“Khuyết” quỹ dành cho người khuyết tật

Giadinh.net - Theo quy định, các tỉnh, thành phố đều phải có trách nhiệm thành lập Quỹ việc làm dành cho người khuyết tật.

15.5991
Vậy nhưng, sau một thời gian dài, chỉ có 11 tỉnh, thành phố trên toàn quốc thành lập quỹ. Chẳng lâu sau con số này cũng “ngót” dần, hiện chỉ có 3 tỉnh còn duy trì. Với 60 tỉnh, thành còn lại quỹ này vẫn trong kì “thai nghén”, không một xu dính túi.
 
“Thai nghén”… 14 năm
 

Không có vốn nhiều cơ sở sản xuất dành cho người khuyết tật phải hoạt động cầm chừng. Ảnh: PV


Điều 5, chương I, Nghị định 81/CP ngày 23/11/1995 quy định “Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập Quỹ việc làm cho người tàn tật để trợ giúp người tàn tật phục hồi chức năng lao động và tạo việc làm”. Sau đó để hướng dẫn thành lập, sử dụng, quản lý quỹ này Bộ LĐ,TB&XH, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư 19/2005/TTLT/BLĐTBXH-BTC-BKHĐT ngày 19/5/2005. Theo Thông tư này quy định: “Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định tại khoản 1, điều 5, Nghị định số 81/CP đã được sửa đổi, bổ sung để giúp đỡ người tàn tật học nghề, tạo việc làm, hỗ trợ các cơ sở dạy nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người tàn tật, hỗ trợ các doanh nghiệp khác thuộc mọi thành phần kinh tế có nhận người tàn tật vào học nghề và làm việc đạt tỉ lệ cao”.

Như vậy, những quy định về việc thành lập Quỹ việc làm dành cho người khuyết tật tính đến nay đã có từ 10 - 14 năm nhưng đến nay nó vẫn chỉ nằm trên giấy, rất ít tỉnh, thành phố thực hiện tốt quy định này. Theo thống kê của Cục Việc làm (Bộ LĐ,TB&XH), tính đến nay cả nước chỉ có 11 tỉnh thành lập quỹ bao gồm: Bắc Ninh, Bình Dương, Hải Dương, Gia Lai, Đồng Nai, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Đà Nẵng và Bình Định. Còn theo số liệu được Văn phòng Điều phối hoạt động của người tàn tật công bố, hiện quỹ này chỉ còn hoạt động ở 3 tỉnh là Bắc Ninh, Quảng Ninh và Hải Dương.

Lập quỹ: Khó!
 

Theo con số thống kê của Cục Việc làm (Bộ LĐ,TB&XH), hiện nay ước tính cả nước có khoảng 5,4 triệu người khuyết tật, chiếm 6,34% dân số, phần lớn trong độ tuổi lao động sống tập trung tại thành thị, điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn.

Để tìm câu trả lời cho việc các tỉnh thành khó khăn trong việc lập quỹ việc làm dành cho người khuyết tật, PV Báo GĐ&XH đã tham vấn ý kiến của lãnh đạo Sở LĐ,TB&XH Hà Nội, đơn vị trực tiếp được giao làm chủ tài khoản nguồn quỹ này chiếu theo quy định trong thông tư 19.

Tại Hà Nội, nơi có hơn 80.000 doanh nghiệp đủ mọi thành phần đang hoạt động. Đi kèm với số lượng doanh nghiệp không nhỏ này có đến cả triệu công nhân.
 
Theo quy định, các doanh nghiệp này phải có trách nhiệm sử dụng từ 2-3% trên tổng số công nhân là người khuyết tật thì một lượng lớn người khuyết tật đã được giải quyết việc làm. Nhưng trên thực tế số doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Đồng nghĩa với điều này, chiếu theo mục c, điều 5, chương I nghị định 81 thì Sở LĐ,TB&XH Hà Nội sẽ có một khoản không nhỏ truy thu từ các doanh nghiệp vào quỹ việc làm cho người khuyết tật. Bà Đỗ Thị Xuân Phương Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Hà Nội cho biết, hiện Sở cùng với các sở, ngành liên quan đang bàn bạc để thành lập quỹ này. Năm 2008, Hà Nội đã xúc tiến để thành lập quỹ nhưng do những xáo trộn trong công tác sáp nhập nên phải gác lại. Mặc dù các sở, ngành liên quan đã bàn bạc nhưng để lập được quỹ còn gặp nhiều khó khăn.
 
Theo bà Phương, vướng mắc lớn nhất đó là việc truy thu khoản tiền từ các doanh nghiệp không nhận người lao động khuyết tật. Bên cạnh đó việc xuất hiện một quỹ mới đòi hỏi phải có một đội ngũ cán bộ hoặc chuyên trách, hoặc kiêm nhiệm đều phải có thù lao cho đội ngũ này. Hiện Sở LĐ,TB&XH Hà Nội đang xúc tiến nghiên cứu ở những tỉnh đã lập quỹ để cho đoàn đi học hỏi kinh nghiệm, từ đó sẽ tiến hành lập quỹ.

Ông Phạm Gia Luật, Giám đốc Sở LĐ,TB&XH tỉnh Hà Nam cho biết, hiện Sở vẫn chưa thành lập được quỹ này. Nguyên nhân là do kinh phí để dành cho quỹ hiện chưa có. “Theo quy định, quỹ được cung cấp từ ngân sách địa phương nhưng do tỉnh còn nghèo nên chưa thể có, chỉ có ngân sách để rót vào quỹ bảo trợ xã hội. Nguồn thu từ doanh nghiệp cũng rất khó, còn từ nguồn tài trợ, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cũng hết sức hạn chế. Lập ra mà không có quỹ thì phỏng có ích gì” – ông Luật nói.

Trong khi phần lớn các tỉnh đều chưa có quỹ việc làm dành cho người khuyết tật theo quy định, tỉnh có quỹ lại không biết chi thế nào cho đúng quy định, thì hàng triệu người khuyết tật đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống, lao động và việc làm.
 
Công Tâm

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]