Chuyện làm du lịch ở làng

Mười năm trước đây, thật khó tưởng tượng đến một ngày huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) trở thành nơi thu hút khách du lịch tìm đến như bây giờ.

0

Chuyện làm du lịch ở làng


Các công ty lữ hành kiếm tìm famtrip (hình thức du lịch làm quen, tiếp thị) mới, các nhà đầu tư chọn kế hoạch khai thác tiềm năng, và những người Cơ Tu bản địa cũng đã bắt đầu làm du lịch bằng cách kể câu chuyện văn hóa của làng.



Theo đoàn famtrip

Thôn Bhơ Hôồng và Đhrôồng, như đã được “đánh tiếng” từ rất lâu trước khi bắt đầu cuộc trình làng cách đây hơn một tháng, giờ đã đâu vào đấy những “tiện nghi du lịch”. Ngôi làng giữa trập trùng đại ngàn bên cạnh những mái moong đơn sơ truyền thống của người Cơ Tu giờ đã xuất hiện moong vila (biệt thự kiểu Cơ Tu), dịch vụ homestay, sản phẩm du lịch và cả những “di sản” văn hóa độc đáo ngay trong lòng cộng đồng.

Bắt đầu từ đồi chè Quyết Thắng, con mắt của những người làm du lịch sẽ ngạc nhiên khi bị cuốn hút theo những ý tưởng chưa hề được khai thác ở Đông Giang: làm trà gói thương hiệu liên kết cùng các đơn vị khác, hoặc cho du khách làm “lao công trên nông trường chè”… Tiếp tục với di sản sống Y Kông của núi rừng. Chỉ để nghe vợ chồng nghệ sĩ già Y Kông song tấu những điệu nhạc dân ca Cơ Tu bằng tất cả các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình.

Gặp gỡ đồng bào bản địa, sống trong ngôi làng truyền thống “chuẩn”, môi trường trong lành, khám phá núi rừng, phong tục và những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào, ẩm thực phong phú với rất nhiều đặc sản… là những trải nghiệm thú vị cho du khách khi ghé chân những ngôi làng du lịch ở vùng cao Đông Giang. Không còn manh mún, nhỏ lẻ và thiếu tầm nhìn chiến lược như những ngày đầu bắt tay vào “làm du lịch”, mô hình làng du lịch cộng đồng được đầu tư bài bản và chuyên nghiệp đã tạo nên một diện mạo mới cho bản làng.

Đồng thời, mang đến một hướng đi mới cho vùng cao trong việc tận dụng tiềm năng dồi dào chưa được đánh thức. Những sản phẩm du lịch độc đáo như homestay, khám phá văn hóa bản địa, tour trekking… phần nào phác họa nên “làng du lịch”, một hình ảnh hoàn toàn mới của bản làng miền ngược.

Ông Lê Duy Thắng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết: “Bằng cách đưa du lịch vào cộng đồng, hình ảnh bản làng truyền thống cùng những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào bản địa không chỉ được bảo tồn, quảng bá đến du khách, mà còn là hướng đi giúp đồng bào thoát nghèo trên chính ngôi làng của mình”.

Công dân du lịch

Từ ngày “làm du lịch” ngay tại chính không gian sống của mình, những người dân vùng cao cũng bắt đầu học hỏi về giao tiếp, cũng như giữ gìn hình ảnh của dân tộc mình, của ngôi làng mình trong mắt du khách. Già làng Bríu Danh (thôn Bhơ Hôồng) trong vai trò hướng dẫn viên đoàn khách mạo hiểm nói: “Giới thiệu làng mình, văn hóa dân tộc mình, núi rừng của mình cho du khách, bà con trong làng cảm thấy tự hào lắm.

Còn có thể kiếm tiền từ những công việc hằng ngày của mình nữa, ai cũng muốn tham gia”. Công việc của vị già làng hơn 80 tuổi này là trong sắc phục của người Cơ Tu, mang giáo trên vai và hướng dẫn khách hành quân vào rừng.

Đến gốc cây tà vạt, già hướng dẫn cách lấy nước để làm rượu tà vạt công phu như thế nào, chọn buồng non mới có nước rượu nhiều… hoặc giới thiệu về con suối, hang hốc và sẵn sàng dạy bơi nếu khách muốn thử.

Cũng như già làng Bríu Danh, người dân thôn Bhơ Hôồng, Đhrôồng hôm nay không chỉ biết đón khách, biết kể về bản làng, về dân tộc mình, mà còn bày dạy cho nhau cách hướng dẫn khách tham quan bản làng, tham gia vào những hoạt động sản xuất truyền thống và bán những sản phẩm thủ công mỹ nghệ do chính mình làm ra.

Chị B’riu Treng, sau nhiều lần ngược xuôi hội thảo, tham gia hội chợ miền Trung, Huế, Hội An, cộng với các lớp tập huấn chuyên nghiệp, đã rành rọt cách tính toán làm ăn. Chị bảo: “Nhờ sự vận động của tổ chức ILO khi đầu tư làm du lịch cộng đồng mà phụ nữ Cơ Tu chúng tôi biết tính toán.

Chồng cũng ủng hộ bằng cách làm giúp việc nhà để vợ làm du lịch. Chúng tôi học tính toán để biết làm ra những sản phẩm dệt thổ cẩm đặc trưng của làng chúng tôi nữa chứ”. Còn những em bé của làng sau giờ học lại tập trung về gươl múa tâng tung da dá phục vụ du khách.

Các em cũng tham gia lớp tiếng Anh giao tiếp ngay tại làng để trao đổi với người nước ngoài. “Những đổi thay này đã đánh dấu sự phối hợp từ phía chính quyền, người làm du lịch và sự hỗ trợ từ phía dự án ILO, cũng như mang về một số tín hiệu tốt để có thể kỳ vọng cho du lịch Đông Giang, đánh thức tiềm năng dồi dào ngay trong lòng cộng đồng người Cơ Tu” - ông Lê Duy Thắng nhấn mạnh.


Anh Trâm- Thành Công/ baoquangnam.com
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]