mà anh đã chứng tỏ đẳng cấp một cách hoàn hảo với mức tổng cử 294kg. Thực tế, sau khi kết thúc nội dung cử giật, ai cũng đã tin rằng tấm HCV đã gần như đã thuộc về Tuấn với thông số 134kg, phá kỷ lục đại hội và hơn đối thủ gần nhất tới 6kg - một khoảng cách cực khó để vượt qua. Đến nội dung cử đẩy, Tuấn vẫn thi đấu vô cùng xuất sắc khi thành công ở mức 260kg, để nâng tổng cử lên tới 294kg đủ để khuất phục mọi đối thủ nếu như không có gì quá đột biến. Thành tích này đã giúp cho Tuấn dễ dàng loại bỏ đô cử sừng sỏ từng vô địch thế giới và đang là đương kim vô địch ASIAD Wu Jing Biao (Trung Quốc) - người chỉ có thể kết thúc cuộc đấu với mức tổng cử 288kg, kém tới 6 kg.

Đô cử Thạch Kim Tuấn

Tuy nhiên, không ai có thể ngờ rằng còn có một đô cử có thể thi đấu xuất thần đến mức ấy, như tuyển thủ người Triều Tiên Chol Yun Om. Chol chỉ bằng một cú cử đẩy cuối cùng đã thay đổi hoàn toàn tình thế để không chỉ khiến Tuấn ôm hận mà còn phải chấp nhận thất bại theo cách tâm phục khẩu phục. Cụ thể, ở lần cử đẩy cuối, Chol đã thành công ở mức 170kg - phá cả kỷ lục ASIAD, Olympic lẫn thế giới để nâng tổng cử của mình lên tới 298kg, qua mặt Tuấn tới 4kg để giành tấm HCV ở nội dung 56kg - một cuộc đấu đẳng cấp và chất lượng hơn cả Olympic lẫn giải VĐTG.

Phần nào đó, Thạch Kim Tuấn cũng phải nuối tiếc bởi kết quả trong tập luyện của anh đã thường xuyên vượt qua mức tổng cử 300kg. Song, có lẽ bản thân anh, Ban huấn luyện cùng các nhà lãnh đạo của TTVN đã có thể hài lòng bởi khó có thể mong gì hơn, và chỉ còn biết than trời vì mình đã quá hay song đối thủ còn xuất sắc hơn.

Đánh rơi HCV vì viên đạn cuối “mất kiểm soát”

Việc gương mặt lạ này giành được tấm HCB nội dung 50m súng ngắn tiêu chuẩn đã là một thành quả vượt ngoài sức tưởng tượng. Thế nhưng, nếu như chỉ cần có thêm cột chút bản lĩnh và may mắn, xạ thủ sinh năm 1986 này đã có thể làm nên lịch sử cho bắn súng Việt Nam.

Chưa đến mức nghiệt ngã như đàn anh Hoàng Xuân Vinh để vuột HCV do để súng cướp cò như kỳ đại hội cách đây 4 năm, song Hoàng Phương cũng đã đánh rơi ngôi đầu với viên đạn cuối cùng kém cỏi ở mức khó tin.

Xạ thủ Nguyễn Hoàng Phương

Trước viên đạn cuối cùng trong bài bắn chung kết, Phương đang dẫn đầu với khoảng cách hơn đối thủ người Ấn Độ tới 0,7 điểm. Có nghĩa là, Phương chỉ cần bình thường như các viên trước, anh đã có thể bước lên ngôi cao nhất. Vậy nhưng, do quá căng thẳng, không thể vượt qua được áp lực bởi tiếng reo hò, cũng như giới hạn thời gian, Phương đã chỉ bắn đạt kết quả quá thấp là 5,8 điểm trong khi bình thường nhắm mắt anh cũng đạt 7 - 8 điểm, còn xạ thủ người Ấn giành 8,7 điểm. Chung cuộc, tuyển thủ Việt Nam phải nhường tấm HCV cho đối thủ, còn mình nhận tấm HCB trong sự nuối tiếc khôn cùng.

Sau khi để vuột HCV theo cách đầy nghiệt ngã, chính Phương cũng chẳng hiểu sao mình lại yếu bóng vía đến vậy. Anh thừa nhận mình đã tự đánh mất mình đúng vào thời khắc quyết định, rơi vào tình cảnh “mắt nhòe - tim đập - tay run” rồi chỉ có thể bắn giống như một xạ thủ nghiệp dư hệt như hồi mới tập luyện, thi đấu.

Càng đau hơn cho Phương và cả bắn súng Việt Nam bởi chính cú để vuột HCV của anh đã phần nào đó tạo ra nỗi ám ảnh và sức ép tâm lý lên các đồng đội, kể cả những lão tướng như Xuân Vinh. Và bắn súng Việt Nam sau đó đã liên tiếp thua nặng ngay ở một số nội dung thế mạnh sở trường, rõ nhất như 10m súng ngắn hơi - nơi Xuân Vinh từng đoạt HCV và phá kỷ lục thế giới. 

Xuyến Chi

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]