Hàng không: Động cơ chính của du lịch

Vận chuyển hàng không giữ vai trò rất quan trọng trong sự phát triển du lịch của mỗi quốc gia. Thiếu các đường bay nội địa, khu vực và quốc tế, nguồn vốn thiên nhiên (các địa danh được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới...), yếu tố con người (văn hóa truyền thống, ẩm thực, phong cách sống...), một quốc gia dù có hấp dẫn đến đâu cũng khó có thể là điểm đến của nhiều du khách.

15.5575

Hàng không phát triển tốt, du lịch phát triển mạnh

Việt Nam, đất nước có 7 Di sản Thế giới, là “điểm son”, là “cổng vào” hàng đầu trong cấu trúc hợp tác phát triển du lịch “Bốn quốc gia một điểm đến” mà ngành công nghiệp không khói của Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar đã khởi động ở sự kiện ITE 2011 diễn ra tại TP.HCM hồi tháng 9.

Với đội máy bay 72 chiếc các loại tân tiến và không ngừng gia tăng về số lượng (đến năm 2015 sẽ là 100 chiếc), Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (VNA) đã mở nhiều đường bay quốc tế nối liền Hà Nội, TP.HCM với các thành phố lớn ở châu Á, châu Úc và châu Âu.

Tuần thứ nhất tháng 12 tới đây, VNA sẽ khai trương một đường bay liên lục địa mới từ Hà Nội và TP.HCM bay thẳng đến London. Từ đầu tháng 10, dùng máy bay của VNA bay đến Bangkok, hành khách còn có thể bay thẳng đến Abu Dhabi, kết quả từ thỏa thuận liên danh (codeshare) với Etihad Airways, một trong những gã khổng lồ ở bầu trời Trung Đông.

Và trong tương lai không xa, việc đến Ấn Độ du lịch, hành hương đất Phật, hoặc làm ăn cũng thuận tiện hơn do VNA vừa mới ký kết thỏa thuận hợp tác với Jet Airways, hãng hàng không tư nhân lớn nhất ở Ấn Độ.

VNA cũng là hãng bay phủ được cả 4 điểm đến Việt Nam, Lào, Campuchia và Myamnar. Bên cạnh đó, hai hãng bay quốc gia của Campuchia và Lào cũng đã có đường bay đến Việt Nam. Không những thế, Việt Nam còn góp phần không nhỏ vào sự phát triển của ngành hàng không dân dụng Campuchia và Lào.

Từ năm 2009, Việt Nam là đối tác chính trong liên doanh tạo ra hãng hàng không quốc gia Campuchia. Cambodia Angkor Air đang hoạt động với một số máy bay A321 và ATR 72-500 do Việt Nam cung cấp.

Các chuyến bay dày đặc của VNA đến thủ đô Phnom Penh và thành phố Xiêm Riệp, nơi tọa lạc quần thể đền đài Angkor Wat, một Di sản Thế giới, hầu như lúc nào cũng đầy hành khách.

Và chắc không sai khi nói rằng sự phát triển của VNA và Cambodia Angkor Air (trung bình mỗi tuần cung ứng hơn 5.000 chỗ trên các chuyến bay giữa hai nước) là nền tảng cho thực tế hôm nay là du lịch hai chiều Việt Nam - Campuchia phát triển rất tốt đẹp, cộng với sự thuận lợi của việc giao thông đường bộ ở nhiều cửa khẩu biên giới.

Trong 9 tháng đầu năm 2011, Việt Nam đã đón nhận 4,3 triệu du khách nước ngoài, tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái, Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết. Lượng du khách Campuchia thăm Việt Nam tăng hạng nhất với 74,2%.

Trong năm qua, du khách Việt đi du lịch Campuchia nhiều nhất, xếp hạng nhất với 466.695 người, tăng 47,6% so với năm 2009. Nguồn khách đông hạng nhì là Hàn Quốc với 289.701 người, tăng 46,5%.

Ngành vận tải hàng không Campuchia cất cánh

Được giao cho Công ty Vinci (Pháp) phát triển và quản lý điều hành, các sân bay quốc tế ở Campuchia (Cambodia Airports) đang tăng tốc phát triển.

Trong 6 tháng đầu năm 2011, hai sân bay lớn ở Phnom Penh và Siem Reap cộng chung xử lý 1,8 triệu lượt hành khách. Đây là sự tăng trưởng rất đáng kể khi biết rằng toàn năm 2010, hai sân bay này đã đón tiếp tổng cộng 3,2 triệu lượt hành khách.

Chắc chắn khi năm 2011 kết thúc, lượng hành khách qua lại hai sân bay lớn nhất ở nước này sẽ cao hơn, vì từ tháng 3/2011 hãng Air France đã mở lại đường bay nối liền Paris - Phnom Penh với tần suất 3 chuyến/tuần (có trung chuyển tại Bangkok) bằng máy bay thân rộng A340 sau 37 năm ngừng khai thác.

