Haruki Murakami: 'Chạy giúp tôi viết tốt hơn'

Không chỉ là một nhà văn có bút lực dồi dào, tác giả "Rừng Na uy" còn say mê chạy marathon. Dưới đây là những tâm sự của ông về sự khác nhau giữa nỗi cô đơn của người cầm bút và cảm giác của kẻ độc hành trên đường chạy.

15.5804

Hà Linh - 

- Thưa ông Murakami, điều gì khó khăn hơn: viết một cuốn tiểu thuyết hay chạy marathon?

- Viết là trò vui, ít nhất, nó phần lớn là trò vui. Tôi thường viết 4 giờ đồng hồ mỗi ngày. Sau khi viết, tôi chạy. Như đã thành lệ, mỗi ngày 10 km. Như thế thì không có gì là khó khăn cả. Nhưng chạy một lúc 42.195 km là cả một vấn đề gay go. Tuy nhiên, đó chính là sự khắc nghiệt mà tôi muốn tìm kiếm. Đó là sự luyện tập khổ ải mà tôi cố bắt mình phải tuân theo. Với tôi, đó là điều quan trọng nhất khi chạy marathon.

- Vậy cảm giác nào tuyệt vời hơn: hoàn thành một cuốn sách hay cán đích trong một cuộc chạy marathon?

- Đặt dấu chấm hết cho một tác phẩm cũng như là sinh ra một đứa trẻ. Đó là khoảnh khắc không thể nào so sánh được. Một nhà văn may mắn có lẽ chỉ viết được khoảng 12 cuốn tiểu thuyết tử tế trong đời. Tôi không biết tôi đã có bao nhiêu cuốn đọc được nhưng tôi chỉ hy vọng viết thêm 4 hay 5 cuốn nữa có chất lượng. Khi chạy, tôi không có cảm giác về giới hạn đó. Cứ 4 năm, tôi mới xuất bản được một cuốn tiểu thuyết dày dặn nhưng hàng năm tôi thường xuyên chạy 10 km, bán marathon và cả marathon. Đến nay, tôi đã tham gia 27 cuộc chạy marathon. Lần cuối cùng vừa diễn ra hồi tháng 1. Và chuyện tôi sẽ có cuộc marathon thứ 28, 29 và 30 trong tương lai là điều hoàn toàn tự nhiên.

Nhà văn Haruki Murakami.

- Trong cuốn sách mới nhất, ông khẳng định mình từng là một vận động viên điền kinh, đồng thời bàn đến tầm quan trọng của nghề này đối với công việc viết lách. Tại sao ông lại viết cuốn sách có tính chất tự truyện này?

- Cách đây 25 năm, mùa thu năm 1982, lần đầu tiên tham gia chạy, tôi đã tự hỏi, tại sao mình lại chọn môn thể thao này? Tại sao tôi không chơi bóng đá? Tại sao việc tôi quyết định trở thành một nhà văn thực sự lại bắt đầu vào cái ngày đầu tiên tôi học chạy? Tôi chỉ dần hiểu ra mọi thứ khi ghi lại những suy nghĩ của mình. Tôi nhận thấy rằng, viết về môn chạy bộ tức là viết về chính tôi.

- Tại sao ông lại chọn môn thể thao này?

- Tôi muốn giảm cân. Khi mới bắt đầu tập viết, tôi hút thuốc rất nhiều, khoảng 60 điếu mỗi ngày, để tập trung tốt hơn. Răng tôi xỉn màu, các ngón tay cũng ngả vàng. Thế nên, tôi buộc mình phải cai thuốc lúc 33 tuổi. Quyết định này khiến tôi béo ra nhanh chóng, nên tôi bắt đầu chạy. Chạy xem ra là bộ môn khả thi nhất với tôi.

- Tại sao?

Murakami trong một cuộc đua marathon.

- Vì tôi không thích những môn thể thao đồng đội. Với bộ môn chạy, bạn không cần có ai đồng hành cả, bạn cũng không cần một sân bãi nào đặc biệt như với tennis. Judo cũng không thích hợp với tôi, tôi không phải là kẻ thích đánh nhau. Chạy đường trường không có nghĩa là bạn phải tranh đua với ai cả. Đối thủ duy nhất của chính bạn là bản thân mình. Bên trong bạn luôn diễn ra một cuộc đua. Mình có vượt qua được kỷ lục lần trước không? Càng ngày, bạn càng tiệm cận được đến giới hạn. Chạy marathon là bộ môn đầy thử thách, nhưng tôi không bỏ cuộc.

- Khi chạy, ông có lẩm nhẩm điều gì không?

- Không, tôi chỉ thỉnh thoảng tự nhủ mình rằng: Haruki, ngươi sẽ làm được. Nhưng thật ra, khi chạy, tôi chẳng nghĩ gì cả.

- Liệu có thể làm như thế được không - không nghĩ gì cả?

- Khi chạy, đầu óc tôi trống rỗng. Tất cả những gì tôi nghĩ đều rất thứ yếu so với việc chạy. Những ý nghĩ đó xuất hiện rồi thoảng qua như cơn gió, chả làm thay đổi điều gì cả.

- Ông sinh ra là con một, chọn nghề viết là một công việc rất cô đơn. Ông lại cũng chỉ thích chạy một mình. Những thứ này có liên quan gì với nhau?

- Rất chính xác. Tôi thường cô đơn. Và tôi thích một mình như thế. Khác với vợ tôi, lúc nào cũng muốn có bè bạn.

- Ông có biết cuốn tiểu thuyết "The Loneliness of the Long Distance Runner" (Nỗi cô đơn của kẻ chạy đường trường) của Alan Sillitoe?

- Tôi không ấn tượng với cuốn sách này. Nó tẻ nhạt quá. Có thể nói rằng, Sillitoe không phải là người biết chạy. Nhưng tôi thấy ý tưởng này hay: chạy giúp người ta khám phá chính cái tôi của mình. Tôi có thể đồng cảm với điều đó.

- Bộ môn này giúp ông thế nào trong việc viết lách?

- Cơ bắp tôi càng dẻo dai, trí tuệ tôi càng sáng suốt. Tôi tin rằng, những nghệ sĩ có sức khỏe không tốt sẽ không có sức sáng tạo bền bỉ.

- Năm nay 59 tuổi, ông định chạy marathon bao lâu nữa?

- Tôi sẽ chạy cho đến khi hai chân tôi còn đi được. Bạn có biết tôi muốn viết cái gì lên mộ chí của mình không?

- Ông muốn viết điều gì?

- "Ít nhất, ông ấy không bao giờ cuốc bộ".

(Nguồn: Spiegel)

 
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]