Đại lễ hội thơ 1.000 năm Thăng Long: Hoành tráng và tươi mới

GiadinhNet - Ngày thơ Việt Nam 2010 sẽ được tổ chức bắt đầu từ ngày 26/2 với quy mô hoành tráng nhất từ trước tới nay. Đây là lễ hội đặc biệt mở đầu cho chuỗi sự kiện kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.

15.6079

Nhà Thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam cho biết, Đại lễ hội Thơ 1.000 năm Thăng Long được tổ chức trong một không gian rộng lớn, mở màn là ngày thơ tại Hưng Yên (đã diễn ra vào ngày mùng 6 Âm lịch), sau đó đến các tỉnh Quảng Ngãi, Hải Phòng, Thái Nguyên, Nam Định, Phú Thọ, Phú Yên… Trong đó, đặc biệt nhất là 3 điểm nhấn ở 3 thành phố lớn. Tại TP. Hồ Chí Minh (tổ chức trong hai ngày 24 và 25/2 tại Nhà hát lớn Thành phố) với các chương trình đọc thơ, múa lân, sân thơ trẻ và đêm thơ “Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”; tại thành phố Huế (tổ chức ngày 27/2) với hội thảo về thơ trẻ “Từ cố đô nhớ về cố đô” song song với các hoạt động của Hội thơ diễn ra trên dòng sông Hương thơ mộng.

Tại Hà Nội, lễ hội thơ diễn ra trong 3 ngày, từ 26-28/2 tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Mở màn là Sân thơ quốc tế với sự  tham dự của các nhà thơ quốc tế, các nhà dịch thuật nước ngoài. Ngày 27/2, Hội Nhà văn Việt Nam làm Lễ cầu siêu cho các nhà văn, nhà thơ đã hy  sinh trong kháng chiến và mới qua đời. Chiều 27/2 (tức ngày 14 tháng Giêng) ngọn lửa thơ sẽ được rước từ Đền Hùng về thờ tại Hội Nhà Văn, chiều cùng ngày là đêm chung kết Hội thơ sinh viên. Sáng ngày 28/2 là lễ rước lửa ra Văn Miếu, thắp lửa và lễ rước chiếu dời đô mở màn cho ngày thơ chính.

Nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết, Ngày thơ năm nay có rất nhiều điểm mới mẻ, thỏa mãn tình yêu thơ của mọi lứa tuổi và tầng lớp nhân dân, đó là Triển lãm Vườn Thơ Đất nước với 63 cây thơ (đại diện cho 63 tỉnh thành), trong đó có 2 cây thơ lớn tượng trưng dành cho dân ca và ca dao; là triển lãm thơ trên gốm sứ do các nghệ nhân Bát Tràng thực hiện. Bên cạnh đó là sự xuất hiện của sân thơ trẻ với 3 sân khấu nhỏ: thơ truyền thống, thơ trình diễn và thơ sắp đặt.

Các em nhỏ và các em thiếu nhi sẽ được dành tặng một sân thơ riêng trong không gian thiêng liêng của sân Thái Miếu, Văn Miếu với một loạt các hoạt động ý nghĩa và hấp dẫn bắt đầu từ 14h ngày 28/2. Lễ hội Thơ thiếu nhi được mở đầu bằng lễ thả diều, Cánh diều tuổi thơ Việt Nam sẽ bay lên cùng với câu thơ của nhà thơ Võ Quảng “Cả đất trời đang chờ đón” (Trích trong bài “Ai dậy sớm”).

Đến với lễ hội thơ, các em học sinh trường PTCS Thực Nghiệm sẽ trình diễn những bài thơ hay cho thiếu nhi của các nhà thơ Xuân Quỳnh, Lâm Thị Mỹ Dạ…Thơ thiếu nhi của nhà thơ Xéc gây Mi Khan cốp (với bản dịch của Thái Bá Tân) được các em rất mến mộ và thể hiện bằng những màn trình diễn sinh động.

Sân thơ thiếu nhi trong Ngày thơ Việt Nam sẽ là nơi gặp gỡ  giao lưu, tặng sách, ký tên kỷ niệm giữa các nhà thơ, gia đình các nhà thơ và các em thiếu nhi. Nhà xuất bản Kim Đồng đem đến lễ hội thơ món quà đẹp đó là hai ấn phấm đặc biệt tri ân hai nhà thơ viết cho thiếu nhi đã quá cố, nhà thơ Võ Quảng (Tập thơ “Anh Đom Đóm”), nhà thơ Phạm Hổ (tập thơ “Chú bò tìm bạn”).

Thùy Chi

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]