Ngoài ra, một hãng bay lớn khác là Aeroflot sắp mở lại đường bay Moscow - Phnom Penh vào cuối năm 2011.

Sân bay quốc tế Pochentong ở Phnom Penh hiện đón nhận máy bay của 17 hãng châu Á, trong đó có 3 hãng bay giá vé rẻ (Jetstar Asia bay đến từ Singapore; AirAsia, từ Kuala Lumpur và Thai AirAsia, từ Bangkok) và 1 hãng bay đặc biệt là Bangkok Airways (nối kết Bangkok - Phnom Penh với tần suất 4 chuyến/ngày).

Còn sân bay quốc tế Xiêm Riệp là điểm đến của 13 hãng bay, trong đó có 2 hãng giá rẻ (AirAsia và Jetstar Asia) và Bangkok Airways (4 chuyến/ngày).

Nhưng VNA chính là hãng có nhiều chuyến bay nhất đến Campuchia. Năm 2003, VNA khai trương đường bay Hà Nội - Siem Reap và nay cung ứng 26 chuyến/tuần ở đường bay này.

Cùng với đó là 16 chuyến/tuần ở đường bay TP.HCM - Siem Reap và 7 chuyến/tuần ở đường bay Phnom Penh - Luang Prabang (Lào). Ngoài ra, VNA còn khai thác mỗi ngày một chuyến ở tuyến bay TP.HCM - Phnom Penh và một chuyến Phnom Penh - Vientiane (Lào).

Cần thêm lực đẩy của hàng không

Mấy năm gần đây, du lịch là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong nền kinh tế Lào. Từ con số 80.000 lượt du khách nước ngoài vào năm 1990 đã tăng thành 1.876.000 khách trong năm 2010 (doanh thu 679 triệu USD). Năm qua, cứ 10 việc làm ổn định ở đất nước này thì có một công việc thuộc ngành du lịch.

Tuy nhiên, hạ tầng cơ sở còn khiêm tốn, thiếu thốn khách sạn hiện đại và nhà hàng cao cấp, hệ thống giao thông đường bộ chưa phát triển tốt là những nguyên nhân chính khiến Lào không phải là một điểm đến du lịch có lực hấp dẫn mạnh.

Trong suy nghĩ của giới lữ hành quốc tế, Lào chỉ là một điểm đến giá rẻ, đến thăm cũng được mà không đến cũng chẳng sao. Ngoài cố đô Luang Prabang và nền văn hóa cổ Chămpasak đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới ra thì dường như trong mắt du khách nước ngoài, đất nước Lào chỉ còn một nơi đáng đến thăm một lần cho biết là Cánh đồng chum ở cao nguyên Xiêng Khoảng.

Nằm sâu trong đất liền mà lại thiếu các đường bay quốc tế nên ngành du lịch nước này cũng khó phát triển nhanh. Hiện nay, sân bay quốc tế Wattay ở thủ đô Vientiane chỉ đón chim sắt của 5 hãng hàng không đến từ Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia và Campuchia. Sân bay ở Luang Prabang mới chỉ có ba khách hàng: Lao Airlines, Vietnam Airlines và Bangkok Airways.

Cuối tháng 8 qua, Lao Airlines đặt mua 2 chiếc A320 trị giá hơn 90 triệu USD bổ sung vào đội máy bay cánh quạt hiện gồm 4 chiếc ATR 72-500 (Pháp) và 4 chiếc MA60 (Trung Quốc).

Lao Airlines cho biết hai chiếc phản lực này (126 ghế hạng phổ thông và 16 ghế hạng thương gia) sẽ được sử dụng ở đường bay Vientiane - Singapore kể từ đầu tháng 11/2011 và sau đó ở đường bay đến Bangkok và một vài thành phố ở Trung Quốc. Ngoài ra, hãng cũng đã đặt mua hai chiếc phản lực ARJ21-700 COMAC của Trung Quốc.

Myanmar là đất nước có ngành du lịch kém phát triển nhất. Thật đáng tiếc vì Myanmar có đủ điều kiện để trở thành một điểm đến hấp dẫn: bờ biển dài, nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, chùa vàng Schwedagon ở Yangon, 5 hãng bay nội địa...

Năm qua Myanmar chỉ nhận được hơn 791.000 lượt khách nước ngoài, trong đó có 295.174 khách nhập cảnh ở sân bay quốc tế Yangon. Sân bay này hiện là điểm đến hạ cánh/cất cánh của 16 hãng hàng không của Ấn Độ, Bangladesh, Myanmar, Lào, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam, Singapore.
 

P.DŨNG NGUYỄN
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]