Hãy từ chối thực phẩm thiếu an toàn

Để tránh nguồn thực phẩm bị bệnh hoặc tẩm ướp nhiều hóa chất bảo quản độc hại, người tiêu dùng tuyệt đối không mua hàng rẻ, trôi nổi.

15.5841

Từ chối thực phẩm thiếu an toàn

Gần đây, hàng loạt thông tin sốc về chất lượng của các sản phẩm không rõ nguồn gốc như: Sữa bột trẻ em chứa chất cấm, đồ chơi chứa chất gây ung thư, nội tạng thối, thịt bẩn, lựu, nho có hàm lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép, măng khô, đũa sử dụng một lần tẩm lưu huỳnh, giá đỗ tẩm hóa chất độc hại; vải chứa chất dễ gây ung thư da, áo ngực có thuốc lạ… khiến người tiêu dùng thật sự lo lắng. Để đảm bảo an toàn cho mình và gia đình, những người tiêu dùng có điều kiện đã nói “không” với kênh mua sắm thiếu an toàn hoặc tẩy chay với những sản phẩm có nghi án về chất lượng.

Bà Nguyễn Thị Hân, ngõ 12, phố Cát Linh, quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết: “Xâu chuỗi lại các thông tin về hàng Trung Quốc kém chất lượng, tôi thấy rùng mình. Đã có không ít lần tôi mua phải những loại thực phẩm đó cho gia đình, giờ nghĩ lại thấy sợ. Chủ trương mua sắm của tôi bây giờ là mua hàng ở những địa chỉ uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Nói “không” với các loại rau củ quả đẹp mắt, bóng loáng, căng mọng. Nói không với những sản phẩm giá rẻ đến phi lý như thịt bò khô rẻ hơn thịt bò tươi; mực khô bằng mực tươi; cá sơ chế rẻ hơn cá tươi, thịt gà giá bèo…”.

Nên chọn thực phẩm ở kênh mua sắm an toàn.

Người tiêu dùng thuộc lĩnh vực bán hàng, dịch vụ cũng có tâm lý dè chừng. Chị Lâm Thị Hiền Anh, chủ spa tóc và da ở phố Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân (Hà Nội) cũng cho hay: “Chủ trương của tôi bây giờ là mua sắm, ăn uống ở kênh bán hàng hiện đại (siêu thị) để giảm tối đa sự thiếu an toàn đối với các loại hàng hóa mình mua sắm. Nhiều khi đi mua đồ tôi vẫn sợ mua nhầm nên trong đầu thường xuyên túc trực hai từ: an toàn và sạch”.

Theo anh Nguyễn Thanh Tùng, bếp trưởng nhà hàng Golden Palace, khách sạn Palace Saigon, đường Nguyễn Huệ, TPHCM thì người tiêu dùng trước hết phải biết cách nhìn nhận hàng hóa, thực phẩm mới có thể bảo vệ mình. Chẳng hạn, nếu chọn cá thì “cá sông hay biển còn tươi, khi nhấn vào mình cá sẽ cảm giác được sự đàn hồi. Mắt cá hơi lồi, thủy tinh thể còn trong suốt. Cá còn tươi, hậu môn của cá sẽ rất nhỏ, hậu môn nở to là cá ươn…”.

Quan sát, tư duy trước khi… xuống tiền

Ông Trần Ngọc Ba, Hội liên hiệp Khoa học kỹ thuật và an toàn thực phẩm tỏ rõ quan điểm, hiện nay từ khâu đánh bắt hải sản, nuôi trồng đến đưa sản phẩm ra thị trường, quản lý còn khá lỏng lẻo, dẫn đến sản phẩm thiếu an toàn. Hậu quả với người tiêu dùng là nhẹ thì có thể đau đầu, chóng mặt, nặng có thể dẫn đến tử vong, rất nguy hiểm.

Ông Ba cũng cho rằng, chỉ cần chịu khó quan sát và tư duy một chút, người tiêu dùng có thể nhận ra hàng kém chất lượng. Chẳng hạn thịt bò khô giá chỉ có từ 150.000 – 200.000 đồng/kg trong khi để sản xuất một kg bò khô phải bỏ ra ít nhất 400.000 đồng để mua… 2 kg thịt bò tươi chế biến. Giá rẻ chỉ có thịt bò khô giả, ướp hương liệu và hóa chất. Khi thấy giá phi lý người tiêu dùng hãy đặt ngay nghi vấn chất lượng, chẳng hạn như: mực khô ép sẵn giá 200.000 đồng; ô mai các loại chỉ 40.000- 50.000 đồng/kg…

Ngày 29/10, trong kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng đề nghị Mặt trận Tổ quốc và các hội, đoàn phát động cuộc vận động toàn quốc nhằm tẩy chay các hàng hóa độc hại. Đại biểu này cũng cho rằng: “Hàng Việt xuất đi các nước khác phải “trầy vi tróc vẩy”, còn hàng hóa nước ngoài nhập vào ta có nhiều đồ độc hại lại được cho qua dễ dàng, bày bán công khai ở chợ. Người nông dân thì vô tư phun thuốc sâu vào rau để bán”…

Nhiều chuyên gia thị trường cũng cho rằng, trong thời gian tới các cơ quan chức năng cần thực hiện kiểm tra, kiểm soát hàng hóa chặt chẽ hơn nữa. Nhất là tăng cường kiểm soát chặt hơn nữa tại các cửa khẩu để ngăn chặn hàng hóa kém chất lượng từ nước ngoài tuồn vào Việt Nam. Tuy nhiên, trước mắt, để bảo vệ mình, người tiêu dùng nên chọn mua thực phẩm ở các siêu thị, cửa hàng có thương hiệu, có uy tín. Nếu đi chợ truyền thống, các bà nội trợ nên đi sớm, quan sát kỹ để chọn được thực phẩm tươi ngon. Tuyệt đối không mua hàng rẻ, trôi nổi để tránh nguồn thực phẩm bệnh hoặc tẩm ướp nhiều hóa chất bảo quản.

Cách nhận biết thực phẩm an toàn

“Tôm tươi thân chắc, đầu và vỏ tôm có màu xanh bóng. Tôm bị đen đầu hay đầu không dính vào thân là tôm cũ, phần gạch tôm đã phân hủy, biến màu. Mực tươi thì thịt trắng và trong bóng, có sự đàn hồi. Mực tẩm ướp khi cầm cũng có cảm giác tươi vì thịt cứng nhưng khi rửa sạch, mực sẽ ngả sang màu vàng, thân mềm nhũn. Thịt lợn tươi có màu hồng nhạt đến đỏ, mỡ trắng đến hồng. Thịt trâu, bò màu đỏ nhạt đến đỏ sẫm, mỡ màu kem đến vàng nhạt, thịt chắc, đàn hồi khi ấn ngón tay. Thịt không an toàn khi có chất nhầy rỉ ra, bị bủn và không có độ đàn hồi, có mùi, có những điểm chuyển sang màu xanh. Thịt có chất siêu nạc thì thớ ngắn, trơn láng, độ săn chắc kém, thớ thịt không mịn”.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]