Tiết lộ của một lao công
Từ thông tin phản ánh rúng động của người dân, PV thâm nhập phát hiện ra công nghệ “sản xuất”, gieo trồng rau muống “tắm” hóa chất độc hại tại phường Thạnh Xuân (quận 12) và xã Nhị Bình, xã Đông Thạnh (huyện Hóc Môn). Từ đường Bùi Công Trừng (phường Thạnh Xuân) rẽ vào đường TX52, đến cuối đường này là hàng trăm héc ta rau muống.
Quan sát của PV, chủ các ruộng rau muống thuê nhà trọ cách đó chừng vài km, trong khu dân cư đông đúc. Theo cư dân địa phương, những người trồng rau muống không dám ở gần, vì sợ những chất độc hại trong quá trình trồng, chăm sóc rau thải ra gây nguy hại cho sức khỏe. Riêng những người sống gần khu ruộng rau muống, thì không trực tiếp làm rau.
 
 Sau nhiều ngày tìm hiểu thực tế tại khu vực trồng rau muống của hai quận, huyện trên, PV bàng hoàng phát hiện sự thật không khác so với người dân phản ánh. Trong vai một sinh viên ngành Nông nghiệp (của một trường đại học tại TP.HCM) đang đi tìm hiểu về quy trình sản xuất và chăm sóc rau muống, PV nhanh chóng tiếp cận với những người canh tác rau muống nơi đây. Nhưng, sau vài phút hỏi chuyện, họ có vẻ hời hợt và cảnh giác.
Khoảng 4h chiều, PV ghé vào một ruộng rau muống rộng khoảng 6 công đất (6.000m2) trên địa bàn xã Đông Thạnh (huyện Hóc Môn) thì gặp một người phụ nữ tên B. (người làm công cho chủ ruộng rau muống).
Rất thân thiện, bà B. cho hay: “Tôi làm thuê tại các ruộng rau muống ở đây nhiều năm rồi, nên biết rất rõ những “bí quyết” sản xuất rau của các chủ ruộng. Những “bí quyết” mà nếu ai đã từng một lần tận mắt chứng kiến sẽ không tránh khỏi cảm giác rợn người, rùng mình khi nghĩ đến những cọng rau muống này, lại trở thành món ăn hàng ngày trong bữa ăn của hàng ngàn người hiện nay”.
Từ những lời chia sẻ ban đầu của bà B., PV không khỏi tò mò và muốn đi đến tận cùng của sự thật. Trước hàng loạt thắc mắc của PV, bà B. hé lộ: “Cô chú ở xa nên không biết đó thôi, chứ thực chất những cánh đồng rau, muống ở đây ẩn chứa rất nhiều hóa chất độc hại.
Họ sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vô tội vạ, bừa bãi trong quá trình sản xuất rau muống bao nhiêu năm nay. Theo đó, cứ hễ bước ra đồng là bắt gặp vô số vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, tăng trưởng nằm lăn lóc bên cạnh các ruộng rau muống”.
 
Cũng theo tìm hiểu của PV, mỗi chủ vựa rau muống thuê ít nhất cũng gần chục công đất để sản xuất. Thậm chí có người còn sản xuất rau trên diện tích từ 40- 50 công đất. Mỗi lứa rau chỉ có 15-20 ngày nên lợi nhuận rất cao.
Khi PV hỏi về việc có được bồi dưỡng về kiến thức, quy trình, tiêu chuẩn khi trồng rau muống, anh N.C.V. (37 tuổi, ngụ phường Thạnh Xuân, quận 12) lắc đầu: “Những người trồng rau muống ở đây đều là người dân tỉnh lẻ.
Thấy việc sản xuất rau muống có thể đem lại lợi nhuận nhanh, nuôi sống gia đình nên mọi người mới đến đây thuê đất canh tác. Do vậy, việc sản xuất hoàn toàn diễn ra một cách tự phát, bản thân các chủ vựa rau như chúng tôi, không hề được phổ biến kiến thức về quy trình, tiêu chuẩn sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất rau. Thế nên, chúng tôi cũng không biết sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón như thế nào là quá mức quy định”.
Thu hoạch sau hai ngày xịt thuốc?
Quan sát của PV, vào mùa này hoạt động canh tác rau muống chỉ diễn ra từ khoảng 15h chiều cho tới khuya. “Muốn biết quy trình sản xuất rau muống độc hại, chỉ cần có mặt ở đây vào những lúc sáng sớm hoặc chiều tối mọi người sẽ được tận mắt chứng kiến “bí quyết” khiến rau muống tăng trưởng nhanh, năng suất cao.
Vì thế, cứ vào thời điểm này trong ngày, mùi thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, tăng trưởng bốc lên nghi ngút, khiến những người xung quanh cảm thấy ngạt thở. Sống một thời gian trong môi trường này, chắc không thể tránh khỏi việc mắc phải những căn bệnh nguy hiểm”, ông X. (ngụ xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn) chia sẻ.
Là người làm công cho một chủ vựa rau muống tại xã Đông Thạnh, ông H.T.L. (51 tuổi) hồ hởi tiết lộ quy trình chăm sóc những cánh đồng rau muống xanh mơn mởn: “Thông thường, sau một lần thu hoạch, các chủ vựa rau muống sẽ dùng máy phát cỏ cắt gốc rồi bắt đầu chăm bón phân đạm, thuốc tăng trưởng.
Điều đáng nói là việc chăm bón này diễn ra liên tục, nhiều lần từ lúc rau muống bắt đầu nảy mầm đến lúc thu hoạch. Chứng kiến tất cả những cảnh tượng này, nên bao nhiêu năm nay, tôi không dám ăn một cọng rau muống nào.
Cũng như tôi, người dân xung quanh đây đều không ngó ngàng gì đến loại rau muống chứa nhiều hóa chất độc hại này, dù cho rau có ném lăn lóc ngoài đồng. Vậy mà, với hầu hết người tiêu dùng chưa một lần nhìn thấy, thì đó lại là món ăn khoái khẩu hàng ngày, trong mâm cơm gia đình”.
Quá trình tìm hiểu, PV phát hiện, có nhiều chủ ruộng rau muống còn không ngần ngại mua dầu nhớt thải của xe về tạt khắp ruộng rau, để ngăn chặn tình trạng sâu bệnh phát triển. Đây là lý do khiến cho nhiều ruộng rau muống, lúc nào cũng có màu nước đen, ngay cả những con mương bên cạnh ruộng rau nước cũng đen kịt.
Tuy nhiên, thời gian gần đây họ ít sử dụng nhớt hơn mà sử dụng vô số các loại thuốc trừ sâu để phun lên các ruộng rau muống. Bởi theo các chủ vựa rau ở đây, thì gần đây sâu bệnh miễn nhiễm với “công dụng” của các loại nhớt.
Thấy chúng tôi đang sững sờ trước sự thật hãi hùng ấy, bà L. chỉ tay vào ruộng rau muống xanh tốt phía trước và nói: “Hôm nay, chị H. (chủ vựa rau muống nơi bà L. làm công) sẽ cắt (thu hoạch) ruộng rau mới xịt thuốc trước đó hai ngày.
Ở đây ai cũng làm thế, để rau muống thu hút được người tiêu dùng, các chủ vựa rau đều không ngừng tìm mua các loại thuốc dưỡng giúp cọng rau mềm, xanh tốt theo ý muốn. Hầu hết, chỉ vài ngày trước khi thu hoạch, họ lại phun các loại thuốc này cho rau”.
Thơ Trịnh – Hoàng Minh (Đời sống và Pháp luật)