Diễn giả nổi tiếng kỳ thị người khuyết tật?

GiadinhNet - "Bạn là người khuyết tật. Bạn chưa bao giờ nguyên vẹn cả, cả cuộc đời bạn chỉ có một nửa và đôi khi cả đời không tìm ra nửa kia cho nên cho đến trọn đời bạn vẫn là người khuyết tật.

0

Ai thích đi chơi với người khuyết tật? Ai thích chung chăn chung gối với người khuyết tật nào? Không ai cả". Đó là những lời mà ông Quách Tuấn Khanh - người được phong là diễn giả số một Việt Nam - nói trong một buổi diễn thuyết. Hậu quả, dư luận chẩn đoán câu nói này phát ra từ một người "lành lặn về thể xác, nhưng khuyết tật về...tâm hồn". Ông Khanh còn bị dọa kiện nếu không có lời xin lỗi người khuyết tật.

Có người nghi rằng, ông Khanh nói vậy để gây sự chú ý. Nhưng chắc không phải! Ở cái thời buổi mà nhiều đoàn nghệ thuật phải thuê xe ôm đi rao loa rạc họng trước các buổi diễn, thì những khóa học của của ông Khanh vẫn đông nghịt người tham dự, với mức học phí bằng mấy ngày công lao động của công nhân. Hẳn rằng trong số hàng ngàn người ngồi nghe màn diễn thuyết của ông Khanh, đã có những người sau đó có thể làm giàu, có thể "đọc vị" rồi chinh phục đối phương chỉ trong chớp mắt, có thể trở thành người hoàn mĩ (dù một vài từ còn ngọng líu ngọng lô), nên lớp học của ông mới đông như vậy.

Vậy chắc do ông nói hớ, như sau này ông thanh minh "tôi nói tới sự khuyết tật về tâm hồn, chứ không liên quan gì đến ngoại hình" ? Hay nghiêm trọng hơn, đó là quan điểm của ông? Câu trả lời chỉ có mình ông biết mà thôi!

Ai đó bảo, sao đang dạy người ta làm giàu, làm dáng, làm ra vẻ có tri thức (hoặc có tri thức thật), đều đều "mở miệng 90 phút, đút túi 30 triệu", ông Khanh lại nhảy sang dạy người ta yêu đương làm gì, rồi để bị vạ miệng? Hẳn đây sẽ là bài học đắt giá cho ông diễn giả này. Không phải bất cứ việc gì cũng lôi ra "tấu hài" được.

Nhưng ở một góc độ khác, câu nói của ông Khanh đã nhắc lại một thực tế đã và đang diễn ra - việc người khuyết tật bị kỳ thị là có thật. Trong giáo dục, phụ huynh từ chối cho con học với những bạn khuyết tật; trong việc làm, doanh nghiệp từ chối nhận người khuyết tật; trong giao thông, người ta từ chối chuyên chở người khuyết tật. Ngay cả trong chuyện tình cảm sâu kín và thiêng liêng, người khuyết tật cũng bị kỳ thị, họ bị cho là không có quyền được yêu, quyền sinh hoạt tình dục vv...

Trước thực trạng đó, nhiều người sẵn sàng làm “anh hùng bàn phím” để chỉ trích, để mạt sát người khác, nhưng có khi cũng chính họ, lại giả vờ như không biết, quay lưng với những hành động kỳ thị người khuyết tật đang diễn ra ngay trước mắt mình, vì lo ngại đến sự an toàn của bản thân, hoặc đơn giản hơn: Đang vội!

Cái giả này cũng đáng buồn như câu nói của ông diễn giả họ Quách!

Nguyễn Hoài/Báo Gia đình & Xã hội

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]