Bài học cho cách làm bóng đá chuyên nghiệp nửa vời

ANTĐ - Chiều nay 16-1, BTC Toyota V-League 2015 sẽ chốt danh sách đăng ký ngoại binh cuối cùng giai đoạn 1 mùa giải này. Nhiều CLB lâm vào cảnh phải chấp nhận rủi ro cao với những cầu thủ chưa nổi danh, vì thời gian không còn nữa.

15.6084
Nhiều CLB coi chất lượng ngoại binh quyết định sự thành bại   
Ảnh: QUANG THẮNG


Sau 2 vòng đầu tiên, tình hình ngoại binh ở các CLB mỗi nơi mỗi cảnh. Trong khi nhiều đội như SLNA, ĐTLA cảm thấy hài lòng với những cầu thủ ngoại quốc vì đã chứng tỏ được năng lực, thì Thanh Hóa hay HAGL đều cảm thấy bất ổn với những “ông Tây”. Đôn lứa trẻ U19 lên đội 1, đồng thời nhắm tới 2 ngoại binh giàu kinh nghiệm là trung vệ Morec Mitja và tiền đạo Lukanovic - từng là đồng đội của Ibrahimovic, để dìu dắt đội bóng, nhưng lúc này điều mà đội bóng phố Núi nhận về chỉ là sự thất vọng. Trong khi, trung vệ Morec bị phát hiện có tiền sử mắc bệnh tim và khó có khả năng thi đấu ổn định, thì tiền đạo Lukanovic được tạo điều kiện tối đa để thể hiện, nhưng lại thi đấu vô cùng mờ nhạt. Trong trận thua ĐTLA ở vòng trước, dù ghi được 1 bàn, nhưng suốt cả trận Lukanovic chỉ chơi vật vờ và khá vô hại trước khung thành đối phương. “Bầu” Đức lúc này đang gấp rút chấm một số cầu thủ thử việc còn lại, và bản thân ông cũng phải chấp nhận hệ số rủi ro cao như cách mà ông từng đón 2 ngoại binh kia về, vì thời gian không còn nữa.

Trong khi đó, Thanh Hóa lúc này đang phải tìm cách thay thế “trái đắng” Timothy. Từng là chân sút khét tiếng ở V-League với ngôi vị Vua phá lưới, nhưng Timothy lúc này chỉ còn là cái bóng của chính mình. Thanh Hóa đã thay chân sút này bằng Patrick Da Silva, một tiền đạo người Brazil. Việc Da Silva có thể hòa nhập tốt với môi trường V-League hay không chỉ có thời gian mới có thể trả lời. Thanh Hóa chưa thể an tâm nhưng cũng chẳng còn cách nào khác, vì dù sao phương án này cũng “an toàn” hơn so với việc tiếp tục sử dụng Timothy. 

Trong nhiều mùa giải V-League gần đây, có thể dễ dàng nhận thấy CLB nào có ngoại binh chất lượng thì thành tích cũng tỉ lệ thuận theo. Chính vì thế, dù người ta vẫn kêu gọi dành chỗ cho nội binh trẻ phát triển, nhưng các đội bóng không thể không đầu tư cho ngoại binh. Lúc này, SLNA đang khá hài lòng với tiền đạo Aboubakar bên cạnh suất còn lại là Bosman Koen. Aboubakar từng có mức lương thử việc chỉ 300 USD/tháng, nhưng sau khi lập cú đúp vào lưới Đà Nẵng, anh được ký hợp đồng với mức lương gấp 5 lần - 1.500 USD/tháng. Đây được coi là một món hời của SLNA và đội bóng xứ Nghệ cũng an tâm với bản hợp đồng này. 

Nhiều đội bóng còn lại như Đồng Tháp, Khánh Hòa, Đà Nẵng, ĐTLA hay Cần Thơ dù chưa không hài lòng với những ngoại binh đang có trong tay, nhưng cũng không dám mạo hiểm đẩy họ đi và thay bằng nhân tố khác. Chẳng hạn như trường hợp Lima của ĐTLA. Lãnh đạo ĐTLA cho biết dù tiền vệ này chưa chứng tỏ được năng lực, nhưng họ vẫn kiên nhẫn giữ anh lại vì không kịp thay thế bổ sung nữa. Nsi của Đồng Nai hay Uche của Khánh Hòa cũng là những trường hợp tương tự. Một phần vì đã mất một khoản “lót tay” kha khá, một phần cũng bởi các CLB có muốn tìm nguồn cầu thủ để thay thế cũng chịu, vì không có phương án dự phòng. Đây cũng là một bài học cho cách làm bóng đá chuyên nghiệp nửa vời ở nhiều đội bóng hiện nay.             
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]