Cuộc trở về ý nghĩa

Ra lệnh hành quyết dù đó là cha vợ của vua, buổi phán xét lịch sử đó đã làm nhân dân ngưỡng mộ tấm lòng vì nước, vì dân chống cường quyền tham nhũng của Tả quân Lê Văn Duyệt. Từng lời thoại, từng hành động gần như chiếm hết tâm hồn của Quyền Linh khi anh tập vở Người mang chín án tử hình

0
Tự hào là người đồng hương Trong lễ viếng Lăng ông Lê Văn Duyệt tại khu văn hóa Bà Chiểu – Bình Thạnh của Nhà hát Kịch TPHCM được tiến hành sáng 26-6, Quyền Linh là người đến sớm vào lăng thắp hương lễ bái và trò chuyện với ban quý tế để tìm hiểu về nhân thân cũng như những huyền thoại về đức tả quân. Một khám phá thú vị đối với tất cả các thành viên tham gia tác phẩm này là Quyền Linh đã sinh ra trên chính quê hương của Tả quân Lê Văn Duyệt, đó là xã Long Hưng, huyện Vĩnh Kim, tỉnh Tiền Giang. Điều bất ngờ này đã làm cho toàn thể diễn viên cảm thấy như mối lương duyên được sắp đặt trước, bởi sau nhiều lần thay đổi kế hoạch mời diễn viên vào vai Lê Văn Duyệt, cuối cùng NSND Doãn Hoàng Giang đã chọn Quyền Linh. Khi thắp hương tưởng niệm cùng đoàn, Quyền Linh đã thật sự xúc động, tâm trạng anh bồi hồi, niềm vui, niềm tự hào đã chen lẫn với sự lo sợ khi áp lực công việc tập dượt đè nặng trên vai anh. Quyền Linh tâm sự: Qua trao đổi với ông Trần Văn Sung, Trưởng Ban Quý tế Lăng ông Lê Văn Duyệt, tôi được biết thêm nhiều thông tin bổ ích về tả quân. Khi sinh ra, ông là người bất túc (bán nam, bán nữ). Bất hạnh của riêng ông đã không dẫn đến những bi kịch làm lu mờ thanh thế con người khảng khái, trung kiên. Ông đã vượt qua bất hạnh để trở thành một tướng lãnh uyên bác, quyết đoán, mưu lược. Đọc kịch bản của tác giả Phạm Văn Quý, sau đó được NSND Doãn Hoàng Giang phân tích, tôi đã sáng ra một suy nghĩ để xây dựng hình tượng nhân vật tả quân, đó là một con người không chỉ yêu thương dân mà còn dám đấu tranh chống bọn cường quyền để bảo vệ nhân dân. Thật tự hào khi biết thêm một chi tiết: Ngày 28 Tết Đinh Hợi, Lăng ông Bà Chiểu đã tiếp nhận bức tượng rất quý Đức ông Tả quân Lê Văn Duyệt được đúc bằng đồng nặng 3 tấn, cao 2,7 m do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và gia đình ông Bàng Quang Huệ trao tặng, phỏng đoán tượng đồng này trị giá 8 tỉ đồng. Hằng năm, vào mùa lễ viếng, hàng triệu du khách thập phương đã đến thắp hương tưởng niệm ông. Trong khu lăng mộ được xây dựng năm 1848 có hai ngôi mộ: Tả quân Lê Văn Duyệt và vợ ông – bà Đỗ Thị Phận. Tôi đã khấn nguyện: “Đây là cơ hội để con khẳng định sự trở về với sân khấu kịch sau nhiều năm bôn ba ở các lĩnh vực nghệ thuật khác và cơ duyên trở về đã cho con vai diễn về Đức ông, con xin nguyện thể hiện hết sức mình để xứng đáng với tấm lòng tôn kính của nhân dân đối với công đức của Tả quân”. Chất nông dân có hợp với vai tướng lãnh? Câu hỏi này đã được nhiều nhà báo đặt ra khi hay tin NSND Doãn Hoàng Giang chọn Quyền Linh đóng vai Lê Văn Duyệt. Riêng với