Cỏ siêu ngọt có trị được bách bệnh?

GiadinhNet - Thời gian gần đây, dư luận xôn xao bởi sự xuất hiện của loại cỏ siêu ngọt được cho là ngọt gấp 200 - 300 lần so với đường sản xuất từ mía.

0
Thông tin đồn đại về công dụng trị bách bệnh của cỏ siêu ngọt lan truyền rất nhanh khiến nhiều người săn lùng khắp nơi tìm cho bằng được…
 

Giáo sư, Viện sĩ Trần Đình Long trồng cây cỏ ngọt trên sân thượng.?Ảnh: LX

 
Ngọt gấp 300 lần đường sản xuất từ mía

Trước những thông tin đồn thổi đó, PV Báo GĐ&XH Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với Giáo sư, Viện sĩ Trần Đình Long (Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam).
 
Viện sĩ Trần Đình Long cho biết: "Thực chất đó là cây cỏ có tên La tinh là Stevia rebaudiana, còn ở ta thì có nhiều tên gọi khác nhau như: cỏ ngọt, cúc ngọt, cỏ mật. Đây là một loại cỏ sống lâu năm, mỗi gốc có nhiều cành, nếu để mọc tự nhiên cây có thể cao đến 100cm. Cành non và lá đều phủ lông trắng mịn, lá mọc đối, hình mũi mác, dài 30-60mm, rộng 15-30mm, có 3 gân chính xuất phát từ cuống lá. Mép lá có răng cưa ở nửa phần trên. Cụm hoa hình đầu, mỗi tổng bao có chứa 5 hoa nhỏ, tràng hình ống, màu trắng ngà, có 5 cánh nhỏ. Hoa dài 10-12mm. Có hai vòi nhụy dài thò ra ngoài. Hoa có mùi thơm nhẹ, hình dáng giống hoa cỏ Lào, nhưng nhỏ hơn nhiều. Mùa hoa từ tháng 10 năm trước đến tháng 2 năm sau. Toàn thân cây có vị ngọt, nhiều nhất ở lá, lá già chết khô ở dưới nhưng cuống rất dai nên không rụng nên vẫn còn vị ngọt. Cỏ ngọt sinh sản hữu tính qua gieo hạt và vô tính qua giâm cành, là cây ưa ẩm, ưa sáng nhưng sợ úng và chết khi ngập nước. Năng suất hằng năm khoảng 2- 4 tấn lá khô trên mỗi hécta, thu hoạch 3 - 4 đợt".

Viện sĩ Trần Đình Long cũng cho biết, cây cỏ ngọt có hàm lượng steviozid (một glucozid) lớn nên có vị ngọt gấp 250-300 lần đường kính. Trong cành lá của cỏ ngọt chứa khoảng 1,5% chất ngọt (trong lá chứa khoảng 6-7% chất ngọt).
 
Như vậy, 100g cỏ ngọt khô có lượng chất ngọt tương đương 400- 450g đường kính. Bộ phận dùng để thay thế đường kính là cành lá của cỏ ngọt. Khi đoạn cành dài khoảng 20- 25cm thì bắt đầu cắt cành, trung bình mỗi tháng một lần thu hoạch. Sau khi cắt lấy cành lá của cỏ thì mang phơi hoặc sấy khô, dùng lá khô đó đun lấy nước để chế biến vào các thực phẩm cần vị ngọt hoặc có thể thả trực tiếp một nhúm lá khô cho vào thực phẩm.
 
Nước đun từ lá cỏ ngọt có màu sánh như mật ong và vị ngọt rất dễ chịu, đọng vị lâu trong miệng. "Có thể dùng trực tiếp từ cành lá cỏ ngọt tươi sau khi hái nhưng dùng lá tươi thì hàm lượng chất ngọt không bằng lá khô. 6kg cành lá tươi mới được 1kg cành lá khô nên cành lá khô ngọt hơn nhiều so với cành lá tươi", viện sĩ Long nói.
 

Cỏ ngọt khi đã phơi khô.


Đường "không năng lượng" quý hiếm

Tuy nhiên, giáo sư Trần Đình Long cũng khẳng định, loại cây cỏ ngọt quý này không phải là "thần dược" trị bách bệnh như dư luận đồn thổi.
Cỏ ngọt và đường tinh thể chiết xuất từ cỏ ngọt không có tác dụng chữa bệnh, mà đơn thuần chỉ là chất tạo vị ngọt quý vì nó không sản sinh năng lượng khi vào cơ thể (trong khi đó, đường kính sản xuất từ mía có hợp chất saccharoza là chất sinh năng lượng lớn khi vào cơ thể).
 
Vì vậy, cỏ ngọt cũng như đường chiết xuất từ cỏ ngọt cực kỳ thích hợp đối với những người phải kiêng ngọt như người mắc bệnh tiểu đường, người bị cắt dạ dày, người béo phì. Thậm chí, cả các trường hợp phải kiêng dùng cam thảo có vị ngọt như người có bệnh tim mạch, cao huyết áp... thì hoàn toàn có thể dùng cỏ ngọt thay thế. "Dùng cỏ ngọt hoặc đường tinh thể chiết xuất từ cỏ ngọt sẽ không gây sâu răng, có tác đụng điều hòa huyết áp, giảm cholesterol trong máu không gây máu nhiễm mỡ...", Viện sĩ Long cho hay.

