Trước đó, dự án chặt 6.700 cây xanh ở Hà Nội cũng trong trường hợp tương tự, may dân đã “can gián” kịp thời, nên chỉ mới có gần 1.000 cây xanh bị đốn hạ.

Hai vụ lấp sông, chặt cây tuy khác nhau về tính chất của dự án, nhưng giống nhau về bản chất của sai sót (xin không nói sai phạm). Cần nhìn lại để rút kinh nghiệm, không chỉ riêng đối với Hà Nội và Đồng Nai mà với các địa phương. Đó là chính quyền đừng tự cho mình thông minh hơn dân chúng.

Các nước văn minh tôn trọng tối đa tiếng nói phản biện xã hội. Tiếng nói đó từ trong cộng đồng, chứa đựng trí tuệ của nhiều người, phục vụ cho lợi ích chung của xã hội. Tiếng nói đó đặc biệt khách quan, không áp đặt như ý chí và mệnh lệnh của chính quyền, đó là kênh thông tin cần tham khảo. Không phải bất cứ việc gì chính quyền cũng phải hỏi dân, nhưng chính quyền không thể tự ý quyết định những việc liên quan đến cộng đồng, đến tài sản chung của xã hội, của quốc gia. Sông Đồng Nai là tài sản quốc gia, 6.700 cây xanh ở Hà Nội tất nhiên càng không phải là tài sản của chính quyền.

Nếu như kêu gọi tiếng nói phản biện xã hội trước khi đi đến quyết định lấp sông hay chặt cây thì sẽ không có hậu quả như vừa qua.

Điều còn lại là thái độ của chính quyền khi để xảy ra hậu quả, hoặc thái độ ngăn chặn tối đa thiệt hại do quyết định không đúng của chính quyền.

Sau khi dư luận lên tiếng, lãnh đạo Hà Nội nhận thiếu sót về dự án thay thế cây xanh, chỉ đạo dừng chặt cây, kiểm điểm tập thể, cá nhân sai phạm. Còn Đồng Nai khẳng định dự án đúng chủ trương, đầy đủ về quy trình theo quy định pháp luật, thực hiện từng bước cẩn trọng, công phu, đến nay thực hiện đúng tiến độ. Việc tạm dừng thi công không phải là do quyết định của tỉnh, mà do doanh nghiệp đề xuất

Chính quyền không chờ đợi tiếng nói phản biện xã hội, không hỏi ý kiến dân về việc thực hiện dự án. Mặc dù sông Đồng Nai chảy qua nhiều địa phương, nhưng cũng không cần tham vấn ý kiến của các tỉnh lân cận.

Dự án lấp sông Đồng Nai đang được các cơ quan khoa học và bộ ngành Trung ương đánh giá và kết luận. Tuy nhiên, có thiện chí lắng nghe và tiếp thu các ý kiến phản biện là rất cần thiết. Dân chúng không trách chính quyền đưa ra một quyết định chưa đúng, mà chỉ trách khi cố chấp, bảo thủ trước một điều không đúng hoặc không hợp lòng dân.