Độc đáo lễ hội chỉ diễn ra vào đêm giao thừa

Dân trí Khi giây phút giao hòa của đất trời vào xuân, khắp làng trên xóm dưới tại xã Kỳ Hải (huyện Kỳ Anh) lại rộn ràng những âm thanh và lời chúc tốt đẹp trong hội sắc bùa rất đỗi thân quen.

15.6167

Múa sắc bùa xuất hiện khắp 3 miền của đất nước và xuất hiện tại xã Kỳ Hải (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cũng đã từ lâu. Trong trí nhớ của những nghệ nhân gạo cội trong làng cũng không còn nhớ rõ. Bởi từ khi sinh ra, âm thanh rộn ràng của múa sắc bùa vào những đêm giao thừa đã có rồi.

Cũng như nhiều lối hát dân gian khác, hát sắc bùa mang nhiều yếu tố tâm linh với hy vọng cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho cuộc sống yên vui, no ấm…

Theo một cụ cao niên trong làng thì: “Không rõ sắc bùa có từ khi nào, chỉ biết rằng từ trước người xưa ở đây quan niệm, khi bước sang năm mới cần xin cái sắc bùa xông đất. Chưa có sắc bùa người ta còn kiêng ngại. Sinh ra cái sắc bùa để bà con, anh em, hàng xóm mới đi lại nhà nhau dễ dàng hơn”.

Các đội múa sắc bùa luyện tập cho đêm giao thừa

Ở Kỳ Hải, khi thời khắc giao thừa vừa điểm, cũng là lúc những âm thanh của đoàn sắc bùa nhộn nhịp khắp mọi lối ngõ trong làng. Trong đêm 30, đoàn làm lễ và cầu bùa tại đền trước khi đi đến mọi nhà. Đó cũng là thời điểm duy nhất trong năm diễn ra hội múa sắc bùa.

Mỗi đội múa sắc bùa có từ 6 người - 12 người, hoặc thành lập phường bùa với số lượng từ vài chục người trở lên. Ở phường bùa thường quy mô hơn và tập trung nhiều người hát hay, múa giỏi.

Nhưng dù số lượng nhiều hay ít, mỗi đội bùa, phường bùa cần có  đủ: 1 người đứng đầu gọi là cai sắc (trùm phường), 1 người trốc quỹ, 1 người đóng quỹ, 1 người gõ phách và 1 người đọc thần chú. Những người con lại đóng vai trò diễn xướng, đồng ca. Cai sắc được chọn là người thông thạo nhiều điệu hát, quan trọng nhất là linh hoạt có thể ứng khẩu nhiều bài hát phù hợp với từng gia đình một cách mau lẹ.

Đội múa sắc bùa sẽ đến từng nhà để hát, gửi lời chúc phúc tốt đẹp đến gia chủ

Trong đêm 30 khắp đường làng ngõ xóm đều rộn ràng tiếng chiêng, tiếng trống, sinh tiền, mõ, chen lẫn với những điệu hát chúc phúc ý nghĩa.

Hát sắc bùa cũng có nhiều “trường đoạn”, trình tự mỗi bài hát múa cũng được chuẩn bị hết sức kỳ công. Khi đội sắc bùa đến ngõ, ông cai sắc lên (gọi là phần trịch.

Sau bài mở ngõ và bài vào xuân, chủ nhà mời đội sắc bùa vào làm lễ nơi bàn thờ tổ tiên, ông cái khấn vái và xin phép tổ tiên gia chủ, hai tay nâng lấy lá bùa dán lên cột nhà. Lá bùa có nội dung kính chúc chủ gia bách niên giai lão, kính chúc chủ gia thần nông hộ vận hay thần ngư phù trợ thì đây đã là nền nếp quen thuộc của làng quê.

Trong hát sắc bùa, phần hát chúc gia chủ phát đạt với nghề đang theo là nội dung không thể thiếu.

Múa sắc bùa như một hình thức chúc Tết đọc đáo được người xưa truyền lại

Để duy trì phường “Sắc bùa” của  xã, các bậc cao niên nặng lòng với loại hình nghệ thuật tâm linh này vẫn luôn miệt mài sưu tầm, sáng tác các làn điệu và các “bài tủ” với nhiều nội dung phong phú để phục vụ cho các dịp lễ, tết, mừng Đảng, mừng xuân, mừng đất nước đổi mới, các lễ hội, mùa vụ, các cuộc liên hoan, hội nghị, kỷ niệm các ngày lễ lớn của xã, của huyện. Nếu có yêu cầu, đoàn sắc bùa sẽ hát phục vụ cho đến dịp rằm tháng Giêng.

Hát sắc bùa như một nét văn hóa - hương vị Tết không thể thiếu ở nơi đây. Để có các tiết mục hát sắc bùa cho đêm giao thừa, từ các thành viên trong múa sắc bùa đến người dân đều có sự chuẩn bị. Đối với đội múa thì từ đầu tháng Chạp các thành viên đã tập hợp và tạp luyện với nhau. Còn người dân mỗi dịp sắm Tết cũng chuẩn bị thêm để đón đoàn sắc bùa chúc phúc..

Hiện nay, các đội sắc bùa nòng cốt chủ yếu vẫn là các bậc cao niên, trung niên trong làng. Việc gìn giữ và bão tồn lễ hội này vẫn là điều trăn trở của nhiều nghệ nhân. “Đến Tết mà không có sắc bùa là mất vui mà nhân dân đi lại cũng hạn chế. Chúng tôi cũng cố gắng duy trì phong tục của cha ông xưa để lại, cần nhất là làm thế nào truyền lại cho các cháu”, ông Hoàng Tùng- một trong những nghệ nhân sắc bùa bộc bạch.

Phượng Vũ

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]