Tuy nhiên, cỏ ngọt mới được phơi khô sau thu hoạch thường có mùi ngái của cỏ, vì thế nếu người không thích vị ngái đó thì hoàn toàn có thể khử mùi bằng cách phun nước làm ẩm đều trên cỏ ngọt khô, cho vào túi kín, ủ trong 2-3 ngày rồi đem phơi hoặc sấy khô. Không chỉ được dùng thay thế hoàn toàn đường mía trong thực phẩm hàng ngày, mà trong công nghiệp thực phẩm, cỏ ngọt được các nước trên thế giới dùng để pha chế làm tăng độ ngọt mà không làm tăng năng lượng của thực phẩm. Ngoài ra, loại cây này còn được thế giới dùng trong chế biến mỹ phẩm như sữa làm mượt tóc, kem làm mềm da. Nó vừa có tác dụng nuôi dưỡng tất cả các mô, tái tạo làn da mới vừa chống nhiễm khuẩn, trừ nấm.

Chỉ 2, 3 cọng cỏ là đủ ngọt cho ấm trà

Tuy trong cỏ ngọt có chứa hàm lượng lớn chất ngọt không sản sinh calo khi đi vào cơ thể nhưng hàm lượng chất ngọt này nhiều hay ít phụ thuộc phần lớn vào điều kiện trồng, kỹ thuật chăm bón.
 
Theo viện sĩ Trần Đình Long thì tiêu chuẩn lá cỏ ngọt khô không đơn giản, thứ nhất giống cây phải có hàm lượng Steviozid (chất ngọt) trên 60%; sau đó qua quy trình canh tác thì cây cũng phải cho hàm lượng chất ngọt tối thiểu như trên thì mới đảm bảo chất lượng. "Có thể khi kiểm tra trên cây giống thì hàm lượng chất ngọt đạt tiêu chuẩn nhưng quá trình canh tác, hàm lượng đó lại tụt dần. Còn về tỉ lệ cành lá thì tỉ lệ cọng là 5%, tỉ lệ lá phải đạt 95%; độ ẩm của lá từ 10 - 12%, cây không bị sâu bệnh, v.v... Đất trồng cỏ ngọt phải là loại đất thịt nhẹ hoặc đất cát pha, nhiệt độ môi trường trồng chỉ trung bình từ 150C - 350C. Điều quan trọng nữa là phải thu hoạch trước khi cây ra hoa, còn khi cây đã ra hoa thì coi như hỏng bởi hàm lượng đường lúc đó rất thấp", ông Long chia sẻ.

Cũng hơn chục năm nay, giáo sư Trần Đình Long đã nhân giống cỏ ngọt thành khu vườn lớn ngay trên nóc tầng 5 ngôi nhà của gia đình. Ông là người đầu tiên nghiên cứu cây giống cỏ ngọt khi được mang về nước và cũng là người đầu tiên trồng cỏ ngọt tại nhà, sử dụng cỏ ngọt thay thế hoàn toàn cho đường mía từ hơn chục năm nay. "Với vị ngọt gấp khoảng 300 lần so với đường thông thường nên rất nhiều các loại nước uống như trà, chè, nước giải khát chỉ cần cho 2, 3 cọng cỏ ngọt là đủ"- Giáo sư Long cho biết.

Du nhập vào Việt Nam từ năm 1988 nhưng cho đến nay, cây cỏ ngọt đặc biệt quý hiếm này dường như vẫn "nằm yên trong bóng tối". Vì thế, khi có tin đồn về loại cây cỏ siêu ngọt, hầu hết người dân Hà Nội đều lầm tưởng đó là giống cây quý mới nhập về Việt Nam và đua nhau săn tìm mà vẫn không tìm được.
 
Giải thích về nguyên nhân dù đã có mặt ở Việt Nam từ hàng chục năm trước, đã nhân giống thành công ở trong nước mà loại cỏ quý này vẫn chưa được phổ biến rộng rãi để người dân sử dụng, Giáo sư Trần Đình Long cho hay: "Nếu chỉ trồng đơn thuần trong vườn nhà để sử dụng trong hộ gia đình thì đơn giản nhưng để chế biến được thành đường tinh thể thì đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc rất cao, nên nhiều năm rồi mà vẫn không phát triển quy mô được. Để chiết xuất được thành đường tinh thể thì phải có quy mô khép kín, một đội ngũ công nhân chuyên trồng bón cây với kỹ thuật khắt khe thì mới đảm bảo chất lượng. Chưa kể, để chế biến được thành đường tinh thể thì phải có dây chuyền sản xuất, chi phí thấp nhất để xây dựng nhà máy phải khoảng 3 triệu USD".
 
Cỏ ngọt được thế giới biết đến từ năm 1908. Hai nhà khoa học Reseback và Dieterich đã chiết xuất được glucozit từ lá cỏ ngọt. Đến năm 1931, Bridel và Lavieille mới xác định được glucozit đó chính là steviozit, chất cơ bản tạo nên độ ngọt ở loại cây này. Steviozit sau khi thủy phân sẽ cho 3 phân tử steviol và isosteviol. Chất steviol ngọt gấp 300 lần đường saccaroza, ít năng lượng, không lên men, không bị phân hủy mà hương vị thơm ngon, có thể dùng để thay thế đường trong chế độ ăn kiêng.
Du nhập vào Việt Nam từ năm 1988 nhưng cho đến nay, cây cỏ ngọt đặc biệt quý hiếm này dường như vẫn "nằm yên trong bóng tối". Vì thế, khi có tin đồn về loại cây cỏ siêu ngọt, hầu hết người dân Hà Nội đều lầm tưởng đó là giống cây quý mới nhập về Việt Nam và đua nhau săn tìm mà vẫn không tìm được.
 
 
Lã Xưa
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]