Có nên tự bổ sung chế phẩm i-ốt phòng nhiễm phóng xạ?

Người bị phơi nhiễm phóng xạ, bị chiếu xạ bởi liều cao vượt quá mức cho phép sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.

15.5972
Nhiều bạn đọc gửi thư đến tòa soạn Báo Phụ Nữ nhờ tư vấn về việc tự bổ sung chế phẩm i-ốt phòng nhiễm phóng xạ. PGS-TS Mai Trọng Khoa, Phó giám đốc BV Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu - BV Bạch Mai, Hà Nội trả lời những băn khoăn này.

Người bị phơi nhiễm phóng xạ, bị chiếu xạ bởi liều cao vượt quá mức cho phép sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Sự phơi nhiễm phóng xạ có thể là do nhiễm xạ bởi  các nguồn phóng xạ từ bên ngoài cơ thể như các máy phát tia xạ, các đồng vị phóng xạ bám dính trên da, quần áo, vật dụng... hoặc có thể chất phóng xạ xâm nhập vào bên trong cơ thể do hít, uống, ăn, hay xâm nhập qua vết thương...

Khi xảy ra các sự cố, tai nạn hạt nhân thì các chất phóng xạ thoát ra môi trường gồm nhiều loại, trong đó có hai chất ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe là i-ốt phóng xạ I-131 và Cs-137. Đặc biệt là i-ốt phóng xạ được "quan tâm" do sự tăng mạnh ung thư tuyến giáp, nhất là đối với trẻ em. Những rủi ro do việc nhiễm I-131 nặng có thể giảm thiểu bằng việc uống viên i-ốt, hạn chế dùng các thực phẩm trong vùng bị nạn...

Như vậy, sau sự cố hoặc tai nạn hạt nhân sẽ có nhiều chất phóng xạ thoát ra, trong đó có  khí i-ốt phóng xạ. Lúc đầu chất phóng xạ làm nhiễm xạ không khí và sau đó thành bụi lắng phóng xạ tại chỗ hoặc một vùng rộng lớn. Tuyến giáp người bình thường có thể hấp thu i-ốt qua nhiều đường khác nhau như từ thức ăn, nước uống, không khí... Khi i-ốt vào cơ thể, ví dụ qua đường tiêu hóa, nó sẽ vào dòng tuần hoàn, rồi tập trung chủ yếu tại tuyến giáp và tồn tại ở đó vài ngày đến vài tuần.

Nếu i-ốt phóng xạ (I-131...) vào được tuyến giáp thì tia phóng xạ của I-131 (tia gamma, đặc biệt tia beta) sẽ có thể làm tổn hại tuyến giáp hoặc gây ung thư tuyến giáp. Do tuyến giáp không phân biệt được i-ốt thường (không phóng xạ) hay là i-ốt phóng xạ (I-131...) và chỉ có thể hấp thụ một lượng hạn chế i-ốt, nên nếu ta chủ động đưa trước i-ốt thường với một liều lượng thích hợp (qua đường uống) thì i-ốt này sẽ tập trung chủ yếu tại tuyến giáp mà không vào hoặc vào rất ít các cơ quan khác trong cơ thể.

Điều đó sẽ làm tuyến giáp được bão hòa i-ốt nên giảm, hoặc ngừng không hấp thu I-131 trong một khoảng thời gian nhất định. Cho nên nếu sau đó có i-ốt phóng xạ xâm nhập vào cơ thể thì nó sẽ không còn cơ hội tập trung tại tuyến giáp. Lượng i-ốt phóng xạ này sẽ được cơ thể đào thải nhanh qua con đường tự nhiên (nước tiểu...), nhờ vậy chúng ta có thể tránh được nguy cơ ung thư tuyến giáp một cách chủ động.

Các dạng chế phẩm có chứa i-ốt thường ở dạng dung dịch, sirô, viên nén với các hàm lượng thích hợp sẽ được dùng cho các lứa tuổi khác nhau. Nếu xảy ra sự cố hạt nhân, cơ quan có thẩm quyền về bức xạ sẽ khuyến cáo dân chúng trong vùng uống các chế phẩm có chứa i-ốt ngay sau khi xảy ra sự cố hạt nhân để phòng tránh các tác hại do phóng xạ (I-131) gây ra.

Tại thời điểm hiện nay, ở Việt Nam đã xuất hiện i-ốt phóng xạ (I-131) ở nhiều vùng khác nhau, nhưng ở mức rất thấp so với giới hạn an toàn cho phép và chưa ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Chính vì vậy chúng ta chưa phải dùng các chế phẩm có chứa i-ốt. Chúng ta cần theo dõi sát các diễn biến của các sự cố hạt nhân và cơ quan có thẩm quyền (Bộ Y tế, Bộ Khoa học công nghệ…) sẽ có thông báo và khuyến cáo chính thức nên dùng chế phẩm i-ốt hay không.

Theo Trúc Khuê - PNO

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]