Đặc sản tết chờ người mua

Các siêu thị lớn như Co.opmart, Maximark, Big C… có lượng đặc sản dồi dào hơn các cửa hàng, siêu thị mini do có ký hợp đồng tiêu thụ từ sớm với nhà cung cấp.

0

Một số đơn vị còn chấp nhận bao tiêu đầu ra hoặc ứng vốn trước cho nhà sản xuất/nhà cung cấp để có lượng hàng tết ổn định.

Trái phật thủ bán tại cửa hàng trên đường Trần Quốc Toản. Ảnh: Minh Cúc


Tại siêu thị Hà Nội chủ yếu vẫn là các món đặc sản miền Bắc như măng lưỡi lợn, măng nứa, miến dong Bắc Kạn… Ngoài ra, còn có các món đặc sản thường gặp mùa tết như trà Thái Nguyên, trà móc câu Tân Cương… Măng rừng là món được chưng bán khá nhiều với đa dạng chủng loại, giá cả khá mềm. Chẳng hạn, măng lưỡi lợn có giá 75.000 đồng/gói/200g, măng nứa gói 70.000 đồng/gói/200g, măng vẩu xé khô 43.800 đồng/gói/150g...

Hệ thống siêu thị Co.opmart kết hợp với các doanh nghiệp địa phương như An Giang, Kiên Giang, Bến Tre… đưa đặc sản về tiêu thụ. Một số loại đặc sản của các làng nghề địa phương được đưa vào cơ cấu Giỏ quà tết Việt 2013 của siêu thị Co.opmart.

Đại diện siêu thị Maximark Cộng Hoà cho biết, tết năm nay Maximark ưu tiên cho đặc sản vùng miền, mở rộng chủng loại đặc sản từ nhiều địa phương khác nhau. Như mọi năm, thế mạnh của Maximark là đặc sản miền Trung.

Siêu thị Big C chủ động bổ sung các loại đặc sản ở nhiều vùng miền khác nhau như bánh chưng gấc (miền Nam), chả bò Đà Nẵng, măng ngâm mắc mật (Lạng Sơn), bánh nẳng (Vĩnh Phúc)… Tuỳ vào vị trí địa lý của từng siêu thị, hệ thống Big C sẽ sắp xếp cơ cấu đặc sản vùng miền phù hợp.

Qua khảo sát tại một số cửa hàng đặc sản ở khu vực quận 1 và 3 như đường Điện Biên Phủ, Trần Quốc Toản, Nguyễn Đình Chiểu, Chu Mạnh Trinh… đặc sản phục vụ tết khá phong phú. Nhìn chung, đặc sản tết năm nay giá tăng khoảng 10% so với năm ngoái. Hiện tại, khách hàng có thể đặt mua một số đặc sản miền Bắc, miền Tây, miền Trung qua email hoặc Facebook. Một số cửa hàng kinh doanh đặc sản cho biết nếu khách hàng không đặt mua sớm thì có thể đặc sản sẽ tăng giá vào thời điểm sát tết, do chi phí vận chuyển tăng lên. Một số loại đặc sản thuộc loại "tươi" như bánh tét/chưng, trái cây các loại mới chỉ có một ít trên kệ hàng, phần lớn các cửa hàng đều đề nghị đặt hàng trước, đến tết lấy. Chủ cửa hàng Tiến Huệ đường Điện Biên Phủ cũng cho biết, để mua được hàng ngon nên đặt trước vì một số loại "hot" như nem, giò thường thiếu hàng vào giờ cao điểm. Hiện giá nếp cái Bắc tại các cửa hàng có giá 40.000 đồng/kg, nếp nương 45.000 đồng/kg, nem chua 55.000 đồng/chục, nem phùng 35.000 đồng/gói, giò bê 380.000 đồng/kg, trái phật thủ 240.000 đồng/trái.

Giá bán đặc sản tại các siêu thị lớn vẫn ổn định hơn các cửa hàng quy mô nhỏ. Hiện tại, giá bán đặc sản ở một số cửa hàng đã có dấu hiệu nhích lên. Một vài cửa hàng còn cho biết, vào thời điểm cận tết đặc sản có thể tăng giá thêm 10 - 20%.

Theo nhận xét của một số siêu thị và cửa hàng đặc sản, hiện nhu cầu mua đặc sản năm nay có phần yếu hơn năm trước, nhưng phải đợi thêm khoảng mười ngày nữa mới có thể đánh giá chính xác hơn. Một số đơn vị "thủ thế", không dám đặt mua nhiều với nhà cung cấp mà chia thành nhiều giai đoạn từ nay đến giáp tết. Tuy vậy, một số sản phẩm có thời gian sử dụng dài như nấm khô, măng khô, miến, nếp… đã được người tiêu dùng mua trữ sẵn phòng khi giá lên.

Xuất hiện trứng ăn liền

Công ty Trại Việt (Vietfarm) đưa ra thị trường dòng sản phẩm trứng cút luộc bóc vỏ ăn liền, trứng vịt muối luộc ăn liền, trứng cút kho và trứng gà kho ăn liền nhằm tạo sự tiện lợi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng mùa tết. Theo ông Đàm Văn Hoạt, tổng giám đốc công ty Trại Việt, sản phẩm trứng tiệt trùng ăn liền được chế biến theo quy trình hiện đại, từ khâu luộc (sử dụng máy luộc trứng) đến khâu bóc vỏ (sử dụng máy bóc vỏ trứng), khâu tiệt trùng (sử dụng máy tiệt trùng trên 121 độ C) đảm bảo an toàn vi sinh.


0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]