Du lịch nông nghiệp: Cách làm mới, hiệu quả cao

Trong 4 năm qua, tận dụng những thế mạnh sẵn có của nền nông nghiệp tỉnh nhà, An Giang đã khá thành công trong việc áp dụng mô hình du lịch nông nghiệp (farmtour) cho 15 xã, phường với gần 100 hộ nông dân tham gia.

15.5739

Khách du lịch đến An Giang tham quan ngày một nhiều hơn

CôngThương - Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phụ trách Trung tâm du lịch nông nghiệp An Giang cho biết, farmtour đã được triển khai tại An Giang hơn 4 năm nay và thu hút một số lượng lớn khách tham quan từ các nước như: Anh, Pháp, Mỹ, Đức… Với farmtour, tất cả những gì liên quan đến nông nghiệp đều có thể trở thành sản phẩm phục vụ du lịch.

An Giang nổi tiếng với các làng nghề truyền thống, như: dệt lãnh Mỹ A ở Tân Châu, dệt thổ cẩm Khmer ở Văn Giáo, bánh canh- lạp xưởng bò Vĩnh Trung, mắm Châu Đốc...  Ngoài ra, An Giang còn có nhiều điểm du lịch tham quan, mua sắm, như: chợ biên giới Long Bình, huyện An Phú; thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên; khu du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư, huyện Tịnh Biên...

Do farmtour là dự án chú trọng đến việc thu hút du khách nước ngoài nên bên cạnh các khóa đào tạo về chuyên ngành du lịch, nông dân còn được tỉnh hỗ trợ tham gia các lớp tiếng anh giao tiếp ngắn hạn. Đồng thời, để giúp nông dân tiếp cận với mô hình này, Hội nông dân tỉnh đã tổ chức cho bà con nông dân đi thăm quan thực tế mô hình farmtour tại các địa phương khác như Cần thơ, Lào Cai… Sau những chuyến thăm quan đó, người dân sẽ học hỏi được cách tổ chức tour, tuyến, tạo ra những sản phẩm mới để gia tăng giá trị.

Hiện tỉnh An Giang đã có 15 xã, phường với gần 100 hộ nông dân tham gia vào dự án này. Riêng ở xã Mỹ Hòa Hưng, trong 10 hộ tham gia dự án farmtour, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2012 doanh thu của các hộ đã đạt trên 500 triệu đồng, tỷ lệ lợi nhuận đạt 20%/tổng doanh thu. “Dù chưa tương xứng với một nền nông nghiệp truyền thống như Việt Nam nhưng đây cũng là tín hiệu tích cực trong việc đánh thức những tiềm năng còn bị bỏ quên”, ông Tùng nhấn mạnh.

Anh Tôn Thất Đính (nông dân xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên, An Giang) cho biết, mô hình farmtour đã giúp gia đình anh có việc làm trong những lúc nhàn rỗi. Việc thực hiện cũng không khó vì chỉ cần tận dụng sẵn diện tích nhà ở rộng rãi và kết hợp các hộ nông dân lại với nhau để làm. Thông thường du khách nước ngoài đến sẽ ngủ lại và ăn cơm cùng gia chủ trong vài ngày, thăm quan làng nghề, thưởng ngoạn thắng cảnh, thậm chí là xuống đồng bắt tôm, cá cùng nông dân. Chính vì vậy, vào mùa cao điểm có tháng doanh thu từ du lịch đem lại cho gia đình anh từ 5 - 6 triệu đồng. Tính trung bình, mỗi năm nguồn thu từ du lịch đem lại cho gia đình anh từ 30 - 35 triệu đồng.

Chị Hồ Thanh Vân (nông dân xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên, An Giang) chia sẻ, gia đình chị đã triển khai mô hình này được mấy năm và thấy rất hiệu quả. Tuy nhiên, việc triển khai mô hình này cũng đang gặp phải một số vướng mắc do thiếu kinh nghiệm và các thủ tục pháp lý, cơ chế của tỉnh An Giang cũng chưa đi vào bài bản. Chẳng hạn như thủ tục xin giấy phép hộ “home stay” và các thủ tục đăng ký khác như giấy phép về vệ sinh an toàn thực phẩm, vì nó còn mới nên người dân cũng chưa quen. Bên cạnh đó việc ghi chép sổ sách, hạch toán kinh doanh, giới thiệu sản phẩm và kỹ năng giao tiếp của người nông dân còn yếu. Đó cũng là hạn chế lớn nhất hiện nay của chúng tôi trong việc thực hiện du lịch theo mô hình này…

Hội nông dân Hà Lan đã tài trợ 18,4 tỷ đồng cho tỉnh An Giang phát triển du lịch nông nghiệp từ nay đến năm 2014. Nông dân tham gia mô hình sẽ được hỗ trợ theo hình thức vốn đối ứng (nông dân đầu tư 75%, dự án hỗ trợ không hoàn lại 25%).

Ông Nguyễn Duy Lượng, PCT Trung ương hội nông dân Việt Nam: Trung ương hội đang tổ chức các mô hình như thế này để các tỉnh hội khác và các nơi khác đến học tập và nhân rộng. Đặc biệt hiện nay ở 13 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã có rất nhiều tổ chức hội, cấp hội đến học tập các mô hình như ở An Giangđể tăngthu nhập về kinh tế  cũng như ý thức làm du lịch cho bà con nông dân.

Thùy Dương

baocongthuong.com.vn

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]