Du lịch Việt Nam: Đừng để du khách “một đi không trở lại”

15.6223

1. Du lịch Việt Nam “được mùa” vinh danh trên báo nước ngoài

Năm 2014, một năm với những dấu ấn đối với ngành du lịch Việt Nam với hàng loạt các vinh danh của các tạp chí, trang thông tin điện tử uy tín đối dành cho các địa danh du lịch của Việt Nam, với:

Nhà Quảng Cáo

  • Việt Nam nhiều lần được vinh danh trên các báo nước ngoài như điểm đến được thế giới yêu thích với các bãi biển đẹp, cùng những món ăn ngon nhất thế giới.
  • Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới. Đây là di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và của cả khu vực Đông Nam Á…. và rất nhiều đánh giá, công nhận có giá trị khác dành cho du lịch Việt Nam.

Trải dọc theo các vùng miền khác nhau trên đất nước Việt Nam, tiềm năng du lịch của chúng ta thật phong phú và hấp dẫn. Từ đầu Móng Cái đến Mũi Cà Mau, nơi nào cũng được thiên nhiên ban tặng cho rất nhiều lợi thế. Đây cũng là nền tảng để chúng ta phát triển du lịch bền vững.

Hình ảnh bãi biển đẹp tại Nha Trang
Hình ảnh thơ mộng suối Yến

2. Du lịch Việt Nam – cần nhiều hơn một vinh danh

Việc được vinh danh rõ ràng là một cú hích quan trọng để tạo được ấn tượng đối với du khách. Tuy nhiên nhìn lại năm 2014, Việt Nam mất gần 1,5 triệu lượt khách quốc tế, không đạt mức 8 triệu khách quốc tế như mục tiêu đã đặt ra. thêm đó lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 01/2015 ước đạt 700.692 lượt giảm 9,7% so với cùng kỳ năm 2014.

Con số thống kê đã cho thấy, mặc dù du lịch đã vào mùa nhưng lượng khách quốc tế đến Việt Nam có dấu hiệu sụt giảm. Chúng ta nổi tiếng là đất nước có nhiều danh lam thắng cảnh tự nhiên đẹp với đường bờ biển dài hơn 3000km, nhiều di tích lịch sử hào hùng, nền văn hóa độc đáo và hấp dẫn nhưng theo đánh giá của ngành du lịch, từ năm 2006 đến nay, phần lớn du khách quốc tế sau khi đến Việt Nam đều có ý “một đi không trở lại”. Ngay cả người Việt chúng ta cũng không ít lời phàn nàn về du lịch nước nhà. Đây là hệ quả của nhiều vấn đề mà du lịch Việt Nam đang đối mặt như:

  • Hiện tượng bê tông hóa tràn lan đang hủy diệt cảnh quan du lịch,khai thác du lịch triệt để như các điểm đến ở: Nha Trang, Phú Quốc, Mũi Né, Đà Lạt, Sa Pa…
  • Nhiều thắng cảnh bị xóa sổ trên bản đồ du lịch nước nhà, trong khi không ít thắng cảnh khác đang có nguy cơ biến mất bởi sự can thiệp thô bạo của con người.
  • Cùng với dòng tiền chảy vào là những nguy cơ như ô nhiễm, cảnh quan thiên nhiên bị tàn phá và văn hóa bản địa bị biến đổi. Các bãi biển hoang sơ, những cánh rừng nguyên thủy, các lưng đèo lộng gió bây giờ đều in dấu chân các nhà đầu tư, các hãng lữ hành và khách du lịch. Resort, khách sạn mọc lên từ bãi biển đến lưng đồi, từ thành phố đến rừng núi kéo theo đó là những vấn đề như phá rừng, chất thải, khói bụi…
  • Việc khai thác du lịch triệt để dẫn đến những dòng thác chết như thác Gougah – một thắng cảnh cấp quốc gia; thác Liên Khương, hay còn gọi là “thác đàn trời” bởi gắn với truyền thuyết huyền bí, cũng đang rất thê thảm khi cảnh quan, môi trường bị phá hủy; thác Pongour, được mệnh danh là “Nam thiên đệ nhất thác”, nổi tiếng bởi vẻ đẹp mơ màng và hùng vĩ nhất Nam Tây nguyên cũng đang sống thoi thóp.
  • Một khu du lịch rất nổi tiếng là Suối Hồng tại Mũi Né cũng biến mất bởi quanh nó mọc lên nhiều nhà nghỉ, resort chặn dòng nước ngầm trong đồi cát khiến suối không còn.

Và rất nhiều những bất cập mà du lịch Việt Nam đang cần phải đối mặt. Những bất thường đó là lời cảnh báo sống động từ thiên nhiên đối với con người mà ngành du lịch Việt Nam cần nhìn lại.

+ Ô nhiễm môi trường

Thắng cảnh nào cũng quảng cáo là thiên đường nghỉ dưỡng, tham quan, thư giãn cho du khách nhưng hầu hết đều có chung một vấn đề, đó là ô nhiễm trầm trọng. Rất nhiều điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam đều ngập tràn trong rác. Từ rác thải trong sinh hoạt đến rác thải trong công nghiệp. Từ những chiếc túi ni lông, áo mưa đến vỏ chai nhựa, vỏ hoa quả…nổi lềnh bềnh trên mặt nước, chất đầy đường, công viên, thậm chí nơi linh thiêng như đền, chùa cũng ngập ngụa trong rác. Nhiều nơi rác đã bốc mùi, gây nên tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng ảnh hưởng lớn đến cảnh quan du lịch. Điển hình nhất về ô nhiễm môi trường của Việt Nam là môi trường biển và tại các lễ hội.

