Chuyện chưa đẹp ở một lễ hội…

(TT&VH) - Tuy không nổi tiếng như một số lễ hội cầu danh cầu lộc khác ở Nam Định như chợ Viềng, đền Trần, Phủ Giày… nhưng lễ hội chùa Đại Bi (gọi nôm là chùa Bi ở xã Nam Giang - Nam Trực - Nam Định) là một lễ hội văn hóa có truyền thống lâu đời diễn ra vào 3 ngày 20, 21, 22 tháng Giêng âm lịch hàng năm..

0
Vừa rồi, tôi có được tham dự lễ hội chùa Bi, lễ hội nổi tiếng các vùng xung quanh với câu ca: “Hai mươi phát tấu chùa Bi/ Trai đi được vợ, gái đi được chồng”. Ở đây có một loại hình nghệ thuật cổ truyền cực kỳ đặc biệt vẫn còn được bảo tồn là Trò Ổi lỗi (các nhà nghiên cứu gọi tạm là Rối Đầu Gỗ), tức là nghệ thuật múa rối cạn “hầu thánh”. 12 tượng đầu rối được các nghệ nhân cầm múa và hát 36 bài hát lời cổ để tế trong lòng chùa. Nghệ thuật diễn xướng này tương truyền có từ thời Lý, 36 bài ca cổ truyền hát kéo dài tới 5 tiếng đồng hồ, trong đó lưu giữ rất nhiều tinh thần của văn hóa âm nhạc, đời sống tinh thần của con người vùng Sơn Nam hạ ngày trước (Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình…)
 
Đánh cờ trước cổng tam quan trong lễ hội chùa Bi -
một hoạt động văn hóa phù hợp với Lễ hội

Xem các cụ trong phường rối diễn trò Ổi lỗi, lúc giải lao, tôi đi ra ngoài sân chùa, tôi thấy rất bức xúc trước một số hiện tượng diễn ra ngoài cổng chùa. Dân tình có nhiều người đến xem hội chỉ chúi mũi vào các quầy hàng xén bán đồ chơi, đồ lưu niệm rẻ tiền. Nhưng nhiều nhất là những “vui chơi có thưởng” đầy tính ăn thua. Chẳng hạn trò “cua cá bầu”: Người cầm cái dùng 3 con xúc xắc 6 mặt, có in hình con cua, con cá, bầu rượu, con hươu… xóc xóc. Người chơi đặt tiền vào hình vẽ trên giấy hình 6 cửa trên, con xúc xắc mở đúng mặt nào thì mặt ấy được ăn tiền. Đếm sơ qua, thì cả thảy ngoài bãi bóng trước cửa chùa có tới vài chục bàn chơi trò này. Một trò “vui chơi có thưởng” khác (cả sân duy nhất trò này, nhưng lại làm ảnh hưởng nhiều nhất) là trò sổ xố bóc. Sân chơi xổ số bóc có tấm băng rôn to đề chữ “xổ số vui xuân Hà Nam”, sân chơi này mở nhạc và âm thanh rất to, người dẫn chèo kéo oang oang trên loa, át cả tiếng nhạc trong chùa.

Đó là chuyện ngoài vòng của cuộc lễ. Sáng ngày 21 tháng Giêng, tức là ngày 14/2, mới diễn ra lễ chính, là cuộc tế thánh của ba thôn Vân Tràng, Giáp Tư, Giáp Ba. Sau khi đoàn rước của ba thôn tề tựu đông đủ, chầu trước ngai thánh (ba thôn thờ chung đức thánh Từ Đạo Hạnh, khám thờ đặt trong chùa Bi), thì ban tổ chức lại “cài” một chương trình văn nghệ vào. Chương trình này có các cô mặc áo dài áo ngắn hướng mặt vào khán giả (tức là quay lưng vào ngai thánh), hát những bài ca cả mới và cũ trước khi các cụ chính thức tế. Chương trình văn nghệ “cài đặt” vào cuộc lễ như vậy có phần không hợp. Chưa kể, một số người xem phải bụm miệng cười khi mấy cô được bố trí hát bài quan họ Mời trầu, có bưng khay trầu thật xuống mời quan khách, trong đó có một số vị sư và hầu hết là các cụ 70, 80 tuổi. Các em vẫn thản nhiên hát: “Anh còn son, em vẫn còn son…”, bắt quan khách phải nhón một miếng mới đi.

Đây cũng không phải là hiện tượng hiếm hoi ở các lễ hội đầu xuân hiện nay. Thiết nghĩ BTC các lễ hội còn xem xét, điều chỉnh.

Hà Châu (Phủ Lý, Hà Nam)

15.5827--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]