Gascoigne-Ballack & sự khác biệt lớn giữa Anh và Đức

Trong một trích đoạn từ cuốn sách vừa in của anh, cựu danh thủ Đức có nhiều năm chơi bóng ở Anh Dietmar Hamann giải thích tại sao chỉ cần so sánh Paul Gascoigne với Michael Ballack để thấy được sức cuốn hút của mối quan hệ kình địch vào loại lâu đời nhất thế giới bóng đá.

15.6032

Dietmar Hamann

Tôi hy vọng ĐT Anh sẽ giành được gì đó ở tầm mức thế giới một lần nữa. Nhưng thành thật mà nói, tôi nghĩ điều đó sẽ không sớm xảy ra. Không phải là Anh không có những cầu thủ giỏi, tất nhiên là họ có, nhưng bạn cần nhiều hơn những cầu thủ giỏi để đi đến cùng một giải đấu lớn.

Một điều tôi chú ý ở ĐT Anh là giờ họ cần tìm lại bản sắc cũng như tìm được một ngôi sao ở đẳng cấp có thể chinh phục tất cả. Những siêu sao có thể kéo cả một đội bóng qua một kỳ World Cup hiện giờ đơn giản là không phải người Anh. Đó là những thiên tài bẩm sinh. Maradona và Messi đều là những cầu thủ phi thường, nhưng ngay cả những thành công của họ cũng chỉ đạt được cùng với những đội bóng rất mạnh.

Paul Gascoigne là lời giải thích mang tính biểu tượng về việc tại sao bóng đá Anh không thể tiến bộ. Tôi không biết anh ấy, và tôi biết anh ấy gặp những vấn đề bên ngoài sân cỏ, nhưng anh ấy là một tài năng lớn. Tôi đảm bảo bạn hỏi bất cứ ai nêu tên những cầu thủ Anh vĩ đại nhất gần đây, thì Gascoigne sẽ xuất hiện. Anh ấy được yêu mến theo cách khác biệt với ở Đức.


Paul Gascoigne

Nếu Gascoigne là người Đức, giờ anh sẽ là kẻ hoàn toàn vô danh. Sở dĩ tôi nói thế vì những gì đã xảy ra khi Anh gặp Tây Đức ở bán kết World Cup 1990 tại Turin. Tây Đức vượt lên dẫn trước vào đầu hiệp 2, nhưng rồi Gary Lineker gỡ hòa khi trận đấu còn lại 10 phút. Có lẽ đó là thời khắc định mệnh với bóng đá Anh. Khi trận đấu bước vào hiệp phụ, Gascoigne, đã nhận một thẻ vàng ở trận trước đó, có pha vào bóng 2 chân với Thomas Berthold. Trọng tài rút ra một thẻ vàng và Gascoigne đứng trước một thảm họa. Nếu tuyển Anh thắng, anh sẽ không được đá ở chung kết World Cup. Trận đấu khi đó đang hòa, và mọi việc chưa ngã ngũ, nhưng anh ấy chỉ nghĩ về bản thân, trong khi điều đầu tiên anh ấy phải nghĩ là: Tôi có thể làm gì cho đội bóng?

Khi trận đấu bước vào loạt luân lưu, Gascoigne được giao đảm trách quả sút thứ 3 cho ĐT Anh. Nhưng anh cho rằng mình không sẵn sàng và David Platt phải làm chuyện đó. Với Gascoigne, trong khoảnh khắc đó, tất cả lại là về bản thân anh, những cảm nhận của anh, chứ không liên quan gì tới trách nhiệm với đội bóng. Bóng đá là một môn thể thao đồng đội. Tuyển Anh có vẻ như đã sống với hy vọng tập hợp những cá nhân giỏi sẽ tạo thành một đội bóng lớn. Nhưng không phải như thế, còn những điều khác nữa.

Nếu Gascoigne là người Đức, hành vi của anh đã trở thành vụ bê bối tầm quốc gia, và anh ta sẽ bị lãng quên vĩnh viễn. Thậm chí anh sẽ không bao giờ được gọi lên tuyển nữa. Anh ấy chắc chắn không bao giờ nằm trong danh sách những cầu thủ vĩ đại nhất, bất kể những gì anh đã làm trước đó. Nhưng ở Anh, Gascoigne vẫn được tôn sùng.

