Có lần một bệnh nhân đến phòng khám trong tình trạng huyết áp khá thấp: 80/50 mmHg kèm với biểu hiện mặt xanh, bụng đau quặn từng cơn, chóng mặt nhiều. Bệnh nhân cho biết đã bị tiêu chảy hai ngày do ăn ốc luộc ở lề đường với người yêu và đã tự điều trị tại nhà nhưng không khỏi mà rơi vào trạng thái trên. Đây cũng là một trong những bệnh nhân điển hình của tình trạng “bỗng dưng… tuột huyết áp”.

Người bị tuột huyết áp thường có triệu chứng choáng váng, chóng mặt, mặt xanh, khó chịu, bứt rứt. Các triệu chứng này có khi diễn ra khá rầm rộ khiến người bệnh mệt mỏi không chịu nổi và phải nhập viện ngay - tuột huyết áp cấp tính. Nhưng cũng có khi bệnh diễn tiến rất khiêm tốn bằng cách chỉ gây hoa mắt, chóng mặt, khó chịu một chút - tuột huyết áp mạn tính. Các triệu chứng tuột huyết áp còn hay đi kèm với các bệnh nền như: tiêu chảy, đau bụng, sốt cao, lạnh run, hay các bệnh mạn tính khác như viêm phế quản mạn, xơ gan, suy tim, ung thư, tiểu đường

Người trên 40 tuổi nên đi khám định kỳ để đề phòng bệnh tuột huyết áp khi có triệu chứng khả nghi. Ảnh: HTD

Việc khám bệnh kỹ càng, đo huyết áp đúng phương pháp sẽ giúp thầy thuốc phát hiện bệnh và có cách điều trị hiệu quả. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là một số trường hợp có rất nhiều triệu chứng giống như trên nhưng bệnh nhân không bị tuột mà ngược lại bị cao huyết áp. Bởi vậy, người khám chỉ được phép kết luận tuột huyết áp khi kết quả đo huyết áp dưới 90 mm thủy ngân.

Có khá nhiều nguyên nhân gây “bỗng dưng… tuột huyết áp”. Thông thường, chứng tuột huyết áp có thể do một bệnh cấp tính gây mất dịch trong cơ thể như tiêu chảy, ói mửa nhiều, say rượu… nhưng cũng có một số người hay bị tuột huyết áp tư thế. Họ bị hoa mắt, chóng mặt khi đang nằm mà ngồi dậy, hoặc thay đổi tư thế đột ngột. Tình trạng này hay xảy ra vào buổi sáng sớm, bệnh nhân cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, tim đập nhanh và vã mồ hôi trong vài phút rồi hết. Tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng bệnh gây khó chịu và làm giảm sút chất lượng cuộc sống.

Để phòng ngừa tuột huyết áp, cách quan trọng nhất là đừng để mắc các bệnh cấp tính làm mất dịch nhiều như tiêu chảy, nôn ói...; không uống quá nhiều rượu, không ăn kiêng thái quá; tránh thay đổi tư thế quá đột ngột, nhất là buổi sáng khi mới thức dậy. Với một số người bị tuột huyết áp vô căn thì có thể tập dưỡng sinh, yoga để cải thiện hệ tuần hoàn. Người bệnh cần có chế độ ăn uống hợp lý, đầy đủ chất dinh dưỡng và phù hợp với lứa tuổi.

Thêm vào đó, người mắc chứng “bỗng dưng… tuột huyết áp” cũng nên chữa trị tốt những bệnh mạn tính đã mắc phải như tiểu đường, suy gan, viêm phế quản mạn tính… Những người trên 40 tuổi mỗi năm nên khám sức khỏe định kỳ hai lần để kịp thời điều chỉnh những rối loạn trong cơ thể, chặn đứng những nguy cơ có thể dẫn đến tuột huyết áp bất ngờ.

PGS-TS NGUYỄN HOÀI NAM, BV Đại học Y dược TP.HCM

. Tại sao có những người mắc bệnh trên nhưng đi khám nhiều nơi mà bác sĩ vẫn không phát hiện bệnh. Có phải các thầy thuốc này chuyên môn kém?

+ Sai. Với một số bệnh nhân tuột huyết áp mạn tính, triệu chứng chỉ thoáng qua; khi đi khám, kết quả đo huyết áp của họ hoàn toàn bình thường nên bác sĩ rất khó phát hiện bệnh.

. Những người gầy yếu dễ tuột huyết áp?

+ Đúng. Những người “bỗng dưng tuột… huyết áp” thường có thể trạng gầy, xanh xao một chút. Phần nhiều là những cô gái trẻ có type thần kinh nghệ sĩ, nhạy cảm với các cảm xúc “âm tính” của cuộc sống.

. Nhịn đói dễ tuột huyết áp?

+ Đúng. Người bị bệnh này phải tránh không để đói bụng quá, ngủ đủ và nên tập thể dục thường xuyên. Nếu nhịn đói, ăn kiêng thái quá sẽ bị bệnh tấn công ngay.


Video đang được xem nhiều