Hình ảnh rác ở bãi biển Mũi Né
Rác nổi lềnh bềnh trên suối Yến – chùa Hương

Với bờ biển dài trên 3.000 km, hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, một loạt bãi tắm cát trắng, nước trong xanh là những điều kiện thuận lợi giúp du lịch biển Việt Nam phát triển. Nhưng, trong vài năm gần đây, tại vùng biển Nam Trung Bộ, đặc biệt là tại Khánh Hoà, Ninh Thuận, ven bờ biển xuất hiện các lớp nhầy màu xám đen dày cả gang tay, trộn với xác chết của sinh vật, gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Tại Bình Thuận, chất thải từ đất liền theo bảy dòng sông lớn đổ ra biển rồi bị sóng đánh tấp vào bờ gây ô nhiễm các bãi tắm, khu du lịch. Đặc biệt, tại vịnh Phan Thiết, chất thải từ sông Cà Ty và sông Cái đổ ra ứ đọng dài ngày với nhiều loại rác sinh hoạt, sản xuất, chế biến thủy sản. Bãi biển Thuận An đang dần trở thành một “bãi rác” lớn.… Rác thải ra đã gây ô nhiễm nghiêm trọng bờ biển, gây ấn tượng không tốt cho du khách đến tham quan.

Tại Nghệ An, bãi biển Cửa Lò luôn là điểm thu hút đông khách du lịch nhưng vài năm trở lại đây bãi biển này cũng ngập ngụa trong rác.

Câu chuyện tạp chí National Geographic đưa Nha Trang vào nhóm các bãi biển tồi nhất thế giới năm 2010 vẫn sẽ mãi là câu chuyện buồn đối với người yêu biển Việt Nam.

Đó là lời cảnh báo chung cho các địa phương dọc bờ biển Việt Nam.​

Mỗi dịp tết đến xuân về, trên khắp các miền quê Việt Nam đều vui mừng diễn ra các dịp lễ hội. Bên cạnh những lễ hội lớn như Đền Hùng, Chùa Hương, hầu hết các làng quê khác đều có những lễ hội riêng cho mình. Đây vốn là một nét văn hóa truyền thống đẹp, cần duy trì, gìn giữ và phát huy. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chúng ta có thể cảm nhận được nét đẹp đó đang mất dần đi bởi rác. Hành động vứt rác xuống lề đường đó đã làm xấu đi hình ảnh của Việt Nam trong mắt của du khách và bạn bè quốc tế và ý nghĩa của các dịp lễ hội vui xuân.

+ Văn hóa du lịch còn thấp kém.

Văn hóa ứng xử trong cộng đồng du lịch được xem là yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh để thu hút du khách. Cảnh quan thiên nhiên có thể rất đẹp, cơ sở hạ tầng được đầu tư mạnh, nhưng khách du lịch vẫn không muốn quay trở lại vì tình trạng chèo kéo du khách của người bán hàng; phân biệt giá giữa người địa phương và khách du lịch; nhiều dịch vụ du lịch và phương tiện giao thông công cộng chưa được tốt…Nhiều lễ hội nổi tiếng tồn tại nạn đổi tiền lẻ, nạn treo bán động vật tại các hàng ăn, cảnh chen lấn vé khi đi cáp treo, đặc biệt là hiện tượng khách du lịch vứt rác bừa bãi…đã phần nào làm xấu hình ảnh của du lịch Việt Nam

3 – Tạo bước đột phá!

Xã hội càng phát triển, mức sống của con người được cải thiện thì nhu cầu du lịch ngày càng cao. Tuy nhiên nếu những thức trạng nêu trên không được giải quyết và khắc phục sẽ dẫn đến sự hủy diệt cảnh quan thiên nhiên và môi trường du lịch. Trước nhu cầu này, du lịch xanh là một trong những chìa khóa để phát triển du lịch một cách bền vững. Du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm là những cách gọi khác nhau nhưng có ý nghĩa gần giống nhau trong cách thức tham quan nhưng không gây ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên và văn hóa địa phương.

Việt Nam có thể tận dụng thế mạnh biển và rừng núi của mình để đưa ra những sản phẩm du lịch xanh như tham quan các khu bảo tồn, ngắm chim, cùng sống với người dân địa phương, tham quan bằng xe đạp, trồng cây, lặn biển ngắm san hô và cá, thưởng thức cây và hoa, thám hiểm rừng, chinh phục thác nước… Khi tham gia các tour du lịch này, khách du lịch được khuyến khích hòa nhập với thiên nhiên, giúp nâng cao đời sống của người dân địa phương mà không gây bất cứ tác động gì đến môi trường.

Muốn làm tốt du lịch xanh thì mỗi người dân cũng như người tham gia du lịch phải cảm nhận được tình yêu với màu xanh và với môi trường. Hiểu được cảm giác hạnh phúc ngập tràn khi đứng trước thiên nhiên hùng vĩ thì mới có động lực để gìn giữ thiên nhiên. Khi có tình yêu đối với thiên nhiên và môi trường chắc chắn họ không còn muốn phá hoại môi trường bằng những hành vi thiếu ý thức của mình. Mỗi chúng ta, hãy cùng chung tay để góp phần đừng để du khách “một đi không trở lại” và để những hình ảnh đẹp về thiên nhiên, cuộc sống mãi xứng tầm với vinh danh mà các tạp chí du lịch nổi tiếng từng ca ngợi

Bài: Mộc Lan, Như Nguyễn
Ảnh: Cao Anh Tuấn, sưu tầm khác

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]