Tôi có thể tự tin nói như thế vì những gì đã xảy ra ở World Cup 2002. Tình hình là không khác mấy với chúng tôi. Michael Ballack đã phải nhận 1 thẻ vàng và chúng tôi gặp Hàn Quốc ở bán kết. Đó là một trận đấu khó khăn và sau 71 phút, Ballack nhận thẻ vàng thứ 2. Anh biết, cũng như Gascoigne, tầm quan trọng của tấm thẻ đó. Anh ấy sẽ không được chơi ở chung kết World Cup nếu chúng tôi chiến thắng. Phản ứng của anh ấy là tuyệt vời, đúng như người Đức chờ đợi. Suy nghĩ đầu tiên của anh ấy không phải là cho bản thân, mà là cho đội bóng. Trận đấu đang hòa và chúng tôi vẫn phải nỗ lực hết mình. 4 phút sau, Ballack ghi bàn ấn định chiến thắng. Bàn thắng của anh ấy đưa chúng tôi vào chung kết World Cup. Anh ấy hoàn toàn hy sinh vì đội bóng, vui mừng vì chúng tôi vào chung kết, dù biết rằng bản thân anh ấy sẽ phải vắng mặt.


Michael Ballack

Tuy nhiên, Michael trở lại phòng thay đồ trong lặng lẽ và đau buồn. Năm đó với Leverkusen, anh đã về nhì ở Bundesliga, thua trận chung kết Cúp Quốc gia dưới tay Schalke và chung kết Champions League dưới tay Real Madrid. Giờ anh bỏ lỡ trận chung kết World Cup. Đúng là anh đã khóc, nhưng chỉ sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ của mình với đội bóng. Đó là điều khiến họ gọi anh là người hùng.

Các cầu thủ Anh phải nâng tiêu chuẩn của họ lên. Nếu một cầu thủ Anh được đá chính ở Premier League ngày nay, anh ta ngay lập tức được coi là một thành công. Nếu anh ấy xuất sắc, anh ấy sẽ được ca ngợi lên mây, bị trao cho một gánh nặng của những kỳ vọng quá lớn, với sự chú ý chi li từ truyền thông. Thật ra, chơi ở Premier League chỉ có một ý nghĩa: là bạn đã đạt tới tiêu chuẩn cao như một cầu thủ chuyên nghiệp. Chỉ thế. Đó không phải là thành công. Chỉ có một thước đo thành công trong bóng đá là các danh hiệu.

Một số cầu thủ Anh cũng giành danh hiệu với CLB của họ, nhưng chỉ là với các đội đa quốc tịch. Có vẻ như khi đưa 11 cầu thủ Anh tài năng ra sân cùng nhau, họ đánh mất những tố chất quan trọng. Ở Anh, họ được coi là thành công ngay khi khoác áo ĐTQG. Ở Đức, bạn phải làm tốt hơn thế rất nhiều mới dược thừa nhận và chính bạn phải cảm thấy mình xứng đáng. Gascoigne, một trong những cầu thủ được coi là xuất sắc nhất nước Anh, đã đi suốt sự nghiệp mà không giành được bao nhiêu danh hiệu. Anh có 1 Cúp FA, nhưng lúc đó đang ở trong bệnh viện vì một ca chấn thương do anh bất cẩn tự gây ra đã đe dọa sự nghiệp của anh. Anh ấy còn có vài danh hiệu nữa với Rangers.

Khi những người hùng của bạn là những người có rất ít danh hiệu, thì bạn sẽ không thấy trách nhiệm với tập thể. Đừng ngạc nhiên khi bạn có những đội bóng tài năng nhưng không thể cạnh tranh ở trình độ cao nhất.

Lần gần nhất ĐT Anh thành công ở tầm mức quốc tế là với một đội bóng có những phẩm chất như nỗ lực, khiêm tốn và tôn trọng lẫn nhau. Họ đã có những cầu thủ lớn sống cuộc đời bình thường, một nền văn hóa của sự khiêm nhường và xả thân, một tinh thần đã thành dấu ấn của văn hóa Anh.

Giờ thì không còn nữa, cả trong bóng đá lẫn trong xã hội Anh. Tôi cho rằng đất nước vĩ đại này đã hạ thấp các tiêu chuẩn của mình. Những gì còn lại là nỗi ám ảnh với hào quang giả tạo và lòng tin sai lầm rằng thành công nằm ở những sở hữu vật chất. Các vấn đề trên sân của ĐT Anh, theo tôi, cũng là những vấn đề bên ngoài sân và nền văn hóa trên đường phố. Dù Anh tiếp tục sản sinh ra những cầu thủ lớn, không biết bao giờ họ mới trở lại là một thế lực có thể thống trị toàn cầu như thế hệ 1966.

Trích từ sách “The Didi Man: Love Affair with Liverpool” (Chàng Didi: Tình yêu với Liverpool).
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]