Gấp giấy và cách làm bóng đá trẻ của người Nhật

Trong câu chuyện HLV Wantanabe Ken đem đến cho các em nhỏ xuất sắc của Trại hè bóng đá Hà Nội ẩn chứa những ý nghĩa nhân văn đáng trân trọng trong đào tạo bóng đá trẻ ở Nhật Bản.

0

 

HLV Ken xúc động khi nhận món quà là một bức tranh
vẽ chân dung từ một cậu học trò.

Trong cuộc gặp mặt nhân dịp kết thúc khóa đào tạo ở Trại hè bóng đá Yamaha 2012, Ken - huấn luyện viên của Azul Claro Numazu (một câu lạc bộ đào tạo bóng đá trẻ nổi tiếng của Nhật Bản) - đã kể một câu chuyện tưởng chừng chẳng liên quan đến bóng đá.

Cầm trên tay mấy chiếc hộp nhỏ, anh tiết lộ đã gấp theo nghệ thuật Origami truyền thống của Nhật Bản. Vị huấn luyện viên trẻ sau đó phát tận tay các em nhỏ và hỏi có nhận thấy điểm bất thường nào trong những món đồ đó không. Tất cả đều nói rằng không.

Phải đến khi Ken gợi ý, mọi người mới nhận thấy cạnh của những chiếc hộp đó không đều nhau.

"Đó là thông điệp chúng tôi muốn gửi đến các phụ huynh của những cầu thủ nhí ngồi ở đây", anh nói. "Trong nghệ thuật gấp giấy Origami của Nhật Bản, để có được những sản phẩm đẹp, bạn phải thật kiên nhẫn và cẩn thận từ những nếp gấp đầu tiên. Nếu ngay từ đầu đã không đều, những nếp sau sẽ theo đó trở nên lệch lạc. Kể cả giữa chừng bạn có nhận thấy những sai sót và muốn sửa cũng chẳng được".

Các em nhỏ đang xem lại những hình ảnh tập luyện của mình trong Trại hè Yamaha 2012.

"Trong công tác đào tạo cầu thủ trẻ của chúng tôi cũng vậy. Cấp quản lý và các bậc phụ huynh ngay từ đầu phải tạo một môi trường tốt và uốn nắn kỹ lưỡng cho các em. Đó là một bước vô cùng quan trọng, thậm chí đóng vai trò bản lề trong việc hình thành nhân cách và kỹ năng cơ bản cho những cầu thủ này trong tương lai".

Ken và các cộng sự ở CLB Azul Claro Numazu - cùng với một số huấn luyện viên của trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Viettel - đã ứng dụng quan điểm đó vào những bài học thực tiễn cho một tháng của Trại hè vừa qua với ba nhóm tuổi U6, U8 và U10. Trực tiếp đứng lớp còn có cựu huấn luyện viên trưởng đội tuyển U23 Nhật Bản, Masakuni Yamamoto.

Thông qua các bài tập là các trò chơi theo nhóm, các em dần trưởng thành trong tính cách và đặc biệt là dám thể hiện bản thân. Huấn luyện viên  luôn khích lệ các em thể hiện bản thân, chơi bóng đá thoải mái vui vẻ nhưng vẫn tuân thủ luật lệ.

Ông Yamamoto từng đưa đội tuyển trẻ Nhật Bản vào vòng chung kết giải trẻ thế giới 1997 và tham dự Thế vận hội 2004.

Trong lễ tổng kết hôm qua, Yamamoto chia sẻ rằng ông cảm thấy bất ngờ khi chứng kiến những pha bóng điệu nghệ và niềm đam mê của các cầu thủ nhí Việt Nam.

"Các em có khả năng nhìn nhận tình huống và sẵn sàng thực hiện những bài tập khó", vị huấn luyện viên từng đưa đội tuyển trẻ Nhật Bản vào vòng chung kết giải trẻ thế giới 1997 và tham dự Thế vận hội 2004 nói thêm. "Theo tôi, tự mình nhìn nhận các trường hợp và tự mình đưa ra các quyết định là tố chất quan trọng bậc nhất của các cầu thủ".

Yamamoto cũng bày tỏ mong muốn chung tay gây dựng một tương lai bóng đá đầy hứa hẹn cho Việt Nam: "Bằng việc kêu gọi và hỗ trợ thành lập học viện bóng đá Yamaha ở Việt Nam sắp tới, tôi muốn gắn bó chặt chẽ và gần hơn nữa với sự phát triển của tương lai bóng đá nơi đây".

Doãn Mạnh

 

 

 
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]