Quyền Linh câu trả lời chính là lòng tự tin. Trong kịch bản, nhân vật tả quân được xây dựng rất chân thật. Không hề có sự kiểu cách, rời xa người dân mà rất đỗi dung dị, gần gũi như tính cách nông dân. Chính vì muốn dựng kịch lịch sử theo cách kể của những con người yêu mến lịch sử dân tộc, không nặng phần tái hiện lịch sử trên sân khấu, vì vậy tính cách của Lê Văn Duyệt trở nên thân quen, dễ dàng tìm được sự đồng cảm nơi Quyền Linh. Trong kịch đã xây dựng một Lê Văn Duyệt có tài an dân, giữ vẹn lãnh thổ, bảo vệ biên giới. Uy dũng của nhân vật đã được các nước lân bang biết tiếng. Quyền Linh cho biết: “Trong kịch nhân vật còn biểu hiện một tính cách rất phi thường, đó là cảm hóa những con người bị đánh giá là du thủ, du thực như những tên cướp ngang tàng, những tay giang hồ chẳng sợ ai, biến họ thành những kẻ trung quân, phục vụ đất nước và xem quyền lợi của nhân dân là trên hết. Lần đầu tiên tôi được tham gia kịch lịch sử, lại đối diện một vai kịch có sức nặng tâm lý và biến đổi trạng thái với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, do vậy mà tôi đã thật sự lúng túng trong những ngày đầu lên sàn tập, nhưng rồi sau đó tôi đã lấy lại sự tự tin. Cố gắng không va vấp trong thoại, tiết giảm sự rề rà vốn đã là cố tật trong việc dẫn chương trình để vào vai kịch đầy chất khảng khái và có cái thần nhất định trong mỗi tình huống. Còn quá sớm để nói rằng tôi sẽ thể hiện tròn vai hay xuất sắc, nhưng tôi tin sự chân thật của sân khấu là mối hài hòa giữa thật và giả theo các quy luật của loại hình, mà nói theo nghệ sĩ Doãn Hoàng Giang thì giải quyết mối quan hệ giữa thật và giả để người xem tin thật chứ không phải giống như thật. Nghệ sĩ đóng nhân vật lịch sử là giả (xét ở góc độ lịch sử), nhưng đóng cho đạt cái thần của nhân vật thì đó là thật (xét ở góc độ sân khấu). Tôi cố gắng để người xem đến với vở kịch thấy được cái thần của nhân vật và qua đó hiểu hơn về cuộc đời, sự nghiệp và tính cách của Tả quân Lê Văn Duyệt”.
NSND - đạo diễn Doãn Hoàng Giang

Quyền Linh mang những tố chất rất dung dị, gần gũi với cách dàn dựng nhân vật Lê Văn Duyệt mà tôi đã phác thảo từ những ngày mới đọc kịch bản Người mang chín án tử hình của Phạm Văn Quý. Chúng ta đã có nhiều vở diễn về đề tài lịch sử viết về các vị anh hùng chống ngoại xâm. Điều này rất tốt, rất cần nhưng xét cho cùng vẫn chưa đủ. Lịch sử của chúng ta không chỉ có chống ngoại xâm mà còn có nhiều tấm gương anh hùng xây dựng đất nước. Những tấm gương đó đã điều hành công việc giữ an bờ cõi, đặt nền tảng pháp luật, công lý trong thời chiến và trong cả thời bình. Xem lại tấm gương người xưa chúng ta còn thấy nhiều điểm đáng để soi rọi cho công việc ngày nay. Cần có thêm nhiều tác phẩm sân khấu lịch sử để giáo dục thế hệ trẻ yêu nước, đặt quyền lợi dân tộc lên trên hết như công đức của Tả quân Lê Văn Duyệt.

Thanh Hiệp
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]