Du lịch dịp lễ: Buồn nhiều hơn vui!

Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 đã qua nhưng vẫn còn để lại những dư âm buồn nhiều, vui ít trong du khách...

15.6042

Các bãi biển tiếp tục là điểm đến thu hút lượng du khách đông đảo trong kỳ nghỉ lễ vừa qua.

Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 đã qua nhưng vẫn còn để lại những dư âm buồn nhiều, vui ít trong du khách.

Một số tỏ ra hài lòng với dịch vụ, giá cả, còn một số cảm thấy “ấm ức”- một cảm xúc được lặp lại như hàng năm khi họ bị “chém” giá tại một số tụ điểm du lịch.

Vậy, giải pháp nào cho cả hai: du khách được hưởng dịch vụ tốt với giá hợp lý và người kinh doanh những dịch vụ trực tiếp hoặc có liên quan đến du lịch cũng được lợi nhuận và giữ được uy tín?

Theo các công ty du lịch tại Tp.HCM, do kỳ nghỉ lễ năm nay rơi vào giữa tuần nên các tour ngắn ngày thu hút đông đảo khách. Một số du khách xin ngày phép tham gia những tour dài ngày đến ngày 4/5/2008. Những địa điểm được ưa chuộng ở phía Nam vẫn là Đà Lạt, vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là các tỉnh có du lịch biển như Vũng Tàu, Nha Trang, Phan Thiết, Phú Quốc.

Dịp lễ là cơ hội “chặt chém

Đối với khách đăng ký tour, tuy mức phí tour có tăng hơn so với năm trước 10-20% do giá cả thị trường tăng cao nhưng mức giá này ổn định, không tăng đột biến. Lý do là các công ty du lịch đã có kế hoạch từ sau Tết trong việc dự đoán lượng khách để có thể hợp tác với các đối tác liên quan mà quan trọng nhất là chỗ ăn nghỉ cho du khách.

Tuy nhiên, bên cạnh đó phải kể đến số đông khách lẻ, hoặc dạng gia đình tự túc đi tham quan, nghỉ ngơi vào những ngày này. Họ không tránh khỏi việc trở thành nạn nhân của tình trạng “chặt chém” giá. Chẳng hạn, Bà Rịa-Vũng Tàu là nơi thu hút đông đảo du khách do gần Tp.HCM, rất thích hợp cho kỳ nghỉ 2 ngày lễ như vừa qua. Theo ghi nhận từ một người dân sống tại địa điểm du lịch này, giá phòng cho 2 người là 300.000- 400.000 đồng.

Giá nhà nghỉ vài trăm ngàn là bình thường vì có nơi đã nâng mức giá phòng lên đến 1 triệu đồng/phòng/ một ngày đêm. Các dịch vụ khác cũng tăng như giá thuê ghế dọc theo bãi biển tăng từ 45.000 đồng/bộ của ngày thường lên hơn 100.000 đồng/bộ, giá nước ngọt để tắm tăng từ 8.000 lên 12.000 đồng, giá đặc sản biển tăng lên 250.000-300.000 đồng/kg, so với ngày thường là 100.000 đồng/kg.

Tình trạng “chặt chém” vô tội vạ giá dịch vụ trong những dịp lễ không phải là chuyện lạ mà đã trở thành điệp khúc từ nhiều năm nay. Bản thân người kinh doanh cũng không cần giữ khách vào những ngày này với tâm lý “không được khách này thì còn nhiều khách khác đến”.

Người đi du lịch tự túc thì e ngại vì không tìm chỗ nghỉ do quá đông khách, hoặc lo ngại giá ở đâu vào những ngày đông khách cũng như thế cả! Mối quan hệ giữa khách và các cơ sở du lịch là mối quan hệ lệ thuộc. Du khách lệ thuộc vào những đơn vị kinh doanh những lĩnh vực liên quan đến du lịch. Ngược lại với ngày thường, các đơn vị kinh doanh sẵn sàng giảm bớt giá để giữ khách do lượng khách ít ỏi.

Trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý

Biết là đông khách, biết là giá cả sẽ tăng vọt vào những ngày này nhưng đây là dịp được nghỉ ngơi trong năm, vì vậy, mọi người vẫn tranh thủ đi du lịch để gọi là “thay đổi không khí”, lấy lại tinh thần làm việc.

Một số người ấm ức vì chất lượng dịch vụ kém không xứng với số tiền bỏ ra. Một người dân bức xúc, phản ánh ý kiến cá nhân trên một tờ báo sau ngày lễ rằng: “Tôi đã đi du lịch ở nhiều nước, nhưng chưa thấy nơi nào làm du lịch chụp giựt như ta. Theo lẽ, du khách đến đông là dịp quảng bá cho địa phương, cho khách sạn, nhà hàng, dịch vụ để du khách sẽ giới thiệu cho bạn bè của họ. Chỉ có môi trường thân thiện, giá cả hợp lý, chúng ta mới phát triển du lịch một cách bền vững”.

Một ý kiến khác cho rằng cần có quy định niêm yết giá phòng, giá thức ăn... ở các nhà hàng khách sạn. Các công ty du lịch nên đưa ra danh sách các nhà hàng, khách sạn kinh doanh đúng giá để du khách tham khảo và đưa ra lựa chọn thích hợp.

Làm thế nào để có chất lượng dịch vụ tốt cho du khách vào những dịp cao điểm này? Theo ông Nguyễn Tâm Thiện, Giám đốc Công ty du lịch DIC travel chi nhánh Tp.HCM, cách thực hiện của Công ty là dự đoán trước lượng khách, không nhận hợp đồng trước 10 ngày, chọn những nhà cung cấp dịch vụ liên quan có uy tín, không nên đưa khách đến những nhà hàng gần trung tâm...

Đặc biệt là khâu lựa chọn khách hàng tiềm năng và truyền thống. Đối với khách hàng truyền thống, công ty tư vấn du khách không nên đi vào đúng dịp lễ, hoặc chọn những điểm đến không đông khách như tour đến các tỉnh phía Bắc. Chẳng hạn như dịp lễ vừa qua, nhiều khách hàng được tư vấn chọn tour sau lễ vào ngày 3-4/5/2007 nhưng vẫn còn mang âm hưởng lễ. Ông Thiện nói: “Không thể để công ty mất uy tín và để du khách nhận những dịch vụ không đúng với đồng tiền bỏ ra”.

Ông Nguyễn Thế Vinh, Phó giám đốc Cty du lịch lữ hành Saigontourist, cho biết, những cty du lịch uy tín đã chọn những nhà cung ứng uy tín và những nơi này không chặt chém giá cả. Ông cho rằng, sự kiểm soát của các cơ quan chức năng ở địa phương là quan trọng. Ở những nơi thu hút đông khách du lịch, các cơ quan chức năng cần đánh giá để từ đó sắp xếp, quy hoạch lại để địa phương trở thành nơi du lịch sạch sẽ, an toàn, không có các dịch vụ gia tăng đột biến và chất lượng kém làm ảnh hưởng đến tuyến du lịch của các công ty du lịch.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]